Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đổi tiền lẻ tìm cách biến tướng, lách luật
Thùy Liên - 26/02/2015 10:21
 
Không còn công khai song dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn âm thầm hoạt động tại các chùa chiền, lễ hội, núp trong những cửa hàng bán đồ lễ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Không in tiền 5.000 đồng trở xuống, xử phạt ngân hàng tuồn tiền lẻ ra ngoài
Gần Tết, tiền lẻ lại 'nóng'
tiền lẻ, đổi tiền lẻ, lễ chùa
Cửa hàng bán đồ lễ trở thành điểm đổi tiền lẻ biến tướng

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, truy quét dịch vụ đổi tiền lẻ trái phép. Bên đó, "gậy" xử lý cũng đã có. Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc đổi tiền lẻ ở các đền, chùa, lễ hội nếu bị phát hiện có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Chính vì vậy, tại các lễ hội, đền chùa đầu năm, dịch vụ đổi tiền lẻ công khai đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, tại hầu hết các đền chùa, lễ hội, dịch vụ này vẫn đang âm thầm tồn tại, biến tướng sang các hình thức tinh vi hơn.

Tại một số đền, chùa tại khu vực chùa Hương như: Đền Trình, Chùa Thiên Trù, Động Hương Tích... không còn cửa hàng nào chăng biến đổi tiền. Dù vậy, khách đi lễ vẫn thỉnh thoảng vẫn được mời đổi tiền lẻ. Còn nếu du khách chủ động vào các cửa hàng hỏi, thì hầu như cửa hàng nào cũng có dịch vụ đổi tiền lẻ.

Chủ một cửa hàng bán đồ lễ trước cổng Đền Trình cho hay: "Ngay từ đầu mùa, Ban tổ chức lễ hội đã thông báo đổi tiền lẻ sẽ bị phạt nặng nên giờ không ai đổi công khai đâu. Nếu em muốn đổi thì mua đồ lễ, bọn chị sẽ phụ lại tiền lẻ mới cho bọn em, giá đổi là 10 ăn 7 hoặc 10 ăn 8 tùy từng loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng hay 5.000 đồng".

Theo ghi nhận của phóng viên, dù cảnh đổi tiền lẻ đã giảm bớt, song thói quen sử dụng tiền lẻ khi đi lễ chùa của người dân vẫn còn rất nặng nề. Tại Đền Trình, chùa Thiên Trù, người giúp việc cho nhà chùa phải liên tục "nhặt" tiền lẻ cho vào thùng. Tương tự, tại khu vực ga trung chuyển cáp treo chùa Hương, tại động Hương tích, cảnh người dân ném tiền qua cáp treo hay nhét tiền lẻ đầy các nhũ đá, khe động... vẫn diễn ra.

Cũng theo quan sát của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, không chỉ tại chùa Hương, mà tại hầu hết các chùa lớn tại Hà Nội, dịch vụ đổi tiền lẻ đều được "lách" tại các cửa hàng bán đồ lễ, viết sớ. Theo đó, khách đi lễ tại chùa Hà, chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ... đều dễ dàng đổi được tiền lẻ. 

Tại khu vực Phủ Tây Hồ, một thầy viết sớ cho biết: "Có nhiều cán bộ quản lý mặc thường phục cải trang để đi chùa kiểm tra nên không phải ai cửa hàng cũng mời đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, có cầu thì có cung, người đi lễ cần thì cửa hàng vẫn đáp ứng".

Ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các Phòng Văn hóa tổ chức tuyên truyền, phổ biến. Trước thời điểm Tết, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước và CATP Hà Nội đi kiểm tra, nhắc nhở tại các khu di tích lớn.

“Việc siết chặt kiểm tra không thể khiến dịch vụ này chấm dứt hoàn toàn mà chỉ góp phần hạn chế. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực. Gốc của vấn đề không phải phạt hành chính mà là vận động để quan hệ cung - cầu không còn nữa. Khi đi lễ chùa, để phát tâm công đức người dân có thể để tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng vào hòm công đức thay cho việc gài tiền vào tay Phật, rải tiền, thả tiền xuống giếng...”, ông Trung nói. 
 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư