Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT CTCP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình:
Doanh nhân viết tình ca
Thu Hương - 17/05/2015 10:34
 
Dữ dội và dịu êm là hai sắc thái cá tính nổi bật ở ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Công ty Hòa Bình). Người kiến trúc sư ấy có nhiều đam mê dành cho âm nhạc, nhiếp ảnh, nhưng đam mê lớn nhất là chinh phục những đỉnh cao…

Dữ đội và dịu êm

Lần đầu tiếp xúc với Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình, hẳn nhiều người ngạc nhiên với cách nói chuyện rất nhỏ nhẹ, chậm rãi của ông. Cũng dễ hiểu thôi bởi phong thái này dường như không phù hợp lắm với vị lãnh đạo một công ty xây dựng tư nhân hàng đầu ở Việt Nam - lĩnh vực mà nhiều người cho là lãnh đạo phải phong trần, ăn to nói lớn, thét ra lửa để đảm bảo kỷ luật ở công trường xây dựng.

Doanh nhân Lê Viết Hải
Doanh nhân Lê Viết Hải

Với niềm đam mê nhiếp ảnh, chỉ bằng chiếc smartphone, ông thường ghi lại những khoảnh khắc của thiên nhiên và cuộc sống thường ngày. Một cành hoa, một vạt nắng, hay hình ảnh của nhân viên, những bạn đồng hành trong các chuyến công tác thường được ông ghi lại, cẩn thận cắt cúp, chỉnh sửa và gửi lại cho người được chụp. Nhiều tấm hình khiến người xem phải xuýt xoa thán phục về cảm nhận tinh tế của người bấm máy.

Lê Viết Hải mang tâm hồn của nghệ sỹ. Ai từng gặp ông đều thừa nhận điều đó. Niềm vui của ông là được chia sẻ, hát cho mọi người nghe những bài hát do ông sáng tác, ghi lại cảm xúc trào dâng trong ông vào những thời khắc quan trọng. Một Lê Viết Hải dịu êm như giọng nói nhỏ nhẹ còn đậm chất Huế thể hiện qua “Xin đừng hờn ghen”: “Người là cả đại dương/ Xin đừng ghen với một giọt nước/ Người chiếm trọn hồn tôi/ Sao còn ghen với người xa xôi/ Bờ môi tươi như hoa mừng xuân đến/ Lời ru buồn như lá tiếc thu đi/ Làn mi tô thêm xanh khung trời trời hạ/ Lời ca hơ nóng ấm cả trời đông...”.

Đó là sáng tác được phổ biến trong giai đoạn Công ty Hòa Bình thăng hoa cùng sự phát triển của nền kinh tế đất nước sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra và liền sau đó là chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát trong nước, cùng sự sụt giảm của bất động sản khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng gặp muôn vàn khó khăn.

Thuyền to gặp sóng lớn. Công ty Hòa Bình cũng không tránh khỏi những tổn thất và chịu những tác động tiêu cực. Có thời điểm, Hòa Bình phải chịu thua lỗ và từ năm 2012 đến nay, không đạt được kế hoạch lợi nhuận và doanh thu đặt ra.

Nhưng chính trong giai đoạn khó khăn đó, dưới sự dẫn dắt của Tổng giám đốc Lê Viết Hải, Công ty Hòa Bình đã nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng các hệ thống quản lý và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế, nghiên cứu phát triển ứng dụng các giải pháp thi công để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình cao tầng và đặc biệt là siêu cao tầng, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Bước sang năm 2014, lợi nhuận của Công ty Hòa Bình đã tăng trưởng ngoạn mục kể cả sau khi trích lập dự phòng nợ khó đòi một khoản lớn: 157 tỷ đồng. Nhìn lại chặng đường đã qua, “Cánh diều ngược gió” như lời hát tự sự của ông - một doanh nhân đã vượt qua được những khó khăn, thử thách trong cuộc khủng hoảng kinh tế từng khiến nhiều doanh nghiệp phá sản: “Hỡi ông bạn đồng hành/ Đường càng nhiều gian khó/ Càng thêm gắng vượt qua/ Càng thêm nhanh bước trưởng thành/ Kìa cánh diều ngược gió/ Lượn bay giữa trời xanh/ Gió ngược kia càng mạnh/ Cánh diều bay vút lên càng nhanh/ Cao í a… càng cao”.

Một Lê Viết Hải kiên cường, không mềm yếu. Nhưng sự dữ dội, mạnh mẽ ấy chỉ thật sự bật tung thành lời vào thời điểm ngày 3/6/2014, khi đội bóng Futsal Hòa Bình vô địch Giải bóng đá Futsal Standard Chartered 2014, vượt qua hơn 1.368 đội bóng đến từ các nước khác. Đây cũng là thời điểm mà tình hình Biển Đông căng thẳng. Và cảm xúc của một công dân đã dồn nén trong tim khiến ông viết nên ca khúc “Ta ra trận”: “Một trái tim nóng vô cùng/ Một trái tim cháy bập bùng/ Một cái đầu lạnh lùng bước ra sân/ Vì tình yêu Tổ quốc trào dâng/ Vì tình yêu hòa bình sâu lắng/ Ta quyết tâm chiến thắng trận này…”.

Chinh phục đỉnh cao

“Ta ra trận” là chủ đề Công ty Hòa Bình chọn cho Báo cáo thường niên năm 2014, thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, tập trung vào các dự án cao tầng và siêu cao tầng, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao.

Có một thực tế không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà ở các thị trường trong khu vực là, các hợp đồng xây dựng dự án siêu cao tầng đều rơi vào tay các nhà thầu ngoại như Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Trung Quốc. Câu hỏi mà ông Hải trăn trở từ nhiều năm trước là: “Tại sao họ làm được mà các nhà thầu Việt Nam không làm được?”.

Trong thời gian khá dài, Công ty Hòa Bình đã chấp nhận làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài ở các dự án lớn, trong khi những doanh nghiệp khác không làm vì chê tỷ suất lợi suất thấp. Hòa Bình làm thầu phụ không chỉ vì kiếm việc làm cho công nhân, mà mục tiêu lớn hơn là học hỏi công nghệ kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm làm dự án siêu cao tầng của các nhà thầu nước ngoài.

Hiện Công ty Hòa Bình đã là nhà thầu chính cho dự án siêu cao tầng trong nước, trong đó điển hình là Dự án VietinBank Tower cao nhất Việt Nam (363 m) tại Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ở dự án này, bằng các giải pháp thi công và phương án gia công nguyên vật liệu trong nước thay thế nhập khẩu, Hòa Bình đã góp phần giảm chi phí cho chủ đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. 

Ông Hải bật mí, sẽ có vài dự án siêu cao tầng nữa triển khai ở Việt Nam mà Công ty Hòa Bình tham gia đấu thầu cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài. Xây dựng các dự án siêu cao tầng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều các dự án cao tầng thông thường. Một dự án được gọi là siêu cao tầng, thì khối móng là bê tông khối lớn, kết cấu các hệ giằng phải tính đến dao động, tính toán mức co ngắn của tòa nhà… Khi  nhận thầu một dự án siêu cao tầng, phải tìm hiểu các vấn đề phát sinh của dự án là gì và có giải quyết được hay không.

“Thực ra, khi đấu thầu không phải là không còn những ẩn số của dự án mà mình không nắm hết được. Phải vừa làm, vừa giải quyết các vấn đề phát sinh. Tất nhiên, Công ty Hòa Bình có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi và tiếp xúc nhiều đơn vị tư vấn đẳng cấp quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả là phải có niềm tin. Tôi có niềm tin là cái gì người ta làm được thì mình sẽ làm được, cũng giống như ra trận phải có niềm tin chiến thắng”, ông Hải nói.

Vươn ra biển lớn

Ông Hải đặt nhiều tâm huyết vào dự án siêu cao tầng VietinBank Tower, bởi đây là chứng chỉ thành công của Công ty Hòa Bình để đảm nhận các dự án siêu cao tầng không chỉ ở trong nước, mà còn vươn ra thị trường khu vực.

Trong các nước hàng đầu châu Á về ngành xây dựng, Hàn Quốc là một hình mẫu mà theo ông Hải, rất đáng khâm phục khi mà thị trường xây dựng trong nước chỉ có quy mô khoảng 150 tỷ USD, nhưng các nhà thầu Hàn Quốc đang chiếm thị phần rất lớn tại châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, họ đang dần đánh mất khả năng cạnh tranh do chi phí lương và quản lý tăng quá cao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam vươn lên khẳng định vị trí trong ngành xây dựng thế giới.

Ông Hải cho rằng, hiện ở nhiều nước, nguồn nhân lực của ngành xây dựng không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của các ngành khác. Bình quân các nước ASEAN có 3.000 kỹ sư /triệu dân, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này lên đến 9.000 người/triệu dân. Đây là lợi thế quan trọng và ông Hải nhìn thấy cơ hội đang mở ra cho các công ty xây dựng nói chung và Công ty Hòa Bình nói riêng trong 10 năm tới.

Vì thế, ngành xây dựng, theo ông Hải, cần được xác định là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam và cần đặt mục tiêu vươn lên hàng đầu châu Á trong vòng 20 năm tới. Xuất khẩu xây dựng của Việt Nam không đơn thuần là xuất khẩu nhân công, mà phải trở thành xuất khẩu dịch vụ xây dựng, không chỉ đem lại ngoại tệ cho đất nước, mà còn tạo ra thặng dư của cải vật chất cho xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành nghề khác.

Đau đáu vì sự phát triển ngành xây dựng Việt Nam, trong nhiều năm qua, ông Hải và Công ty Hòa Bình luôn quan tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho ngành xây dựng bằng chương trình trao tặng học bổng cho sinh viên vượt khó học giỏi của nhiều trường đại học.

Trở thành nhà thầu có đẳng cấp quốc tế, đảm nhận thi công các dự án siêu cao tầng không chỉ trong nước, mà vươn ra thị trường khu vực là hướng đi mà Công ty Hòa Bình đang thực hiện. Để chuẩn bị cho chiến lược lớn này, Hòa Bình đã đi trước một, đưa đội ngũ của mình sang quản lý xây dựng dự án ở các nước Malaysia, Myanmar để hoàn thiện hệ thống quản lý, trình độ quản lý các dự án ở xa và để đội ngũ kỹ thuật của Hòa Bình có điều kiện nâng cao trình độ Anh ngữ, làm việc trong môi trường quốc tế.

Hòa Bình đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ mức 3.518 tỷ đồng của năm 2014 lên 45.000 tỷ đồng vào năm 2024. Để đạt được đích này, Hòa Bình phải tăng trưởng doanh thu xấp xỉ 30%/năm trong giai đoạn 10 năm tới. Một mục tiêu đầy thách thức mà trên chặng đường chinh phục những đỉnh cao đó, ông Hải cùng những đồng sự ở Hòa Bình hun đúc lòng quyết tâm với tinh thần và ý chí “Ta ra trận”.

Bầu Đức và Nutifood xây ‘biệt thự bò’ tại Hà Nam
Bí thư Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết với sự hỗ trợ của Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood, tỉnh này sẽ có những “biệt thự bò” dọc 45km bờ sông Hồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư