Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp xi măng ngấm thuốc tăng lực M&A
Thế Hải - 03/07/2013 06:45
 
Sau các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), những doanh nghiệp xi măng từng một thời điêu đứng như Thăng Long, Đồng Bành, Đại Việt… đều đang trỗi dậy.
TIN LIÊN QUAN

Chưa đầy 2 tháng sau khi ra mắt sản phẩm xi măng PCB 50, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long vừa xuất khẩu lô hàng thứ hai, số lượng 11.000 tấn xi măng rời bằng tàu chuyên dụng cho đối tác PT Semen Padang, thuộc Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia). Trước đó, vào tháng 3, lô hàng xuất khẩu 22.000 tấn xi măng đầu tiên cũng đã được chuyển giao cho đối tác này.

Nhà máy Xi măng Đồng Bành đã hoạt động ổn định trở lại

Từ thời điểm xuất xưởng xi măng PCB 50, Xi măng Thăng Long chính thức trở thành một trong số ít công ty xi măng tại Việt Nam có khả năng xuất khẩu xi măng rời trực tiếp qua hệ thống băng tải đến tàu chuyên dụng sang thị trường này.

Đây là một trong nhiều hoạt động được Xi măng Thăng Long triển khai sau khi bán 70% cổ phần cho Tập đoàn Semen Gresik (tháng 12/2012).

Trở thành cổ đông chiến lược của Xi măng Thăng Long, Semen Gresik, với hơn 50 năm kinh nghiệm, không chỉ đưa tổng vốn điều lệ của Công ty từ 1.750 tỷ đồng lên mức 4.200 tỷ đồng, mà còn hỗ trợ toàn diện cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Ông Đặng Anh Quân, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long cho biết, trong những tháng tới, hoạt động xuất khẩu của Công ty sẽ tiếp tục sôi động, bởi ngoài xuất hàng cho đối tác là thành viên của Semen Gresik, Công ty đã ký nhiều hợp đồng dài hạn với các đối tác lớn để xuất khẩu xi măng và clinker ra nhiều nước tại châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh… Đây là nền tảng quan trọng để Công ty có được kết quả xuất khẩu khá hơn năm 2012.

Hậu M&A, Nhà máy Xi măng Đồng Bành cũng đã hoạt động ổn định trở lại, với tên mới là Nhà máy Xi măng The Vissai Lạng Sơn, chỉ sau hơn 1 tháng về tay chủ sở hữu mới là Tập đoàn Xi măng The Vissai. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Nhà máy Xi măng The Vissai Lạng Sơn, Nhà máy phải ngưng hoạt động sản xuất một thời gian khá dài vì làm ăn thua lỗ, không tiêu thụ được sản phẩm, không có vốn duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, The Vissai Lạng Sơn đã đi vào sản xuất, cung cấp ổn định 75.000 tấn xi măng/tháng cho thị trường, với mục tiêu hết năm nay, sẽ cung ứng ra thị trường 675.000 tấn sản phẩm. “Với công suất 1 triệu tấn/năm, The Vissai Lạng Sơn đã giải quyết được một lượng clinker, xi măng xuất khẩu đang còn thiếu của Tập đoàn Xi măng Vissai trong năm 2013”, ông Đạt nhấn mạnh.

Một trường hợp khác cũng đã có sự trỗi dậy sau M&A là Trạm nghiền Xi măng Đại Việt tại Dung Quất do Công ty cổ phần Xi măng miền Trung đầu tư với tổng vốn gần 200 tỷ đồng. Được đưa vào chạy thử tháng 6/2012, chạy chính thức tháng 9/2012, nhưng công suất hoạt động của Trạm nghiền ở mức thấp, với những vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn…

Tuy nhiên, sau khi Trạm nghiền Đại Việt được bán cho Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC) đầu tháng 5/2013, với kinh nghiệm làm xi măng lâu năm, BCC đang dần tháo gỡ những khúc mắc tại đây. ông Ngô Sỹ Túc, Phó tổng giám đốc BCC cho biết, trong tháng 7, Nhà máy đi vào sản xuất ổn định, cung cấp xi măng ra thị trường với công suất cao nhất, nhằm giảm thiểu vận chuyển xi măng từ miền Bắc vào miền Trung vốn đang được Công ty đẩy mạnh tiêu thụ.

Có thể thấy, sau M&A, các doanh nghiệp xi măng từng một thời gặp nhiều khó khăn, đã có kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn, với những hỗ trợ tích cực của nhà đầu tư chiến lược, tạo tiền đề để phát triển bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư