Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ: Người buộc đất thép Quảng Trị phải nảy mầm
Anh Hoa - 19/03/2023 09:29
 
Xem việc trở về quê hương Quảng Trị làm lúa gạo hữu cơ là sứ mệnh của cuộc đời mình, nhưng khi bắt đầu làm, chị biết mình đang đánh bạc với trời, mà không nắm chắc phần thắng.

 

 Phạm Thị Diễm Lệ sinh năm 1980. Nguyên quán ở tỉnh Quảng Trị, nhưng chị sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình. Chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại TP. Đà Nẵng và lập nghiệp tại TP.HCM.
Doanh nhân Phạm Thị Diễm Lệ, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần QTOrganic.

Những cú “vượt cạn”

Những ngày giữa tháng 2 vừa qua, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã hiện thực hóa giấc mơ của mình. Đó là xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị (lô đầu tiên) sang thị trường châu Âu, với giá bán 1.800 USD/tấn.

Thành công này trở thành động lực quan trọng để QTOrganic, người nông dân tiếp tục sản xuất, bảo đảm các tiêu chuẩn để gạo hữu cơ Quảng Trị có thêm nấc thang chinh phục các thị trường lớn trên thế giới. Sau khi được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng, QTOrganic sẽ xuất khẩu 30-50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.

Thành quả trên được nhà sáng lập QTOrganic Phạm Thị Diễm Lệ coi là cú vượt cạn mang tính đột phá trong sự nghiệp dấn thân vào kinh doanh của mình. Nó mở ra cơ hội mở rộng diện tích canh tác và giúp chị lấy lại những căn nhà đã bán từ những ngày đầu khởi nghiệp thất bại.

Là người tiên phong về nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung, những năm đầu khởi nghiệp, quá nhiều mất mát khiến chị đã phải bán hết những tài sản mình có để thực hiện dự án gạo hữu cơ Quảng Trị.

Mỗi ngày tôi tìm kiếm sự an vui và thịnh vượng không chỉ cho bản thân, mà cho những người nông dân một nắng hai sương ở mảnh đất gian khó Quảng Trị.

Đã có những lúc tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến lý do mà mình bắt đầu dự án này, chị lại tìm cách vượt khó để bước tiếp.

Một trong những cú vượt cạn mang tính sống còn với chị là “cắt giảm diện tích canh tác” để phù hợp với đầu ra, để không phải bù lỗ do sản phẩm tồn kho.

Để được chứng nhận hữu cơ, đòi hỏi phải cải tạo đất trong 3 năm. Những năm đầu tiên chị đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc cải tạo 200 ha đất ruộng. Tuy nhiên, thời điểm đó (năm 2017-2018), người tiêu dùng chưa biết đến giá trị của gạo hữu cơ. Đặc biệt, người tiêu dùng trên cả nước có định kiến cho rằng, mảnh đất Quảng Trị đầy bom đạn không thể làm gạo hữu cơ. Vậy nên, gạo của công ty chị dù được các thiết bị kiểm nghiệm hiện đại nhất trên thế giới khẳng định gạo vô cùng sạch, là gạo duy nhất trên thế giới đạt 545 chỉ tiêu về chất lượng, nhưng vẫn rất khó tiếp cận thị trường. Giá vốn cao, nhưng phải giảm giá bán lỗ 50% để giải phóng hàng tồn kho, gây thua lỗ nặng nề cho Công ty.

Tình trạng đó kéo dài gần 4 năm và chị đành phải chấp nhận cắt giảm diện tích hữu cơ từ 200 ha xuống còn 35 ha.

“Đó là một quyết định vô cùng khó khăn với tôi, nhưng để có thể tồn tại, buộc phải lựa chọn”, chị chia sẻ.

Cuối năm 2016, thời điểm bắt đầu theo đuổi làm gạo hữu cơ, chị đã chọn một số địa phương ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong… làm mô hình gạo hữu cơ theo chuỗi liên kết với bà con nông dân. Toàn bộ diện tích gieo cấy được canh tác, sử dụng bằng công nghệ hữu cơ hàng đầu Nhật Bản.

Mô hình gạo hữu cơ tại Quảng Trị hiện cho năng suất 5,5-6 tấn lúa/ha, mỗi năm 2 vụ cho sản lượng 420 tấn với diện tích gieo trồng hơn 35 ha. Sản phẩm đang được bày bán tại các siêu thị trên cả nước. Năm 2019, tại Hà Nội, Trường đại học Hiroshima (Nhật Bản) đã phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì.

“Giải cứu” nhiều nỗi lo cho người nông dân

Chính thức rời vị trí Phó giám đốc của PV OIL TRANS Việt Nam ở TP.HCM năm 2019, nhưng Phạm Thị Diễm Lệ “nhảy” vào làm nông nghiệp hữu cơ từ cuối năm 2016 ở quê nhà Quảng Trị vì nhận ra sứ mệnh của cuộc đời mình.

Những năm làm việc trong ngành dầu khí giúp chị có cuộc sống ổn định với thu nhập cao. Song chị vẫn đau đáu hướng về quê nhà Quảng Trị, với ước mơ cháy bỏng là phải làm được điều gì đó giúp bà con nông dân thoát nghèo, ổn định kinh tế bền vững.

Việc làm gạo hữu cơ Quảng Trị không những giúp chị hiện thực hóa giấc mơ đó, mà còn giúp chị gánh được nỗi lo được mùa mất giá - được giá mất mùa và nỗi lo mất mùa vì bão lũ hàng năm ở miền Trung cho bà con nông dân. Từ đó, giúp người nông dân có cuộc sống ổn định, an vui và hạnh phúc.

Năm 2023, gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Với lô hàng đầu tiên vừa xuất sang thị trường Đức, khách hàng đặt tiếp một container 23 tấn xuất sang Pháp. QTOrganic không phải loay hoay tìm kiếm đầu ra nữa, mà chỉ lo tập trung sản xuất để đảm bảo sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Khách hàng đặt hàng từ 4 container/tháng vào thị trường châu Âu, nhưng hiện nay, QTOrganic chỉ đáp ứng được 1-2 container/tháng. QTOrganic dự kiến làm chứng nhận hữu cơ cho các diện tích ruộng canh tác tự nhiên tại Quảng Trị để mở rộng diện tích hữu cơ đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại thị trường châu Âu.

Ngoài gạo, QTOrganic sẽ mở rộng thêm các sản phẩm nông sản có chất lượng đặc biệt của Quảng Trị, như tiêu, ớt, các loại đậu…

Với một công ty thực phẩm như QTOrganic, chất lượng sản phẩm phải là yếu tố quyết định sống còn. Đặc biệt, để vào được và tồn tại ở thị trường khó tính như châu Âu, Công ty phải tập trung quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ canh tác đến chế biến, đảm bảo 100% hữu cơ.

Marketing digital đang là kênh tiếp cận thị trường hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại của thương hiệu này. QTOrganic phát triển cả 2 kênh online và offline, nhưng 3 năm qua, tỷ lệ các kênh bán hàng đã dịch chuyển từ 70% offline truyền thống sang 70% online (bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok).

Tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua đạt 10%/năm. Kỳ vọng năm 2023, tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 50% nhờ đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Xem công ty Đối thủ là đồng đội

Tại thời điểm QTOrganic thành lập, nông nghiệp hữu cơ là một cái gì đó rất lạ lẫm với người dân Quảng Trị nói riêng và người tiêu dùng trên cả nước nói chung.

Trong địa hạt làm nông nghiệp hữu cơ, chị xem các công ty đối thủ là đồng đội. “Tôi ước mong ngày càng có nhiều công ty hơn nữa tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, để cùng nhau nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam, cùng nhau mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng, cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”, chị Lệ nói.

Ở Quảng Trị, dự án lúa gạo hữu cơ Quảng Trị của chị đã truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhiều nông dân, hợp tác xã và công ty sản xuất nông nghiệp. Họ từ chỗ không biết canh tác hữu cơ là gì, giờ về Quảng Trị ở đâu cũng nói đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ đang trở thành trào lưu ở tỉnh Quảng Trị. Đó chính là điều có ý nghĩa mà QTOrganic đã làm được cho quê hương Quảng Trị.

Những ngày đầu tiên của doanh nghiệp, mọi người luôn đề cấp tới sức mạnh của đội nhóm. QTOrganic không ngoại lệ. Cộng sự đầu tiên và quan trọng nhất của Công ty là người nông dân.

“Con hay lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có hô hào, quảng bá ra sao, mà nếu các bác không tuân thủ tuyệt đối quy trình hữu cơ QTOrganic đề ra, thì gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ không có giá trị gì cả”, chị Lệ luôn nói với những người nông dân Quảng Trị như vậy. Điều quan trọng để chị thuyết phục được những người nông dân tin tưởng và đồng hành với mình là cam kết về lợi ích.

Chị cam kết mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân tham gia dự án lúa hữu cơ Quảng Trị cao hơn 30-50% so với canh tác thông thường. Trong 6 năm qua, QTOrganic luôn thực hiện đúng cam kết với người nông dân.

Bên cạnh người nông dân, đội ngũ kỹ sư, nhân viên của QTOrganic trở thành những cộng sự quan trọng tiếp theo của chị. Điều khiến họ gắn bó với chị là họ nhìn thấy được ước mơ của chị, nhìn thấy được cái tâm của chị với bà con nông dân, với mảnh đất Quảng Trị và trên hết là nhìn thấy được sứ mệnh của QTOrganic.

Giờ đây, bạn bè, đồng đội gọi chị với cái tên thân thương là “O Gạo”, giới truyền thông thì gọi chị là “người buộc đất thép Quảng Trị phải nảy mầm”.

Chị không quan tâm lắm đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân, chỉ cần mang lại lợi ích cho người nông dân, cho nền nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, cho cộng đồng là chị hạnh phúc, bởi với chị, kiếm tiền phải đi đôi với phụng sự xã hội.

Những người nhận ra và làm đúng công việc mà họ sinh ra để làm, thì họ hoàn toàn không có đối thủ, vì việc làm của họ truyền cảm hứng bằng niềm đam mê, sáng tạo và nền tảng thương yêu vô điều kiện. Tiềm năng của họ là vô hạn.

Vì vậy, để khởi nghiệp hay làm bất cứ công việc gì, chị cho rằng, hãy bắt đầu bằng việc mà bản thân mình đam mê nhất và hãy tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất. Tuy nhiên, sản phẩm chất lượng thôi chưa đủ. Để xây dựng một thương hiệu thành công, cần phải có nhiều kỹ năng khác.

“Phải chuẩn hóa mọi hoạt động của công ty ngay từ đầu, vì thời gian và chi phí để sửa sai lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để học”, chị Lệ chia sẻ.

Kinh doanh và gắn bó với cây lúa hữu cơ, chị đã thấy mình trưởng thành trong cuộc sống và sự nghiệp theo cách chị mong muốn. Chị đã gặt hái được rất nhiều niềm hạnh phúc mà tiền bạc không thể mang lại được. Việc làm lúa gạo hữu cơ tại Quảng Trị đã làm cho cuộc đời chị trở nên ý nghĩa và tràn đầy tình yêu thương.

Giờ đây, chị ước mơ gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ thành thương hiệu gạo quốc dân. Chị đang từng ngày hiện thực hóa giấc mơ của mình. Khi giấc mơ của chị thành hiện thực đồng nghĩa với việc rất nhiều người nông dân Quảng Trị có một cuộc sống an vui, thịnh vượng.

Doanh nhân Trần Thị Lệ Chi: Hành trình giải mã ma trận cuộc đời
Với nữ doanh nhân Trần Thị Lệ Chi, CEO Công ty cổ phần Truyền thông Rồng Tiên Sa, việc “giải mã ma trận cuộc đời là một hành trình thú vị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư