Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đổi mới xúc tiến đầu tư, Quảng Ngãi đón làn sóng đầu tư mới
Linh Đan - 01/10/2024 09:15
 
Nhờ đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư và tăng cường đối thoại, hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đang đón làn sóng đầu tư mới, hướng đến hiện thực hóa những mục tiêu, khát vọng đã đặt ra.
Quảng Ngãi chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông tạo quỹ đất phát triển đô thị hiện đại. Trong ảnh: Đảo Ngọc (TP.Quảng Ngãi) rộng 300 ha, được đánh giá là quỹ đất đẹp nhất của tỉnh Quảng Ngãi
Quảng Ngãi chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông tạo quỹ đất phát triển đô thị hiện đại. Trong ảnh: Đảo Ngọc (TP.Quảng Ngãi) rộng 300 ha, được đánh giá là quỹ đất đẹp nhất của tỉnh Quảng Ngãi

Thu hút đầu tư đa dạng, linh hoạt và thích ứng nhanh

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và kết quả đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo tại Nghị Quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 của Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XX; Kết luận số 371-KL/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, với 34 dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, y tế, dịch vụ - du lịch, môi trường, hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư, như thay đổi thị trường thu hút đầu tư đa dạng, linh hoạt, thích ứng nhanh; đổi mới cách thức quảng bá xúc tiến thu hút đầu tư...

Tỉnh đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn, như Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Dự án Bến cảng tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất; Dự án Nâng cấp, mở rộng Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất; Dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; các Dự án điện turbin khí hỗn hợp của EVN, Sembcorp…

 - Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Trong năm 2023, tỉnh có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với vốn đăng ký 366 triệu USD; đầu tư trong nước có 19 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 17,322 tỷ đồng. Trong năm 2024, tỉnh đã mời gọi Tập đoàn FPT đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xúc tiến hỗ trợ 20 - 25 nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh, gồm các lĩnh vực, ngành nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như y tế, giáo dục, dịch vụ - du lịch, môi trường, hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp…, với kỳ vọng mang lại làn sóng mới thu hút đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn 2024 - 2025.

“Trong bối cảnh thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, Quảng Ngãi đã chủ động thực hiện các hoạt động “xúc tiến đầu tư tại chỗ” thông qua việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện dự án và ổn định sản xuất - kinh doanh, từ đó mở rộng đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin thu hút các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, tỉnh chủ động kết nối và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp lớn; cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh đầu tư của tỉnh đến các quốc gia, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… để mời gọi đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành. Điều này được thể hiện rõ qua các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đồng thời, cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”, ông Giang chia sẻ.

Theo ông Giang, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan kịp thời phối hợp giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Đối với những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành xem xét, hướng dẫn giải quyết cho doanh nghiệp. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến quý III/2024, tỉnh tiếp nhận gần 300 kiến nghị của 150 doanh nghiệp, trong đó, khoảng 250 kiến nghị được giải quyết dứt điểm, đạt 83,3%. Các kiến nghị còn lại hầu hết vướng cơ chế chính sách đang được các sở, ngành kiến nghị bộ, ngành xem xét giải quyết; định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 lần/năm, đảm bảo theo quy định.

“Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ghi nhận, đánh giá cao tính năng động, tiên phong, nỗ lực hỗ trợ của chính quyền tỉnh, các sở, ngành chức năng và cho rằng, những kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư đều được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, tháo gỡ kịp thời”, ông Giang cho hay.

Những giải pháp động lực

Để tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tỉnh sẽ chú trọng thực hiện nhiều giải pháp.

Trước hết, tỉnh luôn nhất quán quan điểm lựa chọn các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, để mời gọi đầu tư trong lĩnh vực ngành nghề mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh như giáo dục, y tế, du lịch sinh thái, du lịch biển để sớm đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo chuỗi liên kết trong kết nối logistics, thúc đẩy liên kết vùng; đẩy nhanh các dự án trọng điểm, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công; tích cực cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục đón các nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao vào tỉnh.

Thứ hai, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nổi bật là tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh; tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, kinh tế số...; quan tâm nghiên cứu, vận dụng các chính sách hỗ trợ để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư; tiếp tục tận dụng tốt các cơ hội, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tư vấn, các tập đoàn lớn để xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Thứ ba, tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tiếp tục nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, sáng tạo trong giải quyết công việc; kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất -kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; hỗ trợ các dự án lớn, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa trong quá trình triển khai dự án đầu tư và làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo không gian mở thân thiện, nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp, với phương châm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động và coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 (trong đó, đã cập nhật toàn bộ nội dung Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023) thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới”, phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước và địa phương. Theo đó, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển hài hòa dựa trên 3 trụ cột, gồm kinh tế - xã hội - môi trường, đặt “doanh nghiệp và con người là trung tâm và là động lực chính của sự phát triển”, xem “đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng góp phần quan trọng trong việc nâng cao và đảm bảo chất lượng lao động cho nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài”.

Theo ông Giang, để thực hiện tốt nội dung Quy hoạch, đưa tầm nhìn, định hướng Quy hoạch và khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trở thành hiện thực, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi sẽ chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối với các vùng kinh tế động lực, các dự án hạ tầng cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS; tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực, chất lượng, uy tín các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên…

Cuối cùng, theo ông Giang, để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư của mỗi địa phương thì cần phải quan tâm cả hoạt động thu hút nhà đầu tư và những yếu tố nội tại của địa phương. Theo đó, chúng ta cần tạo nhiều hơn nữa các cơ hội cho nhà đầu tư, từ tiếp cận đất đai (bao gồm tạo quỹ đất lớn, vị trí thuận lợi), tài chính ngân hàng, chuẩn bị nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; một yếu tố hết sức quan trọng là đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Quảng Ngãi điều chỉnh dự án thu gom, xử lý nước mưa, nước thải 1.000 tỷ đồng
HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi lưu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư