Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp xây dựng vẫn rất khó
Thế Hải - 13/07/2024 09:24
 
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng vẫn rất khó, doanh thu 6 tháng đầu năm nay ước đạt 24.947 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ, đạt 47% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế không đạt kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng không đạt kế hoạch nửa đầu năm
Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng không đạt kế hoạch.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp xây dựng vẫn rất khó khăn.

Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ ước đạt 25.935 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ và bằng 45% kế hoạch năm 2024. Doanh thu ước đạt 24.947 tỷ đồng, bằng 94% so cùng kỳ và bằng 47% kế hoạch năm 2024. 

Thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2024 của 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng quản lý cho thấy 2 doanh nghiệp báo lỗ, 4 doanh nghệp báo lãi. Tuy nhiên, do Vicem lỗ nặng đã khiến cho tổng số lỗ của các nhóm doanh nghiệp này vẫn lớn hơn lãi.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của 6 doanh nghiệp do Bộ Xây dựng nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối cho thấy, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) lỗ 2,6 tỷ đồng; Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ 863 tỷ đồng; Tổng công ty Viglacera lãi 575 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) lãi 20,1 tỷ đồng; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) lãi 38,2 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) lãi 205 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết, tình hình thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng vẫn rất khó khăn; giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn tới doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, kinh doanh thua lỗ, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch được giao.

Về thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch và tích cực triển khai công tác thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera;  phê duyệt Đề án tái cơ cấu và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Xi măng Việt Nam; triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, Tổng công ty Lắp máy Việt NamTổng công ty Cơ khí xây dựng.

Để thúc đẩy kinh doanh 6 tháng cuối năm, đại diện Vicem cho biết, trước thực tế dư thừa nguồn cung và thiếu đầu ra, Vicem kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt phương án điều chỉnh và bổ sung vốn Điều lệ; Tiếp tục hỗ trợ xử lý tồn tại, vướng mắc các gói thầu của Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem.

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến với Thành phố Hà Nội thông qua thủ tục đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội tại Mê Linh, Sơn Tây và Vân Canh; kiến nghị Sở Xây dựng TP.HCM tham mưu cho UBND Thành phố thông qua thủ tục của dự án nhà ở xã hội Hiệp Bình Phước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư