Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Vắng doanh nghiệp xã hội do lúng túng về thủ tục
Khánh An - 20/09/2016 08:25
 
Hơn một năm qua, chỉ có vài doanh nghiệp xã hội đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vẫn quá khó để hình thức doanh nghiệp này thực sự chính danh.

Năm nay, Trung tâm Craft Link kỷ niệm 20 năm thành lập. Được thành lập vào năm 1996 từ ý tưởng của 8 thành viên - khi đó là những người Việt trẻ tuổi mong muốn đưa việc sản xuất và bán sản phẩm thủ công trở thành công việc tăng thu nhập cho những người nghèo, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn - Craft Link là một trong những tổ chức phi lợi nhuận và công bằng thương mại đầu tiên của Việt Nam. Craft Link đang trợ giúp 70 nhóm sản xuất trên khắp cả nước.

Các hoạt động của Craft Link do Ban Điều hành định hướng, nhưng không một thành viên nào của Ban Điều hành hưởng quyền lợi tài chính nào từ tổ chức này. Toàn bộ lãi từ kinh doanh không thuộc về ai, mà được sử dụng vào các hoạt động phát triển tổ chức và hỗ trợ các dự án mới cho các nhóm sản xuất.

Craft Link là một trong những tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: A.K
Craft Link là một trong những tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: A.K

“Chúng tôi tự thấy đủ điều kiện để đăng ký hoạt động là doanh nghiệp xã hội theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn trở thành một trong những doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam. Nhưng, vẫn không thấy rõ ràng cần phải làm những gì”, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Trung tâm Craft Link nói.

Thực ra, ngay khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Ban Điều hành Craft Link đã cân nhắc việc chuyển đổi để có được các quyền lợi mà mô hình doanh nghiệp đang nhận được, nhất là các ưu đãi về thuế, để giảm bớt khó khăn trong hoạt động, nhưng có quá nhiều câu hỏi khiến kế hoạch này bị lùi lại.

“Bộ máy điều hành của chúng tôi làm việc giống như một doanh nghiệp. Nguyên tắc kinh doanh có lãi cũng được xác định để có nguồn cho hoạt động. Chúng tôi không phụ thuộc vào các nguồn viện trợ từ bên ngoài. Tất cả những điều đó có đủ để chứng minh với các nhân viên phòng đăng ký kinh doanh rằng chúng tôi là doanh nghiệp xã hội không?”, bà Lan đặt câu hỏi trực tiếp với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những người thúc đẩy việc ghi tên doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp 2014.

Thực ra, sự hoang mang trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội không phải chỉ từ các tổ chức như Craft Link. Ông Cung thừa nhận, một lý do cản trở  doanh nghiệp xã hội đăng ký chính danh có lẽ là sự dè dặt nào đó trong thực hiện quy định này từ các cơ quan quản lý nhà nước.

“Nhiều nhân viên cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực sự hiểu được doanh nghiệp xã hội là gì, nên việc đọc và thụ lý hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp xã hội vô cùng khó khăn. Vì theo quy định, các doanh nghiệp xã hội sẽ có thêm các cam kết khác với doanh nghiệp thường, nhất là bản giải trình mục tiêu xã hội và các vấn đề xã hội, môi trường và phương thức kinh doanh mà doanh nghiệp đang tiến hành. Thời gian để xử lý hồ sơ của doanh nghiệp xã hội vì thế sẽ mất nhiều hơn so với doanh nghiệp thường”, ông Cung thừa nhận.

Trong khi đó, việc xác định ưu đãi cho các doanh nghiệp này cũng không đơn giản. Ngay ông Nguyễn Đình Cung thừa nhận là khó xác định được chính xác các cơ chế ưu đãi cho từng doanh nghiệp trong các lĩnh vực, vì các quy định chuyên ngành chưa rõ ràng với mô hình doanh nghiệp này.

“Chúng tôi làm nghiên cứu mà còn khó trả lời, vậy các cán bộ đăng ký kinh doanh hẳn sẽ vất vả hơn nhiều”, ông Cung nói.

Như vậy, có thể nói, mấu chốt chính có lẽ nằm ở câu hỏi, doanh nghiệp xã hội có thực sự được hưởng những chính sách thúc đẩy các yếu tố xã hội trong mô hình này như các chuyên gia đã phân tích và cổ vũ không.

Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai - tổ chức xã hội, phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hiện sớm, can thiệp sớm, chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ bằng sự phối kết hợp giữa y tế và giáo dục đang phân vân không rõ việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội liệu có khiến hoạt động của Trung tâm khó khăn hơn?

“Nếu đăng ký là doanh nghiệp xã hội mà không có sự rõ ràng về chính sách ưu đãi, trong khi lại phải tuân thủ nhiều quy định về báo cáo hay thanh tra, kiểm tra…, thì sẽ rất khó cho hoạt động của mô hình này. Hay như việc tiếp nhận các khoản tài trợ phải thông qua phê duyệt, báo cáo thế nào…? Tôi đã xem xét vấn đề này cả năm nay mà vẫn chưa rõ”, bà Đỗ Thúy Lan nói.

Doanh nghiệp xã hội dần tìm được chỗ đứng
Nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại từ 10.000 USD đến 30.000 USD và các chương trình đào tạo đang được dành cho 8 doanh nghiệp (DN) xã hội vượt qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư