Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Thái Hương và triết lý “kinh doanh tử tế”
Tố Vương - 07/10/2018 08:07
 
Yêu đồng đất quê hương, luôn muốn “kinh doanh tử tế”, bà Thái Hương, Tổng giám đốc BAC A BANK, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH, đã không ngần ngại chọn lối đi đầy gai góc là “nâng bước” cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Quyết định này đã đưa BAC A BANK trở thành một những ngân hàng thành công nhất ở Việt Nam hiện nay trong tư vấn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Tình đất và người trên nước Nga

Khoát cánh tay mạnh mẽ, Aliev Rasul, Giám đốc Trang trại TH tại Mátxcơva (Liên bang Nga), người đàn ông đến từ vùng đất Dagestan, mới 49 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, chỉ cho chúng tôi thấy một bên là bạt ngàn cánh đồng ngô đang ra bắp, mơn mởn xanh, một bên là bạt ngàn cỏ dại, vàng úa, trông thật xót xa. Làm nên sự khác biệt một trời một vực ấy chính là Tập đoàn TH, do bà Thái Hương, Tổng giám đốc BAC A BANK sáng lập.

.
.

Sau thỏa thuận được ký giữa Tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Mátxcơva 3 năm trước đây, với kế hoạch đầu tư một tổ hợp chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao tại Nga, vào tháng 5/2016, TH đã khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mátxcơva. Mọi chuyện bắt đầu từ đây, từ những nỗ lực của Rasul và các đồng sự của mình, cả người Việt lẫn người Nga.

“Chúng tôi đã mất 1 năm trời để phát hoang cánh đồng 5.000 ha này. Máy móc đi trước, người theo sau. Vất vả nhưng chúng tôi làm rất say mê, để có đồng cỏ mướt xanh như ngày hôm nay. Chúng tôi đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ hai”, Rasul nói.

Cũng theo Rasul, mấy chục năm sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhìn đất đai bỏ hoang, bạt ngàn cỏ dại và bạch dương, ông xót xa lắm. Cả người dân ở đây cũng vậy. Nhưng bây giờ nhìn những cánh đồng bát ngát xanh như thế, không chỉ Rasul, mà cả những người dân trong vùng cũng hết sức vui mừng. Cứ như thể, một cuộc sống mới đang căng tràn.

Nhưng phát hoang, trồng ngô hay cao lương mới chỉ là bước đi đầu tiên của Trang trại TH ở Mátxcơva. Khi chuồng trại đã xây dựng xong, cuối năm ngoái, 1.100 con bò sữa đầu tiên đã được nhập khẩu từ Mỹ về trang trại TH ở Mátxcơva, để đầu năm 2018, TH chính thức khánh thành trang trại đầu tiên ở Nga. Từ 1.100 con bò sữa ban đầu ấy, bây giờ, đàn bò sữa của Trang trại TH Mátxcơva đã có 1.600 con. Hàng ngày cho sữa đều, nhưng vì chưa có nhà máy chế biến sữa, nên hiện tại, TH phải bán sữa thô cho các nhà sản xuất sữa của Nga.

“Họ rất thích sữa của TH vì chất lượng thậm chí còn tốt hơn của Nga. Nhưng tôi không muốn bán sữa TH cho các nhà sản xuất khác, mà muốn sữa từ trang trại sẽ được đưa đến nhà máy để chế biến, mang thương hiệu TH, để chúng tôi có thể tự hào về những ly sữa mà mình đích thân làm ra”, Rasul nói thế sau khi chia sẻ cho chúng tôi về niềm hạnh phúc lớn lao của mình khi hôm 7/9 được chứng kiến Lễ khởi công Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch của TH ở Kaluga, công suất 1.500 tấn sữa/ngày. Đây chính là nhà máy sữa đầu tiên của TH ở Nga và là nhà máy sữa có quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhất nước Nga.

Còn nhớ, khi TH bắt đầu đại kế hoạch đầu tư tại Nga, “người đàn bà sữa” Thái Hương đã chia sẻ rằng, bà không ngần ngại một bước xa xôi ngàn dặm tới đây là vì tình yêu nước Nga, muốn tri ân đất nước đã hỗ trợ Việt Nam trong những giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất.

Có lần chúng tôi hỏi bà: “Sức mạnh nào ghê gớm như vậy khi bà cứ đi sớm về khuya, ngủ trên xe để thực hiện dự án TH true MILK với trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và bây giờ là dự án 2,7 tỷ USD trên đất nước Nga nhân ái và vĩ đại?”. Bà trả lời vẻn vẹn bằng hai từ: “Tình đất”.

Thành công từ triết lý kinh doanh tử tế

Cũng vì hai chữ “tình đất”, vì tình yêu sâu nặng với đồng đất quê hương mình mà nhiều năm trước đây, bà Thái Hương đã sáng lập Tập đoàn TH và quyết định triển khai Dự án Chăn nuôi bò và Chế biến sữa 1,2 tỷ USD ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Nếu khi bà quyết định đầu tư ở Nga nhiều người nghi ngờ như thế nào, thì khi triển khai dự án ở Nghĩa Đàn, cũng từng ấy những nghi ngờ, thậm chí còn nhiều hơn thế. Bởi khi bà quyết định sang Nga, hành trang mang theo đã là những thành công lớn lao của dự án Nghĩa Đàn. Còn khi bà bắt tay vào xây dựng đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ, không một ai tin Việt Nam có thể thành công trong chăn nuôi bò sữa ở vùng đất nắng cháy quanh năm, khí hậu khắc nghiệt như thế.

Nhưng bà đã thành công bằng tôn chỉ kinh doanh mạnh mẽ rằng “tôn trọng tự nhiên, nâng niu đất mẹ, kết hợp với khoa học - công nghệ cao và công nghệ 4.0”. Và hơn nữa là từ triết lý kinh doanh tử tế, muốn làm một người nội trợ tử tế, mang đến những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất, ngọt lành nhất cho người tiêu dùng. Bà muốn kinh doanh bằng trái tim và tấm lòng người mẹ.

Triết lý kinh doanh tử tế ấy không chỉ được áp dụng cho riêng TH, mà còn với cả BAC A BANK - đơn vị mà nữ doanh nhân quyền lực Thái Hương đang nắm quyền Tổng giám đốc. Thật kỳ lạ, thay vì tập trung cho các dịch vụ dễ kiếm lợi nhuận nhanh, như cho vay bất động sản, chứng khoán, như phần đông các ngân hàng thương mại cổ phần khác, BAC A BANK lại chọn một hướng đi rất gai góc. Đó là tập trung tư vấn đầu tư và cấp tín dụng cho các dự án có mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, như chế biến thực phẩm sạch, sữa sạch, ngành y dược sạch, hay các bệnh viện và trường học đạt tiêu chuẩn hàng đầu quốc tế ngay tại Việt Nam - những ngành khó thu hồi vốn hơn nhiều.

Đặt câu hỏi vì sao lại chọn con đường khó khăn như vậy, bà Thái Hương không ngần ngại nói rằng: “Ngành nào cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng ngay từ đầu, tôi đã lựa chọn nông nghiệp công nghệ cao vì quá yêu đồng đất quê hương, quá thương những người nông dân nghèo đói”. Bà gọi đó là “những quyết định đến từ trái tim mình”.

Một mặt vẫn cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính - ngân hàng như gửi tiết kiệm, cho vay, bảo lãnh, dịch vụ thẻ… Mặt khác, BAC A BANK tập trung vào các hoạt động tư vấn đầu tư các dự án phát triển bền vững, hướng tới lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường, kết hợp trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt với tinh hoa công nghệ đầu cuối của thế giới.

“Đó là cách mà chúng tôi tạo ra sự khác biệt từ BAC A BANK và cũng là cách để chúng tôi gửi gắm thông điệp về một tương lai bền vững cho Việt Nam”, bà Thái Hương chia sẻ.

Triết lý kinh doanh tử tế không chỉ được bà Thái Hương áp dụng cho riêng TH, mà còn với cả BAC A BANK - đơn vị mà bà nắm quyền Tổng giám đốc.

Không chỉ thành công với sản phẩm sữa, BAC A BANK và bà Thái Hương đã tư vấn đầu tư thành công cho hàng loạt dự án khác, từ dự án dược liệu và xây dựng nhà máy chiết xuất tại chỗ, cung cấp các thực phẩm chức năng, tân dược ra thị trường trong nước và nước ngoài mang thương hiệu TH Herbals, đến dự án trồng rau sạch FVF với công nghệ trồng rau nhà kính và cánh đồng mở; rồi dự án gỗ MDF, quy mô 120 triệu USD; hay hệ thống trường liên cấp quốc tế TH School… và tất nhiên, không thể không kể tới Dự án TH ở Nga, đang chắp cánh cho khát vọng toàn cầu hóa của TH, của BAC A BANK.

Một cách rất rõ ràng, tất cả dự án mà BAC A BANK tư vấn đầu tư dường như đều xoay quanh 2 chữ “con người”, đời sống con người, từ việc học hành, ăn ngủ, tới phát triển toàn diện thể lực và trí lực của mỗi người Việt Nam. Đó chính là cách mà bà Thái Hương đã chọn, thậm chí chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt vì lợi ích lâu dài của người Việt Nam. Đó là hiện thân đầy đủ nhất của triết lý “kinh doanh tử tế” mà bà Thái Hương đeo đuổi, dù với tư cách là người nắm quyền điều hành BAC A BANK, hay là nhà sáng lập và tư vấn đầu tư cho Tập đoàn TH.

Rực rỡ con đường tương lai

Tầm này, ở Nghĩa Đàn, một mùa vụ mới đang bắt đầu, để một vài tháng nữa, những cánh đồng TH, dù không thể rộng lớn như những cánh đồng ở Nga, cũng sẽ bạt ngàn ngô, cao lương, cỏ mombasa hay hướng dương vàng rực rỡ. Còn ở Nga, mùa thu hoạch thứ hai cũng đã bắt đầu. Tất cả như đang hứa hẹn một con đường rực rỡ ở phía trước.

Tại Việt Nam, TH không chỉ đầu tư ở Nghĩa Đàn, mà đã tới Phú Yên, Sơn La, Hà Giang… để xây dựng các trang trại mới và nhà máy của mình. Ở Nga, các trang trại và nhà máy tại Mátxcơva và Kaluga mới chỉ là những viên gạch đầu tiên.

Trong đại kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD ở Nga, TH sẽ còn xem xét xây dựng các tổ hợp trang trại và nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Tyumen và Cộng hòa Bashkortostan, cũng như tại tỉnh Primorye, vùng Viễn Đông của Liên bang Nga. Khi dự án hoàn thành, tổng đàn bò dự kiến sẽ là 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa 1,8 triệu tấn/năm và khi ấy, TH sẽ có một vùng nguyên liệu rộng 140.000 ha, cũng như có khoảng 300 cửa hàng TH true Mart, quy mô lớn hơn khá nhiều so với dự án 1,2 tỷ USD ở Nghĩa Đàn.

Hẳn nhiên, đồng hành với quá trình đầu tư ấy của TH sẽ không thể thiếu vắng khối óc và trái tim của nữ doanh nhân tài trí, quyết đoán Thái Hương, cũng như điểm tựa BAC A BANK. Chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng nhìn những cánh đồng bát ngát hôm nay, thấy những chú bò đang cho ra những dòng sữa ngọt lành, hoàn toàn có thể kỳ vọng và tin tưởng vào một thành công rực rỡ của TH, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nước Nga xa xôi, nhưng thắm đượm tình người.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư