Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đón dòng tiền khủng, dự trữ ngoại tệ tăng kỷ lục
Hà Tâm - 12/03/2018 08:21
 
Liên tiếp các vụ bán vốn thành công cho các nhà đầu tư ngoại đã mang tới cho thị trường ngoại hối dòng tiền “khủng”, giúp tăng dự trữ quốc gia lên mức kỷ lục và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thuận tay hơn trong ghìm cương thị trường tỷ giá năm 2018.
TIN LIÊN QUAN

Cổ phần hóa đang hỗ trợ cho tỷ giá

Từ cuối tháng 2 đến nay, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm với mức tăng khá mạnh. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường hầu như không biến động. Theo các chuyên gia, điều này là nhờ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hết sức dồi dào.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, việc đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã mang lại nguồn ngoại tệ khủng.

Tỷ giá cả năm 2018 được dự báo sẽ biến động không quá 2%. Ảnh: Đức Thanh
Tỷ giá cả năm 2018 được dự báo sẽ biến động không quá 2%. Ảnh: Đức Thanh

Cụ thể, nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh (tăng 45%  so với cùng kỳ), đạt 6,2 tỷ USD trong năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, con số này tiếp tục tăng mạnh (tăng 102,5%), đạt 1,25 tỷ USD. Đáng chú ý nhất là giao dịch bán cổ phần Sabeco vào cuối năm 2017 giúp ngân sách thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD, tạo nguồn cung ngoại tệ đột biến cho thị trường.

Về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, kế hoạch bán vốn cho nước ngoài của một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước đang hỗ trợ tích cực cho tỷ giá.

Ngoài cổ phần hóa và một số thương vụ bán vốn, thị trường ngoại tệ và tỷ giá cũng đang gặp nhiều thuận lợi nhờ xuất siêu, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như vốn đăng ký tăng mạnh. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, giải ngân FDI đạt 1,7 tỷ USD. Cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm cũng có thặng dư 1,08 tỷ USD. Bên cạnh đó, kiều hối về Việt Nam phục hồi mạnh trong năm 2017 sau một năm sụt giảm, đạt giá trị kỷ lục 13,81 tỷ USD, tăng 16% và đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có kiều hối lớn nhất thế giới.

“Bối cảnh ngoại tệ dư thừa và tỷ giá ổn định tiếp tục tạo điều kiện cho NHNN đẩy mạnh mua vào ngoại tệ, tăng cường dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối gia tăng nhanh chóng từ mức 41 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên gần 60 tỷ USD tính đến cuối tháng 2/2018, tương đương 3 tháng (hơn 13 tuần) nhập khẩu, cao hơn mức khuyến nghị tối thiểu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)”, ông Linh  nhận định.

Tỷ giá vẫn có thể tăng 2%

Nhận xét về động thái tỷ giá tăng nhẹ sau Tết Nguyên đán, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là điều bình thường vì các doanh nghiệp quay lại kinh doanh sau kỳ nghỉ lễ. “Yếu tố tác động mạnh nhất tới tỷ giá năm nay là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất 4 lần, lần đầu tiên có thể ngay cuối tháng 3/2018. Fed tăng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến tỷ giá trong nước. Dù vậy, tỷ giá cả năm sẽ biến động không quá 2%”, ông Lực nhận định.

Đây cũng là mức biến động về tỷ giá mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo (tăng 1,5-2%).

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ có thể chịu áp lực từ khả năng cán cân thương mại có thể chuyển sang thâm hụt; lãi suất USD thế giới (đặc biệt là Mỹ) tăng; ngân hàng trung ương nhiều nước châu Âu, Nhật Bản… đưa ra lộ trình thu hẹp dần chính sách tiền tệ nới lỏng…

Dù vậy, Phó thống đốc tin tưởng, thị trường trong nước tiếp tục được hỗ trợ từ các dòng vốn nước ngoài (FDI, FII, kiều hối…) nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng ở mức cao so với thế giới, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh…

Đáng mừng là, từ năm 2017 đến nay, NHNN đã bơm mạnh tiền đồng ra thị trường để hút ngoại tệ (chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, NHNN đã bơm ra thị trường 70.000 tỷ đồng để mua ngoại tệ dự trữ), song vẫn không gây ra lạm phát. Điều này là nhờ NHNN đã khéo léo chọn thời điểm, đưa ra nhiều giải pháp để trung hòa lượng tiền, đồng thời giúp thanh khoản tiền đồng của hệ thống dồi dào.

Một điểm mới thú vị là thời gian gần đây, NHNN thường xuyên chủ động công bố dự trữ ngoại hối quốc gia, chứ không còn bí mật như thời gian trước. Điều này chứng tỏ, NHNN đã tự tin về tỷ lệ dự trữ, đồng thời cho thấy khả năng đảm bảo an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia, đồng thời làm tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư