Tại diễn đàn, các đại biểu đại diện các cơ quan báo chí, đơn vị đào tạo báo chí, doanh nghiệp khai thác nguồn lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đã trình bày các tham luận chuyên sâu về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông hiện nay; những mô hình đào tạo báo chí truyền thông trên thế giới; những cơ hội, thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0. Các đại biểu cũng đưa ra thông điệp, giải pháp về việc đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0; đào tạo báo chí gắn với công nghệ số trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội; đào tạo báo chí, truyền thông theo định hướng phát triển năng lực; quan niệm, triển vọng và giải pháp thúc đẩy; đổi mới chương trình đào tạo báo chí bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại.
Đây cũng là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ "Dự án phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024". Dự án là hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhận định, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như cả những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch.
Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ, Báo Nhân dân. (Ảnh: VA) |
Chia sẻ tại Diễn đàn về bản lĩnh chính trị của nhà báo trong bối cảnh bùng nổ truyền thông và toàn cầu hóa, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ, Báo Nhân dân cho hay, thực tế cho thấy, trước xu hướng thương mại hóa báo chí, xuất hiện một bộ phận nhà báo thiếu bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội và bán rẻ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, chạy theo kiểu làm báo “lá cải”, câu khách. Đặc biệt, nguy hại hơn, xuất hiện tình trạng có một số nhà báo “hai mặt”: Khi viết bài đăng báo chính thống trong nước, họ viết một kiểu; ngược lại, khi tự đăng bài viết riêng trên các trang mạng hoặc báo chí nước ngoài, họ thể hiện quan điểm, thái độ chính trị khác, thậm chí ngược lại với những gì học đã thể hiện trước đó.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nhà báo trong kỷ nguyên số và bùng nổ thông tin phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, vừa là nhà báo viết, vừa là nhà báo ảnh, biết dựng video, làm Infographic, biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật đa phương tiện; có phông kiến thức văn hóa - xã hội vững chắc; đồng thời, cần phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình; biết thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của công chúng.
Nói về xu hướng đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Đổi mới phương pháp đào tạo báo chí truyền thông gắn với sự thay đổi thói quen, ý thức của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong việc truyền, tiếp nhận thông tin; cần tránh suy nghĩ giản đơn hay cực đoan trong đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông. Việc đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông cần tiến hành một cách đồng bộ với việc đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra, đánh giá, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo đạo đức nghề nghiệp; đề cao vai trò người thầy; lấy người học là trung tâm. Đồng thời, sự chỉ đạo sát sao của cán bộ quản lý các cấp có vai trò quyết định đến hoạt động đổi mới phương pháp đào tạo báo chí.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ, đào tạo báo chí, truyền thông có ba phần cơ bản gồm lý thuyết (tri thức); kỹ năng; thái độ. Phần lý thuyết nên xây dựng kho dữ liệu bài giảng để người học tự nghiên cứu nhiều hơn; tăng cường thực hành gắn với thực tế để người học phát huy khả năng sáng tạo; gắn với các dự án, chuyên đề để có cơ hội mời các nhà báo giỏi và doanh nghiệp tham gia. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tăng cường khả năng sáng tạo nội dung trên nền tảng số của sinh viên, không đơn thuần là chữ viết, cần tư duy về con số, dữ liệu, cách xử lý bằng các loại hình ảnh để tác phẩm đến tay người đọc hấp dẫn hơn.