Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 3: Động lực cải cách trong thế khó
Khánh An - 15/07/2023 08:25
 
Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là một nan đề, nhưng cũng có thể là động lực cho những xoay chuyển mang tính cải cách, đột phá của cả nền kinh tế.

Tác động tiêu cực và quá lớn, khó dự báo của các “cơn gió ngược” từ thị trường, cả quốc tế và trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp liêu xiêu, đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính lúc này, chỉ cần có những quyết định “vì nhu cầu phải sống” của doanh nghiệp, tình thế sẽ xoay chuyển rất nhanh.

Chỉ đầu tư ngân sách tăng, còn đầu tư khác có xu hướng giảm và thấp. Ảnh: Đức Thanh; Đồ họa: Thanh Huyền

Bài 3: Động lực cải cách trong thế khó

Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là một nan đề, nhưng cũng có thể là động lực cho những xoay chuyển mang tính cải cách, đột phá của cả nền kinh tế.

Chọn đầu bài khó

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn được Chính phủ xác định là 6,5%, giữ nguyên như chỉ tiêu Quốc hội giao, dù có khá nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh. Thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rõ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, diễn ra vào đầu tháng 7/2023.

Để đạt được mục tiêu này, theo kịch bản cập nhật trình Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4% và quý IV đạt 10,3%. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam phải cán mốc 8,9%.

Trong bối cảnh hiện tại, không chỉ giới chuyên gia kinh tế, mà chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ cũng khẳng định, các con số trên đều rất cao, vô cùng thách thức, nhất là khi kinh tế toàn cầu còn bất định, chưa thể sớm phục hồi.

Mới đây, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số 4,7%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo 6% so với mức 6,5% trước đó. Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng dừng ở 5 - 5,5%.

Không quá khó để nhận diện những thách thức. Việc xác định các công việc phải làm để đạt mục tiêu trên cũng tương tự, đã được giới chuyên gia kinh tế đưa ra từ sớm. Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiếp tục có những hình dung khá chi tiết về các giả thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% hay 6,46% trong kịch bản cao nhất của CIEM.

Đó là bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn; sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam thực chất hơn, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư (của cả khu vực tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài) theo hướng hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhắc đến các yêu cầu thuộc hàng tiên quyết, như xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17% so với năm 2022; Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với cải cách mạnh mẽ, hiệu quả môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động...

Bắt đầu nhìn sát vào sự thật

Độ khó của đầu bài và cả hệ thống giải pháp dường như đang tăng lên. Thậm chí, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhất với nền kinh tế Việt Nam hơn 30 năm qua. “Khó khăn càng đè nặng hơn khi chưa tìm thấy lối ra. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với thực tế. Tôi nói điều này dựa trên hơn 30 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm của kinh tế Việt Nam”, TS. Cung thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Trong tính toán của ông Cung, các yếu tố tạo nên tăng trưởng đều đang không hậu thuẫn cho việc giải bài toán tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp giảm mạnh. Tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bao giờ xuống số âm, thấp như hiện nay. Tiêu dùng trong nước cũng giảm sau khi là điểm sáng của 2 quý đầu năm.

Để có tăng trưởng cao các tháng cuối năm, nền kinh tế cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải tăng... Nhưng thời điểm này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ có đầu tư từ ngân sách có tín hiệu tích cực đôi chút. “Việc tăng đầu tư tư nhân vào lúc này gần như không thể do tâm thế đang bi quan, nếu không có giải pháp thực sự tạo nên sự xoay chuyển, nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật như những năm 80 của thế kỷ trước”, ông Cung nói.

Nhìn lại, trong hoàn cảnh tương tự, gần nhất là khi chịu tác động rất lớn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà ông Cung nhắc tới, kinh tế Việt Nam đã bộc lộ sự tới hạn của mô hình tăng trưởng cũ, dựa trên chiều rộng, dựa chủ yếu vào vốn, lao động giá rẻ... Sự đổ vỡ của Vinashin là giọt nước tràn ly của tư duy đầu tư dàn trải, dễ dãi của khu vực doanh nghiệp nhà nước và tâm lý đầu cơ lan rộng thị trường, lấn át hoạt động sản xuất, kinh doanh thực.

Ngay khi đó, xuất hiện những đề xuất đầu tiên về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa nhiều hơn vào năng suất, hiệu quả và chất lượng, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh xuất hiện.

Nhưng phải mất tới 2 năm với vô vàn tranh luận nảy lửa, đầu năm 2013, Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó 1 năm, Nghị quyết 19/NQ-CP đầu tiên của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh ra đời.

Đến giờ, nhắc lại thời điểm này, ông Cung vẫn tin rằng, chính quyết định chấp nhận đặt cải cách của Việt Nam bên cạnh các nền kinh tế trên thế giới, sử dụng thước đo chung với quốc tế để so sánh và phấn đấu đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong môi trường kinh doanh Việt Nam những năm sau và đến cả hiện tại.

“Tình trạng giấy phép con chấm dứt, 6.000 điều kiện kinh doanh được công khai, cắt giảm hơn 50%. Chi phí kinh doanh giảm mạnh. Quan trọng là niềm tin kinh doanh trở lại. Năm 2014 là năm tăng trưởng của nền kinh tế bắt đầu trở lại mức 6,42% và duy trì khoảng 7% trong 5 năm tiếp theo”, ông Cung nhìn lại.

Thời điểm này, theo đánh giá sơ bộ của CIEM khi thực hiện rà soát, đánh giá cải cách về điều kiện kinh doanh và nỗ lực cải cách, thì kết quả không chuyển biến so với thời điểm 2019. Đặc biệt, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trích dẫn kết quả từ cuộc khảo soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với trên 10.000 doanh nghiệp rằng, có tới 60,1% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. “Câu hỏi mà chúng tôi buộc phải đặt ra là các kế hoạch cải cách mà các bộ, ngành đang làm liệu có thực chất, đã thực sự cải cách”, bà Thảo nói.

Động lực từ thế khó

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng tình với quyết định giữ mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của Chính phủ. “Ngay cả khi thấy rất khó, cũng cần giữ mục tiêu để phấn đấu, tránh theo chủ nghĩa thành tích là hạ để dễ đạt, nhưng sẽ khiến động lực cho sự phấn đấu, cải cách yếu đi. Lần này, việc giữ mục tiêu trong thế khó hướng tới động lực cải cách rất mạnh”, TS. Thiên nhận định.

Nhưng chính vì đặt vấn đề như vậy, ông Thiên tiếp tục bảo vệ quan điểm cần nhận diện lại cấu trúc của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế thực, quan hệ nội lực và ngoại lực mà ông theo đuổi nhiều năm qua. Theo ông, cần nhận diện nghiêm túc vấn đề thể chế, không thể cơi nới chính sách, cần có giải pháp khác thường, thực thi được, đi sâu vào cấu trúc thể chế.

“Thời điểm này, các điểm yếu đang lộ rõ hơn, dễ nhìn thấy, vì sức khoẻ nền kinh tế, doanh nghiệp đang yếu, lại phải đối diện với gió to, nhất là gió độc”, ông Thiên đặt vấn đề rất lớn, song bắt nguồn từ nhu cầu sống động của doanh nghiệp, đó là hỗ trợ gì và như thế nào.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, lãi suất bắt đầu giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng thấp, tiền vẫn trong ngân hàng. Ông Thiên cho rằng, giảm lãi suất, doanh nghiệp chỉ được giảm 0,5 - 1%, cao là 2%/năm, nhưng nếu giảm thời gian thực hiện dự án 1 năm, doanh nghiệp giảm tới 12 - 13% số tiền trả lãi vay của năm đó. Như vậy, việc giảm thời hạn thực hiện dự án có lợi và an toàn cho doanh nghiệp hơn so với việc giảm lãi suất.

“Vấn đề là cấu trúc thị trường tài chính và vận hành của bộ máy hành chính, quản lý nhà nước phải đảm bảo các dự án vận hành thông suốt. Đây là yếu tố quyết định để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu không, kể cả doanh nghiệp có năng lực rất tốt cũng không lớn được”, ông Thiên chia sẻ.

Trong các kịch bản mà CIEM đưa ra, ở kịch bản 2, với mức tăng trưởng năm 2023 là 5,72%, các giải pháp được giả thiết là tập trung vào nới lỏng tài khóa và tiền tệ với kịch bản thấp nhất là 5,34%, nhưng không có thay đổi đáng kể về cải thiện các quy định về môi trường kinh doanh, cải cách thể chế nhằm mở rộng không gian kinh tế và năng suất lao động. Ở kịch bản 3, tốc độ tăng GDP gần nhất với mục tiêu, là 6,46%, các chuyên gia phân tích, điểm khác biệt quan trọng là sự cải thiện đáng kể đối với niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhờ cải cách mạnh mẽ.

Thực tế của nhiều nền kinh tế trên thế giới cho thấy, các yếu tố đột phá giúp tăng trưởng nhanh đều gắn với cải cách, đổi mới sáng tạo. Nếu Việt Nam dành ưu tiên cho vấn đề này, không chỉ cải thiện tốc độ tăng trưởng của năm, của nhiệm kỳ, mà tăng trưởng dài hạn sẽ thay đổi cả về chất và lượng.

Còn trong lúc này, nếu vì bất cứ lý do gì mà để doanh nghiệp không mạnh lên, không lớn lên, thì không thể nói có ổn định vĩ mô được, càng khó có thể nói đến tăng trưởng nhanh và bền vững.

Sẽ có nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn tất Dự thảo Nghị quyết về cải thiện trường môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để trình Chính phủ trong tháng 9/2023. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về Nghị quyết riêng về cải thiện trường môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Như vậy, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc khôi phục lại nghị quyết riêng về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được Chính phủ chấp nhận. Thông tin điều này tới đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thêm, sẽ kiến nghị thành lập Tổ công tác đi cùng với các bộ, ngành, thúc đẩy thực hiện hiệu quả nghị quyết này.

Đầu năm nay, sau 9 năm có nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nội dung này đã được lồng ghép trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

(Còn tiếp)

Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 2: Những bức bách từ nhu cầu phải sống
Việc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không chỉ vì đòi hỏi của một vài người dân, doanh nghiệp, mà chính là vì nhu cầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư