Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp xã hội vẫn “vô hình”
Khánh An - 11/03/2019 14:01
 
Sự có mặt trong Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn chưa giúp các doanh nghiệp xã hội hoạt động dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp này cần các chính sách cụ thể, có thể gọi tên được.
Chị Tần Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Chau (bên trái) tư vấn tour du lịch cho khách nước ngoài. Ảnh: S.T
Chị Tần Thị Su, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Chau (bên trái) tư vấn tour du lịch cho khách nước ngoài. Ảnh: S.T

Doanh nghiệp xã hội cần gì?

Chị Tần Thị Su, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Chau (Lào Cai) có lẽ là người bận rộn nhất trong Hội thảo “Doanh nghiệp xã hội cộng đồng: Thực trạng và giải pháp”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức. Nhiều câu hỏi dành cho nữ giám đốc có phần lý lịch trích ngang ấn tượng.

33 tuổi, người dân tộc Mông, từng có mặt trong danh sách “30 Under 30” 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn, Tần Thị Su tự giới thiệu là người sáng lập và trực tiếp điều hành Sapa O’Chau từ năm 2007, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sa Pa, Lào Cai). Sau hơn 10 năm, ngoài văn phòng chính và khách sạn 10 phòng ở Sa Pa, Sapa O’chau đã có văn phòng đại diện ở Hà Nội; kết nối khách du lịch cho 18 homestay ở Sa Pa; tạo việc làm cho 50 người, chủ yếu là bà con dân tộc địa phương.

Nhưng, đó không phải là điều thu hút duy nhất của nữ giám đốc Tần Thị Su. “Chúng tôi muốn đầu tư vào các homestay ở trong bản, để đưa khách du lịch vào bản, nhưng Ngân hàng Chính sách chỉ cho vay 50 triệu đồng. Chúng tôi vay cũng là gánh nặng rồi, phải làm thật tốt để trả, nên nếu được vay 100 - 200 triệu đồng để đầu tư thì mới hiệu quả và cũng không làm lãng phí vốn của Nhà nước”, Tần Thị Su nói.

Đây là khoản vay không cần thế chấp mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Sapa O’Chau được hưởng. Còn danh xưng “doanh nghiệp xã hội” mà Sapa O’chau đăng ký theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 với sự tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến cộng đồng (CSIP) không giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn.

“Chúng tôi cũng không biết tìm ở đâu các quy định dành cho doanh nghiệp xã hội, không biết tìm đến cơ quan nào để có được các thông tin này. Chúng tôi muốn có một ban tư vấn cấp tỉnh hoặc cấp huyện dành cho các doanh nghiệp xã hội, các doanh nghiệp nhỏ, các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng như chúng tôi”, Tần Thị Su đề xuất.

Rào cản từ cơ chế

Không có nhiều câu trả lời từ phía các cơ quan quản lý nhà nước được đưa ra tại hội thảo này.

Lý giải, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), đại diện Nhóm nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội của CIEM kể lại khó khăn khi tổ chức các buổi làm việc về nội dung này với các cơ quan có liên quan.

“Khi chúng tôi mời họp, nhiều người nói là phải lên Google để tìm hiểu về doanh nghiệp xã hội. Khái niệm mà các chuyên gia tiếp cận về doanh nghiệp xã hội chủ yếu là từ định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp, trong khi thực tế mô hình này đa dạng và rộng hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng đã đề nghị Ban Soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp xem xét sửa các quy định liên quan đến doanh nghiệp xã hội trong lần sửa đổi này, mở rộng khái niệm doanh nghiệp xã hội sang các văn bản pháp luật về kinh doanh khác”, bà Thảo nói.

Hệ quả của việc không thực sự hiểu doanh nghiệp xã hội là gì đang ngăn cản mô hình này tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ, dù Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội và Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu, chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp không thiếu, từ tiếp cận đất đai, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, đào tạo, tư vấn pháp lý… nhưng, không có quy định nào nhắc đến doanh nghiệp xã hội.

Với đặc thù là doanh nghiệp cộng đồng, do những người địa phương tự tổ chức, việc hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là vô cùng khó khăn. Thậm chí, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP còn nhắc tới tình trạng chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt của nhiều chủ doanh nghiệp cộng đồng.

“Sẽ không thể đưa họ đến một lớp đào tạo do các giảng viên đại học dạy như các doanh nghiệp khác. Họ cần sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, về kinh doanh, bán hàng theo đúng nghĩa là cầm tay chỉ việc”, bà Oanh nói.

Ngay cả với các doanh nghiệp lớn hơn, việc bắt họ tính toán lợi nhuận để lại cho hoạt động xã hội cũng không đơn giản, nhất là khi trong Luật Doanh nghiệp không làm rõ căn cứ trên lợi nhuận trước thuế hay sau thuế…

Điều này cũng lý giải, tại sao cho tới thời điểm này, sau hơn 4 năm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, mới có 54 doanh nghiệp xã hội đăng ký theo luật này. Con số đó còn rất nhỏ so với khoảng 50.000 doanh nghiệp có tác động xã hội theo nghĩa rộng mà Báo cáo Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam do Trường đại học Kinh tế quốc dân và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố.

Doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận để thực hiện mục tiêu xã hội

Theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí: là doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội, môi trường như đã đăng ký; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Theo nghĩa rộng, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cộng đồng tham gia thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Quỹ nào đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội?
Hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội đều khó thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư