Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đồng loạt tiêu thụ xăng E5 ở 7 tỉnh, thành phố
Hoàng Minh - 21/11/2014 10:44
 
Từ ngày 1/12/2014, xăng E5 RON 92 sẽ được tiêu thụ ở 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cuối năm 2015 sẽ lưu hành xăng E5 trên toàn quốc
“Sờ gáy” 3 dự án ethanol của PVN
Bộ Công thương nhắc nhở PVN dùng hàng nội
Bình Phước: Xây nhà máy ethanol ngàn tỷ rồi đắp chiếu
Hệ thống phân phối bóp nghẹt xăng sinh học E5

Ra quân đồng loạt

Theo báo cáo của Bộ Công thương với Chính phủ trong cuộc họp kiểm điểm tình hình chuẩn bị tiêu thụ xăng E5 RON 92 mới đây, các địa phương và doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đã và đang tích cực chủ động đưa xăng E5 RON 92 vào lưu thông rộng rãi trên thị trường.

  Đồng loạt tiêu thụ xăng E5 ở 7 tỉnh, thành phố  
  Việc tuyên truyền, quảng bá sử dụng xăng E5 RON 92 đã được thực hiện khá bài bản tại nhiều địa phương trên cả nước   

Tại Quảng Ngãi, xăng E5 bắt đầu được bán rộng rãi từ tháng 7/2014, trước 6 tháng so với lộ trình và tới đầu tháng 9/2014, toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai phân phối xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng (sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch) RON 92. Sản lượng phân phối đến nay đạt hơn 12.000 m3.

Đà Nẵng, địa phương gần với nguồn cung cấp xăng E5 RON 92 cũng đã học tập kinh nghiệm của Quảng Ngãi để có kế hoạch thay thế dần, không bị gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Đặc biệt, Quảng Nam, địa phương không nằm trong diện phổ cập xăng E5 RON 92 như Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống công bố, nhưng do nằm kề với Quảng Ngãi - nơi có nguồn cung cấp xăng E5, nên cũng đã quyết định thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 từ ngày 1/12/2014.

Để phục vụ cho việc phổ cập xăng E5 từ ngày 1/12/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị có đầu tư các nhà máy nhiên liệu sinh học tại Quảng Ngãi và Bình Phước - cũng đã sẵn sàng đảm bảo nguồn cung ethanol cho thị trường. Công suất của 2 nhà máy này hiện là 200.000 m3 ethanol/năm, đảm bảo phối trộn khoảng 4 triệu m3 xăng E5 ra thị trường.

Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), một công ty thành viên của PVN có 276 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống đã sẵn sàng bán xăng E5 tại 52 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đại diện PVOil cho biết, có 5 trạm pha chế theo mẻ đặt tại kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Thắng Nhất (Vũng Tàu), Nhà Bè (TP.HCM), Cổ Chiên (Vĩnh Long) và 4 - 5 trạm pha chế liên tục, với tổng công suất gần 600.000 m3/năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty đầu mối khác cũng đã nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phối trộn xăng sinh học tiên tiến và phù hợp, phê duyệt các dự án đầu tư lắp đặt hệ thống phối trộn, trang bị bồn bể, phương tiện vận chuyển tại các điểm kho, phục vụ nhu cầu tiêu thụ xăng E5 theo đúng lộ trình của Chính phủ.

Trên thế giới, nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Philipines… đã đưa xăng sinh học vào sử dụng từ nhiều năm qua và đến nay, vẫn tiếp tục bán sản phẩm này. Thực tế tại Việt Nam, đơn vị cung cấp xăng E5 RON 92 là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã sử dụng xăng sinh học cho các loại xe siêu trường, siêu trọng chở xăng dầu của mình trong hơn 1 năm qua và không hề gặp phải bất cứ vấn đề gì về kỹ thuật.

Vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ

Cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn đều cho thấy, xăng sinh học E5 an toàn với môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia, xăng E5 giúp giảm sự phụ thuộc vào xăng khoáng, giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Nếu tăng lượng sử dụng xăng E5 lên quy mô cả nước và sau đó, lên mức 10%, sẽ giảm được 10% lượng xăng khoáng, tương ứng với nhiều triệu USD bỏ ra để nhập khẩu xăng hàng năm.

Hiện tại, Mỹ là nước xuất khẩu ethanol lớn nhất thế giới và tỷ lệ phối trộn ethanol trung bình trên cả nước Mỹ là 8-8,5%. Còn tại Brazil, sản xuất ethanol chủ yếu từ mía, có giá rất rẻ và được phối trộn hàng loạt. Brazil cũng không quy định tỷ lệ bắt buộc phối trộn ethanol, nhưng quy định tối thiểu 25% và các công ty có thể tăng lên 26% hoặc cao hơn nữa. Tại Thái Lan, nhiên liệu sinh học hiện cũng là lựa chọn duy nhất cho người tiêu dùng và  đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sử dụng ethanol toàn thế giới.

Kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Philippines, đặc biệt là Thái Lan từ những năm 2000 đã sử dụng xăng E5, tới năm 2005 đã chuyển sang xăng E10 cũng cho thấy, phải có hệ thống hành lang pháp lý (tiêu chuẩn, chất lượng, hệ thống quản lý, tiêu chuẩn ngành) những công bố tiêu chuẩn quốc gia về xăng E5, về hệ thống tàng trữ phân phối và các quy chuẩn kèm theo. Tiếp theo, cần tới các chính sách về ưu đãi, chính sách để thúc đẩy quá trình sản xuất cũng như phân phối và kinh doanh.

Ở một khía cạnh khác, việc phổ cập xăng E5 tới người sử dụng vẫn còn gặp những trở ngại nhất định.

Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc BSR nhận xét, nhiều người tiêu dùng còn chưa biết, chưa hiểu và nghi ngại về độ an toàn và cho rằng, động cơ, máy móc có thể hao mòn do xăng sinh học gây nên.

Bởi vậy, khi kiểm điểm việc triển khai lộ trình áp dụng xăng E5 đầu tháng 11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận định, trong khi thời hạn thực hiện từ  ngày 1/12/2014 là rất gấp, thì công tác tuyên truyền mới chỉ tập trung thực hiện ở một số địa phương có quan tâm; còn chương trình tuyên truyền bài bản, rộng khắp trên toàn quốc chưa được triển khai; một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai tiêu thụ xăng E5…

Cũng để xăng E5 không gặp phải sự kỳ thị và được sử dụng nhiều trong cộng đồng theo lộ trình đã định, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về quản lý sản xuất, bảo quản, vận chuyển và phân phối xăng nhiên liệu sinh học (xăng E5, E10), bảo đảm cho việc thực hiện đúng lộ trình. Đồng thời, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính công bố phương án giá sản phẩm xăng sinh học để các đơn vị liên quan chủ động tính toán phương án kinh doanh và phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư