Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Đối diện với điểm yếu thu hút, quản lý FDI
Nhóm phóng viên - 14/01/2014 08:56
 
Sự thẳng thắn, đề nghị nhìn thẳng vào điểm yếu trong thu hút, quản lý FDI của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đại biểu khi bàn đến định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ĐTNN. Luật Đầu tư: 8 năm, 1 vướng mắc
TIN LIÊN QUAN

Ông nói, tư duy và hành động mới về ĐTNN đang phụ thuộc rất lớn vào việc các bộ, ngành cũng như chính quyền tỉnh, thành phố tự nhận biết những điểm yếu của mình đến đâu.

Giới đầu tư đang kỳ vọng vào những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy về thu hút ĐTNN. Ảnh: LT

“Chỉ khi chỉ rõ được các điểm yếu của bộ máy hành chính, của từng công chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính, trong cách thức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai dự án, thì mới có thể đưa ra giải pháp chính xác và khả thi trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể là trong việc xử lý và khắc phục những vấn đề mà nhà đầu tư và các doanh nghiệp có vốn ĐTNN kiến nghị”, ông Mại không ngần ngại chia sẻ quan điểm.

Bởi, trên thực tế, nhiều tồn tại lớn trong môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam lại do sự dồn tích của những vướng mắc nhỏ nhưng xuất hiện thường xuyên và không được xử lý ngay. Đơn cử như phàn nàn về 18 bước thủ tục hành chính phải qua để thực hiện một dự án đầu tư – xây dựng không phải bây giờ doanh nghiệp mới kêu ca. Ngay cả những thắc mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa quy định của pháp luật và thực tế áp dụng cũng là đầu việc có mặt trong hầu hết các kiến nghị về cải thiện môi trường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nhiều năm nay.

Thậm chí, LS. Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Vilaf Hồng Đức còn cho rằng, nhà đầu tư khổ vì cách làm luật chạy theo cuộc sống nhưng lại không mạnh dạn thay đổi khiến tình thế rượt đuổi kéo dài…

Phải nói rõ, đây là hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ Pháp chế, Báo Đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tổ chức nhằm bàn thảo những giải pháp thúc đẩy chất lượng dòng vốn ĐTNN tại Việt Nam với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về ĐTNN, lãnh đạo các địa phương và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Trong đó, nội dung sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách liên quan nhằm thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến với kỳ vọng sẽ tìm được những chìa khóa vàng để giải quyết những tồn tại trong hoạt động này.

Tuy nhiên, thực tế trong thực thi chính sách đang khiến TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại, vì nếu không có những tư duy dám thay đổi cách thức, phương thức, năng lực, công cụ trong quản lý nhà nước, trong thực thi chính sách ở các cấp thì những thay đổi về mặt thể chế sẽ không đem lại hiệu quả. “Chúng ta phải thống nhất quan điểm là nếu năng lực quản lý, năng lực của công chức không đáp ứng được những yêu cầu mới thì phải đổi để đáp ứng, chứ không phải vì thế mà đưa ra những giải pháp kìm hãm sự thay đổi”, ông Cung nói.

Sự lo ngại của ông Cung thực sự cần được chia sẽ khi theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những hướng thay đổi trong thủ tục liên đến thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những thay đổi rất lớn theo hướng bình đẳng với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, sự bình đẳng này sẽ phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan thực thi có liên quan khi việc kiểm soát điều kiện đầu tư theo các quy định của pháp luật cũng như cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương và quốc tế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, trong thủ tục đầu tư đang được đề xuất sửa đổi, một nội dung đáng chú ý là quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với nhà đầu tư, nhất là cung cấp thông tin để Nhà đầu tư quyết định đầu tư cũng như việc thẩm tra các điều kiện đầu tư.

Cũng phải nói thêm, sự thay đổi về tư duy này không thể chỉ giới hạn trong ngành kế hoạch và đầu tư. “Nếu các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực liên thông được với nhau, chấp nhận các kết quả trong các bước thủ tục hành chính của nhau thì đề xuất giảm thủ tục, giảm thời gian trong thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư mới có thể thực hiện được”, ông Tuấn phân tích thêm.

Những thay đổi căn bản trong cơ chế chính sách liên quan đến ĐTNN sẽ tạo nên sự hấp dẫn mới trong môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam.

Quan điểm xuyên suốt là minh bạch và tạo thuận lợi đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Quan điểm xuyên suốt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là quyết tâm đổi mới môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư làm ăn chính đáng, hợp pháp tại Việt Nam.

Trong đó, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút ĐTTN.n

Nên bổ sung nguyên tắc có lợi cho nhà đầu tư.

Ông Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Luật
Vilaf Hồng Đức

Khi các cơ quan chức năng đã thẳng thắn nhận diện tồn tại, khó khăn mà nhà ĐTNN gặp phải, thì chúng tôi tin là mọi việc đang được xử lý.

Tôi cũng đề nghị bổ sung hai nguyên tắc phổ quát. Một là, trong trường hợp luật pháp không quy định hoặc quy định không rõ ràng thì doanh nghiệp và nhà đầu tư có quyền giải thích theo hướng có lợi hơn cho mình. Hai là, tạo cơ sở pháp lý để lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các sở kế hoạch và đầu tư có thể quyết định cởi mở hơn với nhà ĐTNN.n

Chú trọng công tác quy hoạch trước khi xúc tiến đầu tư.

TS. Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng ta cần chú trọng công tác quy hoạch trước khi triển khai thu hút đầu tư để tránh sự chồng chéo.

Đồng thời, cũng phải thống nhất kịch bản xúc tiến đầu tư của các địa phương. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh trải đều thảm đỏ để thu hút đầu tư, nhưng lại chưa có ai đánh giá hiệu quả các dự án này.

Cách làm nay vô hình trung gây thiệt hại đến quyền lợi quốc gia.

Ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư vào giáo dục, y tế.

Luật sư Seck Yee Chung, Công ty Luật Baker & McKenzie

Khi bàn về cơ chế khuyến khích đầu tư, đừng quên rằng, vốn nhân lực cũng rất quan trọng, chứ không chỉ là nguồn lực tài chính. Vì vậy, những dự án trong lĩnh vực giáo dục hay sức khỏe đều cần cơ chế ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư. Ở Singapore, vấn đề này rất được chú trọng nhằm đào tạo nhân lực và tạo ra lợi thế cạnh tranh cao hơn.

Việt Nam cần tạo sân chơi bình đẳng hơn khi xem xét đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài để xác định khái niệm doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

Cân nhắc cách phân vùng để thu hút đầu tư.

GS. TS. Huỳnh Ngọc Phiên, Tổng giám đốc Amata Việt Nam

Nếu quá cứng nhắc trong các thủ tục hành chính thì sẽ khó thu hút được nhà ĐTNN, nhưng nếu lỏng lẻo trong quá trình quản lý thì sẽ có thể có những nhà đầu tư tìm cách vượt kẽ hở.

Vì thế, theo tôi, có thể cân nhắc cách phân vùng để có cơ chế phù hợp.

Theo tôi, trong cách thu hút đầu tư cũng không nên dồn nén các dự án vào một nơi theo kiểu ở đâu phát triển được khu công nghiệp là khu công nghiệp đua nhau mọc lên…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có vai trò quyết định trong định hướng thu hút đầu tư.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Long An

Chủ trương thống nhất chương trình xúc tiến đầu tư trong toàn quốc hàng năm là một chủ trương hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, không nên “ép” các địa phương vào chung một kế hoạch mà cần khai thác sự khác biệt giữa các địa phương.

Ngoài ra, để thực hiện tốt kế hoạch này, đòi hỏi có những quy hoạch về dự án chung, dự án cấp vùng, liên vùng… để từ đó tiến hành xúc tiến đầu tư vùng và liên vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có vai trò quyết định trong định hướng này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư