Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dốc vốn đầu tư ra nước ngoài
Nguyên Đức - 13/04/2015 09:28
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) và hoạt động này đã bắt đầu thu trái ngọt.
TIN LIÊN QUAN

Dốc vốn tìm thị trường ngoại

Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác và thăm dò dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Gazprom Neft vừa được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại mỏ Dolginskoe, Lô Tây Bắc vùng biển Pechora, cũng như cơ hội hợp tác trong các dự án trên đất liền tại Liên bang Nga.

Sau thương vụ mua RWE IT Slovakia, FPT đang kỳ vọng tiến quân vào thị trường châu Âu. Ảnh: Lê Toàn
Sau thương vụ mua RWE IT Slovakia, FPT đang kỳ vọng tiến quân vào thị trường châu Âu. Ảnh: Lê Toàn

 

Thêm một cơ hội để PVN tiếp tục mở rộng thị trường ở nước ngoài, sau 17 dự án ĐTRNN mà Tập đoàn đã và đang thực hiện, với trữ lượng thăm dò được khoảng 170 triệu tấn dầu quy đổi.

Cùng với PVN, Viettel cũng là một tập đoàn đầu tư lớn ở thị trường nước ngoài, với các dự án phát triển mạng viễn thông ở Campuchia, Lào, Mozambique, Haiiti, Tanzania... Các tập đoàn lớn của Nhà nước như Cao su, Than - Khoáng sản... cũng đã lần lượt có các dự án đầu tư ở nước ngoài.Nhưng dốc vốn mạnh nhất phải kể đến các “đại gia” Việt khác, từ Vinamilk với các dự án đầu tư ở Ba Lan, Campuchia, Mỹ... đến Hoàng Anh Gia Lai đầu tư ở Myanmar, Lào, Campuchia.

Theo lộ trình phát triển, Vinamilk đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 3 tỷ USD và lọt vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Vinamilk đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ M&A, dồn vốn cho các dự án ĐTRNN để gia tăng nhanh năng lực cung cấp.

Trong khi đó, FPT, sau thương vụ mua RWE IT Slovakia vào năm ngoái, đang kỳ vọng tiến quân vào thị trường châu Âu. Đồng thời, tập đoàn này vẫn tiếp tục tấn công mạnh các thị trường Nhật Bản, Singapore, với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 từ thị trường nước ngoài.

Ngoài các đại gia trên, các công ty An Đông Mia, Cao su Tây Ninh, Dầu Tiếng – Kratie, BKAV, Tôn Hoa Sen... cũng là những cái tên nằm trong danh sách “tân binh” doanh nghiệp Việt có đầu tư ở nước ngoài.

Xu hướng dốc vốn ĐTRNN sẽ tiếp tục, bởi theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, có khoảng 150 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,5 - 2 tỷ USD được cấp chứng nhận ĐTRNN. Trong khi đó, vốn thực hiện dự kiến khoảng 1 - 1,2 tỷ USD.

Trái ngọt hay quả đắng?

Hai năm trước đây, khi lần đầu tiên Cục Đầu tư nước ngoài công bố những đồng lợi nhuận đầu tiên được các doanh nghiệp Việt Nam, như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai... chuyển về nước, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhắc đến chuyện ĐTRNN đã có những trái ngọt đầu tiên. Và kể từ đó đến nay, những thành công của Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Vinamilk... tại thị trường ngoại đã càng khẳng định tính đúng đắn của xu hướng này.

“Năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt trên 170 triệu USD. Đã đến lúc, khi thị trường Việt Nam tới hạn, chúng tôi phải tìm kiếm các cơ hội từ bên ngoài và phải thực hiện chiến lược toàn cầu hóa”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT khẳng định.

Tuy nhiên, một câu hỏi luôn được đặt ra, đó là ĐTRNN thực sự đã thu trái ngọt hay chưa? Liệu có trái đắng trong câu chuyện doanh nghiệp Việt chưa hẳn đã mạnh ở thị trường nội địa mà đã vội vã vươn cánh tay ra nước ngoài?

Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, lũy kế đến ngày 31/12/2014, đã có tổng cộng 19,78 tỷ USD được các doanh nghiệp Việt đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Số vốn giải ngân lũy kế tính đến hết năm 2014 vào khoảng 6 tỷ USD.

Trong khi đó, lợi nhuận chuyển về ước khoảng 800 - 900 triệu USD. “Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn giải ngân khoảng 12 - 13%, tôi cho rằng đây không phải là con số cao nhưng cũng đã là tốt”, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bình luận.

Thêm vào đó, theo ông Chung, ĐTRNN ở Việt Nam thực sự mới chỉ phát triển mạnh từ năm 2009, hầu hết các dự án đều mang tính chiến lược, dài hạn, như trồng cao su, khai thác khoáng sản, nhiều dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động, nên mới trong giai đoạn đầu thu lợi nhuận.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, hoạt động ĐTRNN của Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia ở châu Mỹ La tinh, châu Phi, châu Âu, cũng không chỉ tập trung ở những ngành, lĩnh vực mà Việt có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp mà sang cả dịch vụ tài chính - ngân hàng, hàng không…

Tuy nhiên, những lo ngại về “quả đắng” ĐTRNN cũng đã được cảnh báo, bởi trên một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp Việt chưa đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm để “chơi ngang ngửa” ở thị trường nước ngoài với đầy rẫy các luật lệ, quy định chặt chẽ. “Nếu sơ sẩy, không nghiên cứu kỹ luật chơi toàn cầu, doanh nghiệp Việt có thể bị thua thiệt”, một vị chuyên gia nói và nhắc tới ngay cả các đại gia hàng đầu thế giới cũng có những cú sảy tay, dẫn tới phá sản.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, đánh giá lại tình hình ĐTRNN, để từ đó trình Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án về thúc đẩy ĐTRNN trong giai đoạn tới, nhằm mang lại hiệu quả thực sự của dòng vốn này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư