Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân Phạm Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DMSpro: Người dẫn đầu đầy toan tính
Gia Huy - 30/10/2016 10:11
 
Nếu 4 năm trước, khi thành lập Công ty cổ phần DMSpro, ông Phạm Ngọc Ấn toan tính đưa công ty này lọt vào tốp doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong nước, thì giờ đây, ông đang bận rộn với kế hoạch mở rộng kinh doanh sang các nước Đông Nam Á.

Bứt phá từ sự chủ quan của đối thủ

Trước khi thành lập Công ty cổ phần DMSpro vào tháng 6/2012, ông Phạm Ngọc Ấn (Peter Phạm) từng giữ vị trí quản lý bộ phận công nghệ thông tin của một công ty sản xuất thức uống lớn nhất nhì Việt Nam. Với ông, đây là nơi đã cho ông nhiều trải nghiệm về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý doanh nghiệp và tầm quan trọng của giải pháp quản lý hệ thống phân phối trong bối cảnh hội nhập.

Ông kể, hồi đó, dù đã cân nhắc kỹ khi chọn lựa giải pháp phù hợp, nhưng công ty ông cũng không tránh khỏi việc chọn lầm. Và ngay cả khi chọn đúng giải pháp, thông tin thông suốt, họ vẫn nếm trái đắng, bởi đội ngũ nhân viên phát triển thị trường, điểm bán lẻ không như những gì mà họ từng tự hào.

Ông Phạm Ngọc Ấn
Doanh nhân Phạm Ngọc Ấn

“Trong một thời gian dài, các nhà sản xuất đầu tư cho các cửa hàng bán lẻ, cho nhân viên bán hàng, nhưng thực chất lại không biết số lượng thật của các cửa hàng hay nhân viên bán hàng. Bên cạnh đó, kế hoạch sản xuất cũng dựa trên những con số ảo”, ông Ấn nói và cho biết, đây là động lực khiến ông khởi nghiệp trong mảng này và Công ty DMSpro ra đời với toan tính đưa giải pháp công nghệ vào lĩnh vực phân phối bán hàng.

Thị trường công nghệ thông tin lúc đó được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp trong nước là FPT và Viettel. Sau hơn 1 năm, DMSpro bắt đầu có tên tuổi trên thị trường, với hợp đồng đến từ các tập đoàn như Samsung, P&G, SCG, Beiersdorf… Sau 4 năm, DMSpro đang đứng thứ ba thị trường với khoảng 20% thị phần, sau FPT, Accentrure.

Ông Ấn tiết lộ, có 3 lý do chính giúp DMSpro có sự phát triển khá ấn tượng trong 4 năm qua. Trước hết, các doanh nghiệp đi trước thường chọn cách quản lý phân tán, tức là ứng với từng nhà phân phối sẽ có một hệ thống máy chủ. Đây là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp yếu về vốn muốn tham gia thị trường này trước năm 2011. Hơn nữa, mô hình phân tán dữ liệu có thể sẽ không kịp thời và không chính xác.

Năm 2012 là thời điểm điện toán đám mây bắt đầu hình thành ở Việt Nam. DMSpro đã tận dụng cơ hội này để đưa mô hình quản lý tập trung vào hệ thống, tức là tất cả các nhà phân phối đều  được quản lý bởi một hệ thống duy nhất, đặt tại một nơi duy nhất. Với giải pháp này, chi phí đầu tư thấp, khả năng triển khai nhanh, thông tin minh bạch, tập trung. Đây chính là điểm mạnh để tân binh DMSpro bứt phá trên thị trường.

Thứ hai, DMSpro chọn các giải pháp quản lý hệ thống đã kiểm chứng của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, thay vì tự xây dựng. Đây là điều khiến Công ty có được các hợp đồng từ các công ty đa quốc gia ở Việt Nam. Hai đối tác của DMSpro là SAP và Acumatica.

Dĩ nhiên, chiến lược này cũng có “điểm thắt nút” là chi phí bản quyền cao, tác động đến giá thành - một yếu tố quyết định sự sống còn đối với các công ty phần mềm mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, nhờ các chiến lược cụ thể và tầm nhìn dài hạn, DMSpro xây dựng một chiến lược dài hạn cùng SAP và Acumatica. Theo đó, các đối tác này đã có cơ chế đặc biệt về bản quyền cho DMSpro để đủ sức cạnh tranh ở thị trường Việt Nam và có lãi.

Điều cuối cùng, nhưng quan trọng nhất chính là sự chủ quan của các đối thủ lớn trong lĩnh vực này. “Nếu họ chú tâm, DMSpro chắc chắn sẽ vất vả hơn rất nhiều”, ông Ấn khẳng định.

Toan tính bao phủ Đông Nam Á

Giờ đây, khi đã có chỗ đứng trên thị trường, DMSpro đang toan tính xuất khẩu giải pháp ra các nước trong khu vực Đông Nam Á theo hướng đóng gói sản phẩm. Nếu như doanh thu năm 2014 so với năm 2013 tăng 50%, thì tỷ lệ so này năm 2015 so với năm 2014 chỉ là 20%. “DMSpro chấp nhận giảm doanh thu và lợi nhuận để chuẩn bị cho việc mở rộng sang các quốc gia mà bán lẻ truyền thống vẫn đang thắng thế”, ông Ấn khẳng định.

Theo ông chủ thế hệ 7X của DMSpro, việc đưa ra giải pháp công nghệ trong lĩnh vực phân phối bán hàng nhằm mang đến cho khách hàng những tiện ích và cải tiến vượt trội. Với lĩnh vực phân phối bán hàng, hệ thống luôn đóng một vai trò quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Trong khi đó, với DMSpro, những giải pháp đã được áp dụng thành công đang rất phù hợp với các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam ở nhiều quy mô. Trên nền tảng điện toán đám mây, tương thích tốt với thiết bị di động kết nối 3G, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và camera số, hệ thống quản lý phân phối từ DMSpro đã phát huy tác dụng khi phục vụ đúng nhu cầu khách hàng.

Ông Ấn cho biết, Công ty luôn đặt mục tiêu khách hàng là nền tảng để đưa hệ thống trở thành tiện ích đắc lực hỗ trợ phát triển kinh doanh. “Với đội ngũ giàu kinh nghiệm, tận tâm và am hiểu sâu sắc về đặc thù phân phối, giải pháp của chúng tôi đã được nhiều doanh nghiệp lớn trong nước tin tưởng và chọn lựa thay cho giải pháp của nước ngoài”, ông Ấn không giấu được niềm tự hào.

Với chiến lược nêu trên, giải pháp của DMSpro đã có mặt tại các nước như Myanmar, Philippines, Indonesia và Campuchia. Trong đó, Indonesia là thị trường rất tiềm năng, vì đa phần các doanh nghiệp ở đây vẫn đang cung cấp giải pháp quản trị hệ thống phân phối theo hướng phân tán.

Có nhiều toan tính với thị trường xuất khẩu, song ông Ấn cũng không lơ là với thị trường trong nước. DMSpro sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực thế mạnh của mình như phân phối sữa, dược phẩm, nước giải khát và vật liệu xây dựng. Ông kỳ vọng các kế hoạch đặt ra sẽ sớm đưa Công ty đạt được mức tăng trưởng doanh thu như kỳ vọng, ít nhất là gấp đôi mỗi năm như giai đoạn 2012-2014.

Doanh nhân trải lòng nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) chính là dịp để các doanh nhân nhìn lại hành trình kinh doanh của mình. Với họ, kinh doanh không chỉ là kiếm tiền, mà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư