Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Đối mặt với việc bị xử lý hình sự, doanh nghiệp vẫn dùng phần mềm “lậu”
Tú Ân - 14/12/2018 08:56
 
Dù hành vi sử dụng phần mềm “lậu” có thể phải đối mặt với án hình sự và đặt doanh nghiệp trước nhiều nguy cơ bị tấn công an ninh mạng, nhưng theo kết quả thanh tra năm 2018, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng phần mềm bất hợp pháp.,

Vì lợi ích trước mắt, bất chấp luật pháp

Trao đổi với Báo Đầu tư về các hành lang pháp lý xử lý đối tượng xâm phạm bản quyền phần mềm, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật SB Law cho biết:” Tùy thuộc vào hành vi vi phạm mà doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử lý về hành vi “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” theo quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghĩa là xử lý hình sự sẽ ngưỡng mức cao nhất mà doanh nghiệp sử dụng phần mềm sao chép bất hợp pháp có thể gặp phải.”

Theo tính toán của IDC (Trung tâm dữ liệu internet), mỗi năm các doanh nghiệp phải chi gần 360 tỷ USD để xử lý phần mềm độc hại liên quan đến phần mềm không bản quyền.

Cụ thể, theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực được gần một năm (từ tháng 1/2018) quy định tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc: phạt tiền tối đa lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù tối đa lên tới 3 năm. Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này có thể đối mặt với mức phạt lên tới 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp lên đến 2 năm.

Với hành lang pháp lý xử lý các đối tượng xâm phạm bản quyền phần mềm ngày càng nghiêm khắc, sau gần một năm Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi có hiệu lực, theo đánh giá của đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, “từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hợp pháp, khuyến cáo tới người lao động không được phép cài đặt, đồng thời có phần mềm quản lý chặt chẽ, để hạn chế tối đa vi phạm”.

Lực lượng chức năng tiến hành thanh kiểm tra việc sử dụng phần mềm tại một doanh nghiệp. Ảnh: Tư liệu.
Lực lượng chức năng tiến hành thanh kiểm tra việc sử dụng phần mềm tại một doanh nghiệp. Ảnh: Tư liệu.

Về mặt bằng chung là các doanh nghiệp tuân thủ luật, chỉ sử dụng phần mềm có bản quyền phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn còn một số các doanh nghiệp nước ngoài, có tiềm lực tài chính, có thương hiệu lớn vẫn cố tình bất chấp luật pháp nước sở. Trong đó, phải kể đến cuộc thanh tra tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (Full Ding Furniture Co.Ltd) và Công ty TNHH Rehab Italian Design đều có trụ sở tại Bình Dương. Tại hai doanh nghiệp này, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra tổng cộng 76 máy tính và phát hiện rất nhiều phần mềm không có giấy phép của chủ sở hữu, với tổng giá trị thiệt hại ước tính lên đến gần 5 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra trong năm 2019

Chia sẻ về kế hoạch thanh tra trong năm tới, đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết:”Chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. Việc này nằm trong kế hoạch của thanh tra hàng năm, việc thanh tra về quyền tác giả quyền liên quan nói chung, quyền tác giả với các phần mềm máy tính nói riêng. Công việc này được chúng tôi đặt ra và thực hiện thường xuyên.”

Cũng theo tiết lộ từ cơ quan thanh tra này, trung bình mỗi năm Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra khoảng 80-100 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, theo đơn thư yêu cầu của chủ sở hữu. Đối với hoạt động thanh tra bản quyền phần mềm, cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, khi có phản ánh, đơn thư yêu cầu từ chủ sở hữu.

Các sự kiện tuyên truyền về doanh nghiệp và vấn đề thực thi quyền SHTT theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi luôn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Các sự kiện tuyên truyền về doanh nghiệp và vấn đề thực thi quyền SHTT theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi luôn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Theo kết quả khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của BSA công bố vào tháng 6/2018, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%.  So với nghiên cứu trước của BSA đã được công bố năm 2016, thì tỷ lệ này đã giảm được 4% và so với con số công bố năm 2004 (92%) thì Việt Nam đã giảm được 18 điểm. Theo đánh giá của BSA, đây là một tỷ lệ giảm đáng kể, nhờ vào những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ Việt Nam không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh thực thi và công tác tuyên truyền trong hơn 10 năm qua.

Trong nhiều năm qua, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hành lang pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng không ngừng được củng cố, nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động thực thi. Trong đó, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 1/ 2018 lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của Việt Nam gần hơn với chuẩn mực pháp luật của khu vực và thế giới, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Vấn đề bản quyền phần mềm ngày càng được xiết chặt
Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa ở trong nước, các doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư