Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp nâng vị thế hàng Việt
Thế Hải - 27/09/2021 11:16
 
Dấu ấn những lô hàng xuất khẩu thành công của doanh nghiệp Việt đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đã được tô đậm bởi các góc nhìn đa chiều của báo chí.
Ảnh minh họa.
Nông sản nhiệt đới “made in Việt Nam” đã chinh phục được nhiều thị trường lớn, mà một trong những kênh để người tiêu dùng nước ngoài tăng mua hàng Việt là qua báo chí.

Để hàng Việt vươn xa

Với vị trí là trung tâm sản xuất lớn, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD vào cuối năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 282,6 tỷ USD, càng cho thấy sự trưởng thành của các ngành sản xuất trong nước. 

Thời gian qua, báo chí nói chung, trong đó có Báo Đầu tư, đã đẩy mạnh truyền thông quy trình sản xuất minh bạch của các doanh nghiệp, đảm bảo yêu cầu tại mỗi mắt xích rõ ràng để khách hàng nước ngoài biết đến Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp mạnh và ngày càng làm ăn chuyên nghiệp, bài bản… Nhờ đó, đã tiếp thêm hiệu ứng vượt mong đợi cho cơ quan Thương vụ khi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị nông sản.

Theo thông tin từ Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản rau quả sang Australia tăng trưởng kỷ lục lên đến hơn 52% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 40 triệu USD. Nếu tính các mặt hàng nông sản chủ lực khác như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, gạo, xuất khẩu nông sản sang Australia đạt gần 110 triệu USD.

Những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada… ngày càng nhiều thêm. Hoạt động xuất khẩu sôi động suốt 365 ngày trong năm, kể cả ngày lễ, Tết. Báo chí đã làm đậm thêm thành quả, góp phần đưa hàng Việt vươn xa.

Mùng 1 Tết Tân Sửu 2021, các kênh truyền thông đồng loạt đăng tải thông tin doanh nghiệp ra quân xuất khẩu hàng hóa sớm. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen khai xuân bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á…

Tám tháng đầu năm 2021, sắt thép là ngành hàng tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục, đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng nói là, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang 2 thị trường chuẩn cao là EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần; xuất khẩu sang Mỹ đạt 540.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Không chỉ viết về thành quả, những thương vụ ký kết thành công, báo chí còn đăng tải những khó khăn, thách thức của các ngành hàng khi hội nhập, để từ đó, doanh nghiệp thêm chủ động, chuyển đổi và thích ứng để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Long Vỹ (Hải Phòng) bày tỏ: “Báo chí đã thông tin kịp thời về các chính sách thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta với các thị trường bên ngoài thông qua nguồn tin tức từ các cơ quan đại diện thương mại, giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, để không bị rơi vào ‘bẫy’ của không ít đối tác mạo danh, nhất là tại khu vực châu Phi”.

Đơn cử, thời gian gần đây, Trung Quốc thay đổi quy trình kiểm tra hàng hóa, để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến một lượng lớn xe thanh long, chuối… ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, nhưng với sự thông tin kịp thời từ báo chí, doanh nghiệp đã nhanh chóng điều tiết lượng xe, chỉ đưa hàng lên cửa khẩu khi đã chốt được với nhà nhập khẩu đúng như khuyến cáo của ngành chức năng.

Truyền thông minh bạch, nâng điểm cho hàng Việt

Những năm qua, nông sản nhiệt đới “made in Việt Nam” đã chinh phục được nhiều thị trường lớn, mà một trong những kênh để người tiêu dùng nước ngoài tăng mua hàng Việt là qua báo chí.

Tháng 8/2021, liên tiếp những lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất qua Australia vừa cập cảng đã có địa chỉ bán hết. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia xác nhận, năng lực sản xuất và cung ứng nông sản Việt được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu nhiều nhóm hàng tăng cao sau mỗi năm, đã khiến người tiêu dùng Australia tin tưởng mua hàng nhiều Việt hơn, đặc biệt là các loại trái cây tươi như sầu riêng, thanh long, vải, đến các loại gia vị như sấu tươi, gừng tươi, gừng đông lạnh.

Những ngày này, dấu ấn về tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục được xuất hiện nhiều hơn khi kết quả về xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng của năm 2021 sang 8/10 thị trường CPTPP tăng trưởng ấn tượng, bao gồm Canada, Mexico, Australia, Malaysia, Singapore, Chi-lê, New Zealand, Pê-ru.

Một doanh nghiệp tại Bình Dương từ 2 năm nay đã tận dụng CPTPP để khơi thông đơn hàng xuất khẩu giày dép sang Canada, Mexico khá thành công với giá trị xuất khẩu năm 2020 tăng 45% so với 2019, năm đầu tiên thực thi Hiệp định.

Lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh, Việt Nam đã thành công khi mở cửa hội nhập và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. “Tôi rất ấn tượng với CPTPP và EVFTA, 2 hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao. Qua báo chí, doanh nghiệp của chúng tôi đã cập nhật được khá cụ thể tiến trình của các FTA này, từ khi đàm phán, ký kết cho đến thực thi cùng những khuyến cáo về thực hiện cam kết với từng ngành hàng trong mỗi FTA để có ưu đãi thuế quan”.

Không dừng ở đó, khi các FTA thế hệ mới, như EVTFA, CPTPP đi vào thực thi, gặp những khúc mắc, chưa thông suốt, hay khó khăn trong thực thi chính sách, doanh nghiệp cho biết, họ đã “cậy nhờ” báo chí để chia sẻ thông tin, phản ánh tới cơ quan quản lý các cấp tìm kiếm giải pháp tháo gỡ và đề xuất chính sách phù hợp.

Báo chí thu phí: Đường dưới chân mình…
Thu phí báo chí không chỉ để các cơ quan báo chí tìm nguồn thu mới, mà còn là con đường của báo chí chuyên nghiệp tìm lại vị thế, tìm lại độc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư