Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Đóng giao dịch carry trade: Đồng yên mạnh lên, quỹ ETF bị rút tiền
Đông Phong - 14/08/2024 09:54
 
Lo ngại trước việc đóng giao dịch "carry trade" bằng đồng yên, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi một quỹ ETF tập trung vào thị trường Nhật Bản.
Giao dịch carry trade bằng đồng yên bắt đầu ngưng trệ vào tuần trước khi động thái tăng lãi suất của ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào cuối tháng 7 đã củng cố đồng yên và dẫn đến đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Ảnh: Richard Brooks/AFP
Giao dịch carry trade bằng đồng yên bắt đầu ngưng trệ vào tuần trước khi động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào cuối tháng 7 đã củng cố đồng yên và dẫn đến đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Ảnh: Richard Brooks/AFP

Cú sốc carry trade

Giao dịch carry trade là chiến lược đầu tư phổ biến thời gian qua, khi các nhà đầu tư vay tiền từ những nơi có lãi suất thấp, chẳng hạn như Nhật Bản hoặc Trung Quốc, sau đó sử dụng số tiền này để đầu tư vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn.

Vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến sự hỗn loạn, một trong những nguyên nhân của nó là sự đảo chiều của chiến lược đầu tư phổ biến này.

Hơn 400 triệu USD đã bị rút khỏi Quỹ hoán đổi danh mục WisdomTree Japan Hedged Equity Fund (mã cổ phiếu: DXJ) vào tuần trước, mức rút vốn lớn nhất kể từ năm 2018, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Còn dữ liệu từ IHS Markit cho thấy lãi suất bán khống tính theo tỷ lệ phần trăm cổ phiếu đang lưu hành trên quỹ ETF này đã lên mức cao nhất kể từ tháng 5.

WisdomTree Japan Hedged Equity Fund là quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản nhằm phòng ngừa rủi ro đồng yên suy yếu.

Cổ phiếu DXJ luôn giữ xu hướng tăng giá kể từ đầu năm do được hưởng lợi từ lãi suất cực thấp tại Nhật Bản, nhưng tất cả đã bị đảo lộn trong những ngày gần đây khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất vào cuối tháng 7, khiến đồng yên tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ chính còn chứng khoán Nhật Bản lao dốc.

Động thái của cơ quan tiền tệ Nhật Bản là cú sốc đối với các nhà đầu tư "ôm" carry trade bằng đồng yên, tức là vay vốn bằng đồng yên và sử dụng số tiền đó để đầu tư vào các tài sản (thường là tiền tệ) có lợi suất cao hơn ở thị trường khác để hưởng chênh lệch lãi suất.

Trong các giao dịch carry trade thường thấy, các nhà đầu tư vay các loại tiền tệ có lãi suất thấp như đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn, chủ yếu là tiền tệ và dùng cho các giao dịch đòn bẩy trong cổ phiếu.

"Hậu quả dẫn đến sự sụt giảm lớn của thị trường chứng khoán Nhật Bản - đó là áp lực bán tháo. Thêm vào đó, nếu đồng yên tiếp tục mạnh lên, điều đó khiến cổ phiếu DXJ kém hấp dẫn hơn vì không cần phải phòng ngừa rủi ro nhiều như vậy", ông Todd Sohn, một chiến lược gia ETF tại công ty tư vấn đầu tư Strategas cho biết.

Vào cuối tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất cơ bản và công bố kế hoạch cắt giảm một nửa lượng trái phiếu mua vào, khiến đồng yên mạnh lên.

Nhiều nhà quan sát chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự đoán rằng cơ quan này sẽ tăng lãi suất theo kịch bản cơ sở của họ và điều đó cho thấy quyết tâm của họ trong việc tiến hành bình thường hóa chính sách của mình sau nhiều năm siêu nới lỏng.

Số tiền liên quan đến giao dịch carry trade hiện vẫn gây tranh cãi, với ước tính dao động từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ USD. Giữa biến động thị trường, cổ phiếu DXJ đã rớt giá 10% kể từ cuối tháng 7. Việc rút tiền mặt ồ ạt vào tuần trước đã đẩy cổ phiếu DXJ vào tháng tồi tệ nhất về dòng tiền chảy ra kể từ tháng 12/2018, mặc dù cổ phiếu này vẫn có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm nay.

"Tác động chỉ đơn giản dựa trên thực tế là đồng yên mạnh hơn không tốt cho cổ phiếu Nhật Bản - nó tác động đến lợi nhuận và thị phần tiềm năng", ông Mark McCormick, giám đốc toàn cầu về chiến lược ngoại hối và thị trường mới nổi tại ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada), đánh giá.

"Hơn nữa, định vị và dòng tiền có thể phóng đại động thái này vì cổ phiếu Nhật Bản đã hoạt động tốt hơn trong một thời gian khá dài, có thể phản ánh các thiết lập chính sách tại Nhật Bản: đồng yên suy yếu, lãi suất thực thấp và không có phản ứng thực sự nào đối với lạm phát tăng cao", ông McCormick nói thêm.

Đồng yên mạnh lên có lợi cho Nhật Bản

Lạc quan với đồng yên, ông Jesper Koll, nhà đầu tư kỳ cựu tại công ty dịch vụ tài chính Monex Group, vẫn cho rằng việc điều chỉnh đồng yên và đóng giao dịch carry trade là những diễn biến tích cực đối với Nhật Bản.

"Điều này buộc các nhà đầu tư phải tập trung vào chiến lược thực sự của Nhật Bản… không chỉ là giao dịch chênh lệch lãi suất nhanh chóng, vay với lãi suất gần bằng 0 tại Nhật Bản và đầu tư vào các tài sản có rủi ro cao", ông Koll, giám đốc chuyên môn tại Monex Group, bình luận trên đài CNBC.

Giao dịch carry trade ăn chênh lệch lãi suất đồng yên bắt đầu ngưng trệ vào tuần trước, khi động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào cuối tháng 7 đã củng cố đồng yên và dẫn đến đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

"Tôi thực sự nghĩ rằng đợt điều chỉnh lớn và dữ dội mà chúng ta đã trải qua vào tuần trước thực sự khá lành mạnh", ông Koll nhận định, đồng thời cho rằng sự suy yếu của đồng yên là nguyên nhân khiến chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục.

"Việc định giá tiền là đúng đắn. Để có một nền kinh tế hoạt động với lãi suất bằng 0, để có một nền kinh tế mà ngân hàng trung ương thống trị việc mua nợ chính phủ, thì đó không phải là chủ nghĩa tư bản vận động theo cách thường thấy", ông Koll bình luận.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ-yên đã "quá chậm trễ" và có thể mang đến điều "lành mạnh" đối với thị trường.

Theo ông Koll, có khả năng tới 75% giao dịch carry trade sử dụng đồng yên có thể đã bị gỡ bỏ, mặc dù tổng quy mô của giao dịch carry trade vẫn chưa được xác định một cách đáng tin cậy.

Sau những mất mát lịch sử vào đầu tuần trước, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng tới 3% trong phiên giao dịch 13/8.

Ông Koll cho rằng không hẳn vì động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, các thị trường tài chính bị hoảng loạn hơn vì lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh cứng" thay vì hạ cánh mềm như kỳ vọng, cùng với sự sụt giảm của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm.

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Shinichi Uchida, cho biết trước sự biến động toàn cầu, cơ quan này cần duy trì nới lỏng tiền tệ với lãi suất chính sách hiện tại.

Tuy nhiên, bản tóm tắt cuộc họp chính sách tiền tệ cuối tháng 7 của Ngân hàng Trung ương Nhật được công bố một ngày sau tuyên bố của ông Uchida lại cho biết các quan chức tiền tệ Nhật Bản sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa.

Ông Koll dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ không thận trọng quá lâu và sẽ sớm tiếp tục bình thường hóa lãi suất, với lãi suất cơ bản có khả năng đạt khoảng 1,5% vào thời điểm này của năm tới.

Điều này sẽ giúp chuyển trọng tâm từ "nền kinh tế bong bóng" do lãi suất gần bằng 0 trước đây của Nhật Bản gây ra sang nền kinh tế hướng về trong nước. Thật vậy, việc tái cấu trúc doanh nghiệp và tăng trưởng bền vững về tiền lương thực tế tạo nên triển vọng lạc quan cho nền kinh tế Nhật Bản, theo ông Koll.

Tiền lương thực tế tại Nhật Bản tăng 1,1% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên tiền lương tăng trong 26 tháng qua.

Tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30-31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định nâng lãi suất qua đêm không thế chấp lên 0,25%, từ mức từ 0 - 0,1%, theo tờ Nikkei Asia. Đây là lần thứ hai cơ quan tiền tệ Nhật Bản tăng lãi suất trong năm nay sau lần đầu tiên vào ngày 19/3 khi họ dỡ bỏ chính sách lãi suất âm, chấm dứt mua cổ phiếu và kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu.
Citi cảnh báo rủi ro khi Nhật Bản can thiệp bảo vệ đồng yên
Các nhà phân tích tại Citigroup lưu ý rằng, chính quyền Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ và bán đồng tiền chung châu Âu nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư