Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Đối tác ngoại lũ lượt bỏ dự án pin mặt trời
Nguyên Đức - 23/10/2013 09:09
 
Thêm một dự án đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời có nguy cơ đổ bể, khi đối tác nước ngoài Global Sphere (Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất - UAE) đã quyết định rút khỏi Dự án Pin năng lượng mặt trời tại Thừa Thiên Huế.
TIN LIÊN QUAN

“Chúng tôi đã rút khỏi dự án pin năng lượng mặt trời tại Huế”, ông Nguyễn Trọng Nguyễn, Tổng giám đốc Global Sphere tại Việt Nam đã chính thức xác nhận thông tin và cho biết, lý do Global Sphere rút khỏi dự án này là vì đối tác trong nước - Công ty cổ phần Đầu tư chuyển giao Worldtech - không có năng lực tài chính và dự án không có tính khả thi cao.

Nhiều dự án pin mặt trời gặp khó do nhu cầu thị trường chưa cao.
(Ảnh: Lê Toàn)

Dự án Pin năng lượng mặt trời tại Thừa Thiên Huế, vốn đầu tư 300 triệu USD, do Worldtech làm chủ đầu tư, với sự hợp tác của Global Sphere, được khởi công xây dựng vào tháng 1/2013 tại Khu công nghiệp Phong Điền (TP.Huế), ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư.

Một lễ khởi công hoành tráng, với kế hoạch sẽ đưa giai đoạn I Dự án vào hoạt động sau 30 tháng xây dựng, công suất 60 MW pin/năm, sau đó nâng lên 250 MW pin/năm trong giai đoạn II.

“Từ khi khởi công đến nay, Dự án không triển khai gì thêm. Chúng tôi cũng có nghe thông tin về việc nội bộ liên doanh lục đục, nhưng chưa nhận được thông báo chính thức từ chủ đầu tư về việc sẽ dừng hay tiếp tục triển khai Dự án”, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế nói.

Trong khi đó, thông tin từ ông Nguyễn Trọng Nguyễn, sau khi rút khỏi dự án này, Global Sphere đang đàm phán mua lại một dự án khác ở TP.HCM. Không tiết lộ chi tiết dự án được mua lại, song ông Nguyễn cho biết, việc đàm phán đang ở bước cuối cùng.

“Thị trường pin năng lượng mặt trời thế giới đúng là có khó khăn, nhưng chúng tôi không lo ngại điều đó. Global Sphere là công ty tại UAE, chúng tôi có thị trường tại khu vực Trung Đông. Ở khu vực đó, nhu cầu về pin mặt trời vẫn rất lớn”, ông Nguyễn khẳng định.

Như vậy, lại có thêm một dự án pin năng lượng mặt trời chưa làm đã có nguy cơ đổ bể. Trước đó, Dự án First Solar tại TP.HCM và Dự án Pin năng lượng mặt trời ở Quảng Nam đã lâm cảnh tương tự.

Đầu tháng 8 năm ngoái, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã xác nhận thông tin với Báo Đầu tư về việc Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (IC Energy) xin giãn tiến độ triển khai Dự án Sản xuất pin năng lượng mặt trời (vốn đầu tư 390 triệu USD). Lý do là vì những khó khăn liên quan tới thị trường, cũng như công nghệ sản xuất sản phẩm này.

Tại thời điểm khởi công xây dựng (ngày 14/5/2011), Dự án trên được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng, song đến tháng 8/2012, nhà đầu tư mới đổ móng, khoan cọc trên công trình.

Theo kế hoạch, Dự án được xây dựng trên diện tích gần 12 ha, gồm 4 module và các dây chuyền phụ trợ công nghệ châu Âu và Mỹ, công suất 120 MW/năm. Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương và xuất khẩu 100% sản phẩm ra nước ngoài.

Cũng trong năm 2011, TP.HCM đã rất hứng khởi khi cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án Sản xuất pin năng lượng mặt trời của First Solar (Mỹ), với vốn cam kết lên tới 1,2 tỷ USD. Khởi công rất nhanh sau khi được cấp phép, nhưng chỉ 8 tháng sau, vào cuối năm 2011, nhà đầu tư này đã tuyên bố tạm dừng triển khai Dự án cho đến khi có những tín hiệu hỗ trợ về cung - cầu trên thị trường thế giới.

Lý do mà ông Tymen DeJong, Phó chủ tịch cấp cao bộ phận sản xuất của First Solar đưa ra là vì sự mất cân bằng cung - cầu về năng lượng mặt trời trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM (Hepza), với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, những vướng mắc liên quan đến Dự án của Tập đoàn First Solar đang dần được tháo gỡ. “Trong tương lai gần, Dự án sẽ có nhà đầu tư mới”, đại diện Hepza khẳng định.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào thời điểm tháng 5/2011, khi phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Pin năng lượng mặt trời ở Quảng Nam, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao dự án này và cho biết, các dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời, phong điện là tiền đề quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 5% cơ cấu năng lượng vào năm 2015 và 8% vào năm 2020.

Nhưng nhìn vào những diễn biến hiện tại, thì xem ra, đầu tư vào lĩnh vực này không hề suôn sẻ!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư