Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Mai Hữu Tín: Khát vọng kinh doanh của người Việt chưa bao giờ gián đoạn
Khánh An - 14/10/2022 10:18
 
Với doanh nhân Mai Hữu Tín, khát vọng, tinh thần kinh doanh của người Việt chưa bao giờ gián đoạn, nhưng mọi thành công đều bắt đầu từ chính mình, năng lực và khát vọng của chính mỗi doanh nhân.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư U&I chia sẻ với các doanh nhân trẻ về mục đích kinh doanh.

VUCA VẪN ĐANG Ở QUANH TA

Thế giới phẳng và tính toàn cầu hóa mà chúng ta từng biết vài mươi năm qua có thể sẽ khó sớm quay lại, khi mà những toan tính địa chính trị đang được triển khai quyết liệt. Lúc này, không có một định hướng thật rõ và một niềm tin thật lớn vào chính mình thì thật khó tồn tại được.

Ông Mai Hữu Tín bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư về hành trình truyền lửa trong các doanh nhân bằng thực tế rất đáng lo ngại.

Chỉ đầu năm nay, mối lo lớn nhất là dịch bệnh và những rủi ro phát sinh từ sự khó lường của dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát chúng. Vào thời điểm đó, các doanh nhân đều xác định, rủi ro thị trường, rủi ro trong cuộc sống xuất hiện là đương nhiên và điều quan trọng là khả năng chấp nhận thay đổi và sẵn sàng thay đổi.

Khi đó, ông Tín cũng đã nói, việc các doanh nhân cần làm là đi nhanh hơn, vì hiểu rằng, rủi ro thực sự sẽ lớn hơn điều họ nghĩ. Rất đáng tiếc, tình hình lại xấu hơn cả suy nghĩ của những người lo xa nhất.

“Tôi đang nhìn thấy nhiều bất lợi hơn trong thời gian sắp tới. Sẽ không còn nguyên liệu rẻ, lãi suất thấp và chi phí vận chuyển thấp. Tính ổn định và đáng tin cậy của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ không còn như cũ. VUCA (thế giới “đa cực” với đặc tính: biến động - volatilit, không chắc chắn - uncertainty, phức tạp - complexity và mơ hồ - ambiguity - PV) luôn ở quanh ta”, ông Tín chia sẻ.

Thưa ông, trong bối cảnh này, điều đầu tiên ông muốn nói về hành trình truyền lửa là gì?

Tôi mong giữ lữa cho chính mình và cho những doanh nhân còn muốn gắn bó thật sự với đất nước.

Trong nhiều cuộc nói chuyện với các doanh nhân, ông đã từng nói: thắp lửa thì dễ, nhưng giữ lửa và truyền lửa thì khó hơn. Vào giai đoạn VUCA như ông nói, “lửa” mà ông muốn giữ và muốn truyền cho cộng đồng doanh nhân là gì?

Là chấp nhận và sẵn sàng đương đầu với khó khăn, chứ không bỏ cuộc, là tiếp tục dấn thân và không ngừng học tập để biến nguy thành cơ, là rộng mở kết nối và hợp tác với bên ngoài, chứ không co cụm.

Nhưng cũng phải xác định rõ, không có một định hướng thật rõ và một niềm tin thật lớn vào chính mình, thì sẽ thật khó tồn tại được.

Có nghĩa là, việc hiện thực hóa những khát vọng mà ông và nhiều doanh nhân Việt từng chia sẻ, rằng “nếu cái gì người Việt làm được, thì không nên để người khác làm trên thị trường Việt Nam”, đang đối mặt với nhiều thách thức hơn?

Những khát khao và nỗ lực đó chưa bao giờ gián đoạn trong doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả trong mùa dịch vừa rồi. Nhưng phải nói thật rõ là, số đó chưa nhiều, nhất là trong sản xuất, chế tạo và công nghệ.

Năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp lại không thể tách rời khỏi năng lực cạnh tranh của quốc gia nếu chúng ta muốn là những tay chơi lớn, những tên tuổi lớn trên thị trường thế giới.

Điều này xuất phát từ cơ hội kinh doanh hay từ tinh thần của doanh nhân Việt - những người như ông nói là “nghĩ cho đất nước, thay vì nghĩ riêng cho cá nhân, con người sẽ lớn hơn, khi động cơ đó lớn hơn thì sẽ làm doanh nghiệp lớn hơn, từ đó đất nước lớn hơn”?

Cơ hội kinh doanh là ngang bằng cho bất kỳ ai tham gia vào sân chơi toàn cầu. Khả năng cạnh tranh được đo bằng bộ óc ngày càng nhiều hơn bằng cơ bắp.

Tinh thần là một phần của bộ óc. Tinh thần của doanh nhân Việt, nói cho cùng, không có cơ sở nào để cho rằng, cao hơn tinh thần của doanh nhân từ các nước khác. Nhưng tôi cứ nhắc đi nhắc lại tinh thần này để chính mình và những người đồng chí hướng với mình biết rằng, họ không lẻ loi và họ vẫn còn có thể cố gắng nhiều hơn…

Có thể nói, đang hình thành rõ nét tinh thần dân tộc trong cộng đồng doanh nhân Việt không, thưa ông? Và đã đến lúc, chúng ta có thể nói nhiều hơn về nền kinh tế tự chủ?

Tôi nghe rất nhiều người nói về tinh thần dân tộc, nhưng tôi chưa thấy rõ lắm trong hành động của họ. Còn kinh tế tự chủ là gì, thì cần một định nghĩa rõ ràng để tránh nhầm lẫn. Tự chủ không có nghĩa là tự thân mình sản xuất hay làm chủ mọi thứ, mà nên là khả năng quản lý được một cuộc chơi nào đó tốt hơn người khác.

CUỘC CHƠI CÙNG THẮNG

“Nếu các bạn làm kinh doanh của ngày hôm nay, mà mục tiêu là làm ra thật nhiều tiền, thì tôi e rằng, các bạn sẽ không tìm được những người thật sự tâm huyết. Nếu các bạn cho rằng, cạnh tranh là phải thắng được nhau, thì coi chừng, các bạn cũng không kéo được người có trái tim lớn về với mình đâu, vì cuộc chơi của ngày hôm nay là cuộc chơi cùng thắng. Việc các bạn có thể làm hay hơn việc thắng người khác là định vị cuộc chơi theo ý mình”.

Đó là phần trả lời của ông Mai Hữu Tín cho câu hỏi: “Mục tiêu kinh doanh mà ông đặt ra cho các doanh nhân trẻ” trong cuộc tọa đàm cuối tuần trước, về xây dựng đội ngũ nhân sự chủ chốt, do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Ông Tín là một trong những diễn giả được chờ đợi trong các cuộc trao đổi về quản trị kinh doanh của giới doanh nhân trẻ. Một trong những lý do, đó là sự thẳng thắn và không “giấu bài” của ông.

Lần này cũng vậy, ông Tín giữ cách truyền lửa đó khi kể câu chuyện của chính mình với Gỗ Trường Thành.

“Trong Gỗ Trường Thành, chúng tôi không đưa ra nhiều câu chuyện hay nhiều giá trị mà không ai nhớ hết. Chúng tôi chỉ có một chữ thôi, chữ đẹp. Vì đời cần đẹp, nên chúng tôi có trách nhiệm làm đẹp cho đời”, ông Tín chia sẻ với các doanh nhân trẻ.

Tất nhiên, phần việc quan trọng là làm sao để người lao động và các cấp quản lý của công ty đều phải hiểu đẹp là gì, đẹp trong lời ăn tiếng nói, đẹp trong giao tiếp, đẹp trong từng sản phẩn, trong nâng niu quan hệ với khách hàng. Thậm chí, để mọi người cùng hiểu, cụm 4 giá trị của Gỗ Trường Thành là PSTV (các tiếng đầu tiên của từ tiếng Anh nghĩa là con người, tốc độ, minh bạch và giá trị) đã được gọi một cách nôm na là “phụng sự thật vui”.

“Phụng sự cũng là làm đẹp mà”, ông Tín chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện tại, chìa khóa nào, hay điểm tựa nào theo ông là cần thiết nhất để các doanh nhân tìm kiếm được giải pháp, con đường phù hợp?

Với tôi, chìa khóa là tri thức, tri thức ở mức độ cao nhất mà loài người đã tích lũy được. Nếu tự thân từng người trong chúng ta chưa có được tầm tri thức đó, thì nên có khả năng sử dụng được tri thức ở tầm đó của nhân loại trong những việc mình làm.

Ông nghĩ thế nào về liêm chính trong kinh doanh?

Rất cần, nhưng khả thi hay không lại do từng doanh nhân quyết định trong doanh nghiệp của mình.

Ngọn lửa kinh doanh ông muốn truyền cho thế hệ doanh nhân kế cận, cụ thể là thế hệ F2 của ông?

Rất đơn giản: làm gì cũng được, nhưng mục tiêu phải là số một, dù chỉ là trong một phân khúc rất hẹp nào đó. Làm được như vậy, thì mới có thể tự hào là người Việt.

Năm 2022 đã đi qua hai phần ba chặng đường. Ông nghĩ đây là năm nhiều “nguy” hay nhiều “cơ hội”? Bài học kinh doanh trong năm nay mà ông có thể chia sẻ là gì?

Nguy nhiều hơn cơ. Ngay từ đầu năm, tôi đã cho rằng, cần hết sức thận trọng. Vẫn là bài học cũ: không bỏ hết trứng vào một giỏ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư