Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đón tôm giống bằng máy bay
Ngọc Linh - 07/06/2013 05:49
 
Nhập tôm giống bằng máy bay, sớm ứng dụng tiêu chuẩn Global GAP trong sản xuất, tìm kiếm các đối tác nước ngoài... nhưng lại chưa bao giờ tiếp thị sản phẩm... là cách ông Lê Hữu Tình đang điều hành Công ty Thủy sản Đắc Lộc, một trong những thương hiệu hàng đầu trong cung cấp tôm giống thẻ chân trắng của Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Hữu Tình

1.

Khi ông Lê Hữu Tình xuất hiện trước cửa phòng khách, không một ai trong đoàn báo chí nhận ra nhân vật chính mà họ đang chờ, ông chủ của Công ty Thủy sản Đắc Lộc - một công ty cung cấp tôm giống và nuôi tôm thẻ chân trắng nổi tiếng nhất tại tỉnh Phú Yên.

Vận trên người chiếc sơ mi màu nâu đã bạc màu, hai ống quần xắn cao đến gần đầu gối và đôi chân trần, cùng với khuôn mặt vẫn còn những giọt mồ hôi chảy dài hai bên má, người đàn ông 47 tuổi này trông giống một người nông dân hơn là ông chủ của một doanh nghiệp nổi tiếng.

“Tôi mới từ đầm tôm về. Hôm nay là ngày thu hoạch tôm để mang đi bán, nên tôi phải ở ngoài đó trợ giúp cùng anh em”, ông Tình nói có vẻ như muốn phân trần về việc mình về muộn trong bộ dạng như vậy.

Ông Tình dường như quá quen với việc mọi người không nhận ra mình là chủ Công ty Thủy sản Đắc Lộc thông qua dáng vẻ bề ngoài. Rất nhiều đoàn đối tác, khách hàng khi đến thăm Công ty đã nhầm ông với nhân viên hoặc thậm chí là người bảo vệ. “Họ nghĩ tôi phải là ai đó trong những bộ trang phục đắt tiền và sạch sẽ. Khi tôi giới thiệu tôi chính là Tình, có người còn không tin” - ông Tình xởi lởi bắt đầu câu chuyện.

Ông Tình và vợ, bà Nguyễn Thị Nga, bắt đầu nuôi tôm từ năm 1991. Thời đó, người nuôi tôm chủ yếu nuôi tôm sú, chứ không phải tôm thẻ chân trắng như bây giờ. Công việc hai vợ chồng ông làm chỉ đơn giản là mua lại những cặp tôm sú bố mẹ của ngư dân và bán lại cho người nuôi tôm ven biển nhằm nhân giống tôm sú. “Ngày đó mơ đủ ăn là may rồi, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình được như ngày hôm nay”, ông Tình nhớ lại.

Việc kinh doanh, dù nhỏ dù lớn, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đầu những năm 2000, Chính phủ Mỹ quyết định kiện Việt Nam về chuyện trợ giá cho ngành tôm. Đây là đòn mạnh giáng vào những người nuôi tôm Việt Nam, đẩy họ đến tình cảnh vô cùng khó khăn. Ông Tình và vợ không phải là ngoại lệ, gần như trắng tay khi tôm không xuất khẩu sang Mỹ được nữa, nhu cầu giảm xuống, không còn người mua tôm sú giống…

2.

Có một điều rất thú vị về ông chủ Lê Hữu Tình, đó là ông chưa bao giờ đi tiếp thị giống tôm thẻ chân trắng của mình trên thị trường, cũng chưa bao giờ tham dự các lớp học về ngành này. Khách hàng của ông đều nghe danh của Đắc Lộc mà tìm đến hợp tác, theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương. Vậy nhưng, sản phẩm tôm giống của Đắc Lộc đã vươn ra khắp cả nước, từ Cà Mau, Kiên Giang rồi ra cả Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An...

Thế nhưng, nhìn cơ ngơi của Công ty và cách ông điều hành công việc, không ai nghi ngờ chất doanh nhân, sự nhạy bén với thương trường nổi trội trong con người có vẻ ngoài chất phác như ông. Công ty Thủy sản Đắc Lộc là một trong những công ty nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt Global GAP, một tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu được cấp cho các sản phẩm nông sản. Điều này có nghĩa là, tôm của Đắc Lộc đủ tiêu chuẩn để xuất sang các thị trường khó tính.

Ngay cả cách ông vượt qua giai đoạn tay trắng sau sự lụi bại của thị trường tôm sú giống cũng vậy. Khi nghe tin Tập đoàn CP của Thái Lan bắt đầu cung cấp giống tôm thẻ chân trắng tại thị trường Việt Nam, giống tôm mới mà cho đến bây giờ ở trong nước vẫn chưa có nơi nào nhân giống tôm bố mẹ được, ông đã cất công tìm đến các cơ sở của Tập đoàn CP tại Thái Lan để nhập hàng. Lúc đầu thì nhập tôm giống về bán lại cho người nuôi. Sau rồi nhập tôm bố mẹ, mỗi cặp tôm bố mẹ khoảng 140 USD, đưa về Việt Nam bằng máy bay để nhân giống...

“Đến năm 2006, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh, thị trường mở rộng, hai vợ chồng tôi nhận ra không thể buôn bán nhỏ lẻ mãi được. Muốn phát triển hơn nữa thì phải thành lập doanh nghiệp và thuê đất”, ông Tình kể lại những ngày đầu thành lập Đắc Lộc, cơ sở nuôi tôm giống của riêng mình, nơi ông giữ chức vụ Phó giám đốc còn vợ ông giữ chức Giám đốc.

Ngay cả bây giờ, ông vẫn cho đó là một bước ngoặt lớn. Khi thành lập công ty, tổng tài sản của hai vợ chồng huy động từ mọi nguồn được khoảng 20 tỷ đồng. Sau 7 năm, đến nay, ông Tình tự hào chia sẻ rằng, hai vợ chồng đã có khoảng hơn 200 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với mức ban đầu. Năm ngoái, doanh thu của Công ty đạt hơn 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, số doanh thu này cũng đã giảm so với mức gần 500 tỷ đồng năm 2011 do tác động của suy giảm kinh tế đến sức tiêu thụ trên thị trường.

Hiện tại, Đắc Lộc chưa phải là nhà cung cấp tôm giống thẻ chân trắng thuộc hàng lớn nhất ở Việt Nam như CP Group hay Uni-President, nhưng ông Tình cũng tự xếp hạng: “Đắc Lộc lớn vào hàng thứ 4 hoặc thứ 5 trên thị trường” và tự lý giải sự thành công của mình: “Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ”.

3.

Hiện tại, Thủy sản Đắc Lộc là công ty cung cấp tôm giống thẻ chân trắng lớn nhất tại Phú Yên. Nằm trên diện tích rộng 30 ha tại thị xã Sông Cầu, các bộ phận sản xuất nuôi trồng ở đây được phân chia rất quy củ và khoa học, bao gồm khu nuôi tôm bố mẹ riêng, khu nuôi tôm giống riêng và các đầm nuôi tôm thương phẩm. Hàng ngày, ở đây lúc nào cũng tấp nập xe tải ra vào nhập hàng. 150 nhân công làm việc hết công suất để đảm bảo hoạt động sản xuất được thông suốt.

Nghe ông Tình kể, mô hình kinh doanh – nuôi trồng công nghiệp của ông được “học mót” từ rất nhiều nguồn. Đầu tiên là CP Group hỗ trợ về kỹ thuật nuôi tôm. Rồi bản thân ông lặn lội mang giấy bút tới gặp trực tiếp các thầy của Trường đại học Thủy sản Nha Trang để học kinh nghiệm. Ông tuyển dụng người đã tốt nghiệp đại học về làm việc cho Công ty. Trong số 150 nhân công đang làm việc cho Đắc Lộc, 10% đã có bằng cử nhân và thạc sỹ về nuôi trồng thủy sản.

Người nông dân... học mót Lê Hữu Tình thậm chí còn xây dựng một hệ thống quản lý nhân viên rất khoa học mà không phải doanh nghiệp quy mô lớn nào cũng thành công. Ông chia Đắc Lộc làm 3 bộ phận, gồm bộ phận nuôi tôm bố mẹ và nhân giống, bộ phận nuôi tôm giống và bộ phận nuôi tôm thương phẩm. Mỗi bộ phận được hoạch toán doanh thu và chi phí riêng, từ đó tính ra lợi nhuận của từng bộ phận. Lương trả cho nhân viên dựa trên lợi nhuận từng tháng. Kết quả là, từng nhân viên ông tự kiểm soát cả trách nhiệm, tính sáng tạo và cả ý thức tiết kiệm khi điều đó gắn liền với thu nhập của họ.

Ông Tình vui vẻ chia sẻ, về mô hình quản lý “tự nghĩ ra” và khoe nhiều cơ sở sản xuất tôm đã đến và học tập mô hình quản lý của ông. “Chính nhờ biết chơi với công nghệ, với khoa học mà tôm của chúng tôi chưa chắc đã rẻ hơn, nhưng khách hàng luôn yên tâm về chất lượng”, ông Tình tâm sự.

Cũng phải nhắc tới cánh tay phải của ông trong mô hình kinh doanh khép kín ở Thủy sản Đắc Lộc, đó là bà Nga, vợ ông, Giám đốc Công ty. Trong khi ông Tình phụ trách trong coi việc kinh doanh tôm giống và tôm thương phẩm, bà Nguyễn Thị Nga phụ trách mảng kinh doanh thu mua tôm thương phẩm tại các đầm tôm và bán ra thị trường. Đội thu mua khoảng 150 người khác do bà phụ trách cũng đã tạo nên một thương hiệu Đắc Lộc trong công tác làm thị trường.

4.

Với một người nông dân, có thể đó là quá đủ. Nhưng với ông Tình, mục tiêu không chỉ dừng ở việc cung cấp tôm giống và tôm thương phẩm cho thị trường.

“Mơ ước của tôi là có một nhà máy chế biến tôm để xuất khẩu”, ông nói và tiết lộ rằng, hiện đã có một nhóm nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất liên kết với Đắc Lộc để xây dựng một nhà máy chế biến tôm xuất sang thị trường Nhật. Chi tiết cụ thể về dự án chưa được công bố, nhưng khu vực xây dựng nhà máy đã được chọn và dự kiện nhà máy sẽ đi vào hoạt động năm 2015. Nếu đúng như kế hoạch, đây sẽ là nhà máy chế biến tôm đầu tiên tại Phú Yên.

Một dự án nữa là xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ đại dương. Ông Tình cho biết, một đối tác cũng đến từ Nhật Bản đã đề xuất liên doanh với Đắc Lộc thành lập công ty chuyên thu mua cá ngừ và chế biến để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. “Nếu hai dự án này thành công, tôi sẽ hoàn thành được ước mơ của mình là kinh doanh từ tôm giống, tôm thương phẩm và tôm chế biến”, ông Tình nói.

Với niềm đam mê, sự nhạy cảm bản năng của người doanh nhân, sức hấp dẫn và mới mẻ của thị trường, sự phát triển của khoa học, công nghệ, ông Tình sẽ còn ấp ủ nhiều ước mơ xa hơn.

Trò chuyện với ông Lê Hữu Tình

* Làm lớn nghề nuôi tôm, ông có thấy liều không khi nghề này quá nhiều rủi ro?

Không thấy liều lắm. Tôi tin vào kinh nghiệm của mình sau nhiều năm gắn bó với nghề tôm. Tuy nhiên, không phải là không lo, nhất là việc nuôi tôm giống vì trước đó tôi làm buôn bán trung gian là chính.

* Nhưng khi có dịch bệnh, người nuôi thường mất trắng?

Chúng tôi có hệ thống xử lý nước thải riêng, hệ thống nước sạch riêng và đặc biệt là công tác đảm bảo vệ sinh và phòng chống dịch bệnh cho tôm được đặt lên hàng đầu. Hậu quả sẽ khôn lường nếu bỏ qua những điều này.

Thường thì người nuôi quy mô nhỏ, với 1-2 đầm, khi gặp dịch thường chần trừ trong xử lý do tiếc của nên mất trắng. Tôi sẵn sàng hủy hẳn một đầm để cứu các đầm khác. Cứ tính mỗi đầm khoảng 15-20 tấn tôm thì số tiền hủy bỏ là vài tỷ đồng.

* Theo ông, nghề này cần sự hỗ trợ gì để phát triển ổn định?

Hầu hết người nuôi tôm đều tự phát triển nên không bền vững. Nhà nước cần quan tâm và có quy hoạch cụ thể hơn đối với ngành nuôi tôm. Nên đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn chứ không thể mãi nhỏ lẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư