Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp xoay xở chi gần 87.000 tỷ mua lại trái phiếu trước hạn
Thùy Liên - 23/06/2023 11:56
 
Khó huy động vốn qua kênh trái phiếu vì thị trường đóng băng, song doanh nghiệp vẫn phải xoay xở để mua lại trái phiếu trước hạn.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 16/6/2023, chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 6 với tổng giá trị 600 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 35.213 tỷ đồng, bao gồm 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 24 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.692 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).

Trong khi phát hành trái phiếu mới khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải tăng mua lại trái phiếu. Từ đầu tháng 6 tới ngày công bố thông tin 16/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.868 tỷ đồng trái phiếu.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 86.720 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022).

Áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn. Tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn từ nay đến cuối năm 2023 là 182.445 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 93.719 tỷ đồng, chiếm 51,4%, theo sau là nhóm Ngân hàng với 31.161 tỷ đồng, chiếm 17,1%.  

Trước đó, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong tháng 6/2023 có khoảng hơn 35.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5 và là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại trong năm 2023.  

Trong thời gian qua, để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều quyết định quan trọng để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đưa thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế và khơi dậy niềm tin của người dân để thị trường phát triển bền vững.

Đặc biệt, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu đã phát hành trước đây (thời gian gia hạn tối đa không quá 2 năm); ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Nghị định góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.

Vào cuối tháng 5/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 11,6% GDP năm 2022.

Sốt ruột với điểm nghẽn bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sở hữu chéo
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn những vướng mắc, bất cập trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư