Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp xi măng chưa thấy dấu hiệu thoát cơn bĩ cực
Thế Hoàng - 24/01/2025 08:15
 
Nguồn cung xi măng tiếp tục dư thừa so với nhu cầu nội địa khoảng 55-60 triệu tấn, xuất khẩu sụt giảm do nhiều thị trường giảm mua, thị trường bất động sản tăng trưởng chậm, chi phí đầu vào tăng cao… là những nguyên nhân khiến cơn bĩ cực của ngành xi măng chưa dễ qua đi trong năm 2025.
Nguồn cung xi măng trong nước đang vượt xa cầu, tạo áp lực lớn với doanh nghiệp (Ảnh: Đức Thanh)
Nguồn cung xi măng trong nước đang vượt xa cầu, tạo áp lực lớn với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

“Ông lớn” lỗ ngàn tỷ đồng

2024 tiếp tục là một năm u ám với ngành xi măng. Trong 2 năm liền vừa qua (2023-2024), tiêu thụ xi măng nội địa đều dưới ngưỡng 60 triệu tấn; xuất khẩu cũng giảm năm thứ 3 liên tiếp, đạt xấp xỉ 30 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung xi măng trong nước vượt rất xa so với nhu cầu, đạt xấp xỉ 118 triệu tấn.

Đầu ra gặp khó, dẫn đến kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trong ngành khá bi đát.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp có quy mô công suất lên tới 30 triệu tấn xi măng/năm ghi nhận lỗ trong năm qua khoảng 1.400 tỷ đồng. Dù giảm lỗ 177,5 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, nhưng đây vẫn là năm thứ hai liên tiếp, Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ (năm 2023 lỗ hơn 1.100 tỷ đồng).

Theo Vicem, năm 2024, sản lượng sản xuất clinker chỉ đạt 94,3% kế hoạch năm, với 15,94 triệu tấn, giảm 3,6% so với thực hiện năm 2023; tổng doanh thu chỉ đạt 27.150 tỷ đồng, bằng 94,9% kế hoạch năm.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp có quy mô công suất lên tới 30 triệu tấn xi măng/năm, ghi nhận lỗ trong năm qua khoảng 1.400 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp như Vicem, việc chuyển hướng tiêu dùng từ xi măng bao sang xi măng rời trong những năm gần đây càng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, do giá trị thương hiệu của Vicem gắn liền với xi măng bao.

Nhu cầu tiêu thụ xi măng, clinker sụt giảm, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy trong hệ thống như Vicem Hải Vân, Vicem Hạ Long phải dừng lò, giảm năng suất, giảm thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch để hạn chế đổ clinker ra bãi.

Thị trường bất động sản còn trầm lắng, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm chậm triển khai, phải hoãn, giãn tiến độ. Xây dựng dân sinh cũng kém đi nhiều, cộng với nguồn cung vốn đã dư thừa gấp đôi so với nhu cầu lại được tiếp thêm bằng dự án mới đưa vào vận hành, nhiều nhà sản xuất cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán…, khiến xi măng thiếu đầu ra trầm trọng.

Đối với kênh xuất khẩu - lối thoát” lý tưởng cho ngành xi măng những năm gần đây - đã giảm từ 45 triệu tấn năm 2022 còn 29,7 triệu tấn năm 2024.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, 2 năm gần đây, Trung Quốc gần như không nhập khẩu xi măng và clinker, thậm chí nước này, sau một thời gian cấm sản xuất xi măng để ngăn ô nhiễm môi trường, đã quay trở lại sản xuất bình thường. Bangladesh thì nhập khẩu xi măng từ nguồn dư thừa của Pakistan, UAE; Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam (thời gian áp dụng 5 năm từ ngày 20/3/2023), đồng thời khởi xướng điều tra tự vệ với xi măng giai đoạn từ 2019 đến tháng 6/2024…

“Với việc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, doanh nghiệp xi măng Việt Nam không thể cạnh tranh nổi”, giám đốc một doanh nghiệp xi măng tại Ninh Bình chia sẻ.

Cũng tại doanh nghiệp này, năm qua, sản lượng sản xuất tăng, nhưng do giá bán nội địa lẫn xuất khẩu đều xuống thấp, chi phí sản xuất tăng (giá than, điện, vỏ bao, chi phí tiền lương, bảo hiểm tăng…), nên hiệu quả rất thấp.

Thực tế, kể cả có xuất khẩu được, thì giá cũng đã xuống rất thấp. Thấy rõ nhất là giá xuất khẩu sang 2 thị trường chủ lực là Philippines và Bangladesh.

Cụ thể, giá xuất khẩu xi măng theo điều kiện FOB sang Philippines cuối năm 2024 chỉ còn 40-40,5 USD/tấn, giảm 2-3 USD/tấn so với đầu năm và giảm 8-9 USD/tấn so với đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu clinker sang Bangladesh cuối 2024 ở mức 28,5-29 USD/tấn, giảm 2,5 USD/tấn so với đầu năm và giảm 10-10,5 USD/tấn so với đầu năm 2023.

“Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm làm tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò nung để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vicem thừa nhận.

Chẳng hạn, trước tình trạng cầu thấp, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất quá lớn, Xi măng Vicem Hoàng Thạch đã chủ động dừng một lò nung để giảm áp lực tiêu thụ.

Nguồn: Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Bộ Xây dựng
Nguồn: Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Bộ Xây dựng

Năm 2025 chưa hết khó

Cơn bĩ cực của ngành xi măng kéo dài liên tiếp gần 3 năm qua dường như chưa dễ kết thúc. Dự báo thị trường xi măng năm 2025 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nên kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho năm 2025 được Vicem xây dựng với nhiều thận trọng.

Theo đó, Vicem dự kiến sản lượng clinker khoảng 17,87 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2024; sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 25,58 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm trước, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 19,7 triệu tấn. Doanh thu dự kiến đạt khoảng 29.400 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2024.

Đặt mục tiêu tăng doanh thu hơn 8%, nhưng nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước vẫn quan ngại về lợi nhuận. Theo giải thích của lãnh đạo Vicem, do rất khó đoán định về tình hình biến động giá cả vật tư đầu vào và nhu cầu xi măng (ở cả nội địa lẫn xuất khẩu) khi chưa có dấu hiệu phục hồi, nên Vicem chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên rà soát, phân tích, đánh giá kỹ các thông tin và điều kiện thực tế hoạt động để sớm hoàn thiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp xi măng có nhà máy tại Hà Nam, Ninh Bình cho biết, dự báo về triển vọng tiêu thụ xi măng năm 2025 sẽ chưa mấy sáng sủa so với năm 2024, bởi nhiều nguyên nhân.

Trước hết là từ nội tại ngành, nguồn cung xi măng không đứng yên, mà vẫn tiếp tục được bổ sung. Theo kế hoạch, Dự án Xi măng Xuân Sơn (Hòa Bình) công suất hơn 2 triệu tấn/năm sẽ được đưa vào vận hành; Dự án Xi măng Hoàng Long, công suất 2,3 triệu tấn/năm, cũng tại Hòa Bình, đã gần xong phần đầu tư xây dựng, nên sẽ sớm đi vào vận hành, tạo thêm nguồn cung ra thị trường.

Thêm nữa, các tín hiệu về sự nóng lên của thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2025 vẫn chưa rõ ràng, phân khúc tiêu thụ dân sinh chưa trở lại như những năm trước, tiến độ của các dự án, công trình trọng điểm vẫn chậm, nên thị trường tiêu thụ của xi măng vẫn hạn chế.

Với xuất khẩu, việc gia tăng rào cản thương mại tại nhiều nền kinh tế, như Đài Loan điều tra chống bán phá giá với xi măng Việt Nam, Philippines ngoài áp thuế chống bán phá giá, còn đang điều tra tự vệ, cạnh tranh từ các quốc gia dư thừa xi măng như Indonesia, Thái Lan với lợi thế hơn hẳn Việt Nam về giá bán lẫn chi phí vận chuyển thấp… tiếp tục làm khó các nhà sản xuất Việt Nam.

Còn theo tính toán của Vicem, nguồn cung xi măng cho năm 2025 dự báo đạt khoảng 125 triệu tấn, nhưng nhu cầu trong nước chỉ 62,5 - 63,5 triệu tấn, trong khi giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao, dẫn đến các nhà sản xuất nội địa cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Lúc này, các doanh nghiệp chỉ kỳ vọng vào việc thúc đẩy các dự án đầu tư công vào kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở, dự án đường cao tốc, sân bay… Ngoài ra, xu hướng xây dựng công trình xanh và phát triển năng lượng tái tạo sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu thụ xi măng để có tăng trưởng.

Bộ Xây dựng tính toán, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95-100 triệu tấn, tăng 2-3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa 60-65 triệu tấn, xuất khẩu 30-35 triệu tấn.

“Năm 2025, tình hình thế giới khả năng vẫn diễn biến phức tạp, do ảnh hướng của xung đột địa - chính trị, một số quốc gia trên thế giới có thể xảy ra khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Điều đó sẽ tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, trong đó, lĩnh vực xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành xi măng chịu ảnh hưởng nhiều nhất”, Bộ Xây dựng nhận định.

Vấn đề lớn nhất của ngành xi măng lúc này là mất cân đối lớn giữa cầu và cung. Dư cung xi măng càng lớn hơn, khi 6 năm qua không còn quy hoạch ngành. Lo ngại năng lực sản xuất xi măng phình to, trong khi nguồn cung đã vượt cầu vài chục triệu tấn, trong năm qua, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ này nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng.

“Hiện nay, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước là vô cùng lớn, với trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng trong nước diễn biến rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản”, Bộ Xây dựng lo ngại.

Động thái của một số doanh nghiệp trước tình trạng chi phí sản xuất tăng phi mã là điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn sản phẩm từ đầu năm 2025, nhằm đỡ đi phần nào gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, khoản tăng giá 50.000 đồng mỗi tấn sẽ được chia cho các mắt xích trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp.

“Tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn, nhưng doanh nghiệp chỉ có thêm được khoảng 20.000 đồng/tấn, phần còn lại là thuộc về các mắt xích khác”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng tính toán.

Xi măng đồng loạt tăng giá từ đầu năm 2025
Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Tân Thắng... là những thương hiệu xi măng công bố điều chỉnh tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn ngay từ đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư