Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đơn hàng nhiều, doanh nghiệp dệt may đầu tư nhà máy mới
Thế Hoàng - 30/06/2021 09:56
 
Cuối năm nay, ngành dệt may sẽ có thêm những nhà máy mới hòa lưới sản xuất, tăng lực cho xuất khẩu.
Thị trường hàng dệt may từ đầu năm tới nay đã ấm lên, khiến doanh nghiệp mạnh tay đầu tư Dự án mới 	 ảnh: đức thanh
Thị trường hàng dệt may từ đầu năm tới nay đã ấm lên, khiến doanh nghiệp mạnh tay đầu tư dự án mới. Ảnh: Đức Thanh

Những kế hoạch đầu tư mới

Xuất khẩu chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19 kéo dài suốt từ đầu năm ngoái đến nay không làm nản lòng các doanh nghiệp dệt may trong việc cụ thể hóa những kế hoạch đầu tư mới.

Trong khó khăn, khi nhà nhập khẩu điều chỉnh lượng hàng, chuyển sang các đơn hàng giá thấp, giảm nhập hàng giá trị cao, doanh nghiệp phải xoay xở đủ cách để tồn tại, thì những dự án khởi công mới càng trở nên đặc biệt, mang lại hy vọng cho ngành xuất khẩu hơn 40 tỷ USD này.

Ngoài các Dự án đã và đang được triển khai, ngành dệt may có cơ hội đón thêm các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam. Được biết, một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất tại Myanmar, có kế hoạch chuyển sang Việt Nam như Adastrica. Nhãn hàng Next thì tạm dừng đặt hàng mới tại Myanmar, còn Shimamura cân nhắc sản xuất thay thế ở Trung Quốc hoặc một quốc gia Đông Nam Á khác.

Nguồn: VNDirect

Cuối năm nay, ngành dệt may sẽ có thêm một số nhà máy mới hoàn thành đi vào sản xuất, tăng lực cho xuất khẩu. Một trong số đó là Dự án Nhà xưởng dệt may Merry tại Khu công nghiệp Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), do Công ty TNHH Dệt may Merry Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2021, với tổng mức đầu tư 10 triệu USD và công suất thiết kế hơn 150 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, toàn bộ sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Công ty TNHH Dệt may Merry Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn FDI từ Trung Quốc, được cấp phép đầu tư năm ngoái. Quyết định đầu tư tại Việt Nam đúng thời điểm dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp này vẫn xuống vốn triển khai các thủ tục đầu tư. Hiện, Công ty cổ phần BIC đang đảm bảo tiến độ xây dựng nhà xưởng cho doanh nghiệp này.

Sau một năm chịu không ít tổn thất từ thị trường, đối tác lớn nhập khẩu hàng tại Mỹ của doanh nghiệp là New York & Co nộp đơn phá sản vào tháng 7/2020, khiến hàng trăm tỷ đồng thành nợ xấu, Công ty cổ phần May Sông Hồng vẫn quyết định đầu tư dự án mới, với kỳ vọng sớm tăng kim ngạch xuất khẩu.

Dự án Khu sản xuất may xuất khẩu Sông Hồng có tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, dự kiến đi vào vận hành trong tháng 11/2021, sẽ chạy 50% công suất trong năm đầu tiên vận hành, tập trung sản xuất các đơn hàng FOB với công suất thiết kế là 70 triệu USD giá trị đơn hàng mỗi năm. Doanh nghiệp này kỳ vọng nhà máy mới sẽ chạy hết công suất vào quý II/2022 và giúp nâng tổng doanh thu của Công ty lên khoảng 5.500 tỷ đồng.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty May Sông Hồng cho biết, doanh nghiệp đã nhận được lượng đơn hàng rất tích cực từ nay đến hết năm 2021 và cho cả năm 2022. Để phục vụ cho nhà máy mới dự kiến hoàn thành cuối năm nay, hiện tại Công ty đã bắt đầu tuyển dụng lao động và tiến độ xây dựng vẫn đang theo đúng kế hoạch.

Tại Thái Nguyên, một tên tuổi trong ngành là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đang triển khai Dự án Khu công nghiệp Sơn Cẩm 1, với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, diện tích 70 ha, dự kiến mở rộng lên 100 ha vào năm 2022. Dự án hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp dệt may nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng “dệt - nhuộm - may”.

Thị trường đang tốt lên

Năm 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Nhưng xét trong bối cảnh tổng cầu toàn thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD về 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí 30% nếu bị cách ly dài, thì dệt may Việt Nam có mức giảm thấp.

Thị trường từ đầu năm tới nay đã bớt u ám hơn, tiếp thêm xung lực cho các doanh nghiệp. Minh chứng là xuất khẩu hàng dệt may đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%, nếu tính cả xơ sợi, vải, phụ liệu thì đạt gần 15 tỷ USD.

Báo cáo về triển vọng ngành dệt may của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect mới đây nhận định, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng tại các thị trường chính như Mỹ, EU. 

Động lực cho gia tăng đơn hàng xuất khẩu là bởi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã tăng nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Theo đó, đơn đặt hàng dệt may đã tăng trở lại nhờ sự phục hồi số lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, tạo cơ hội cán đích 39 tỷ USD.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đã khẳng định điều này. Tháng 5/2021, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG đạt doanh thu 470 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 355,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, TNG đạt doanh thu 1.744 tỷ đồng, tăng hơn 420 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng được cải thiện, 5 tháng ghi nhận 55,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 48,8 tỷ đồng.

Thị trường tốt lên, đơn hàng về nhiều, May Sông Hồng đặt kế hoạch tăng trưởng trở lại gần thời điểm trước dịch. Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu đạt 4.200 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với doanh thu thực hiện năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 340 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Dệt may dồn lực giao hàng đúng hẹn
Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng. Lao động ổn định là mấu chốt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư