Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 2: Những bức bách từ nhu cầu phải sống
Khánh An - 13/07/2023 08:22
 
Việc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không chỉ vì đòi hỏi của một vài người dân, doanh nghiệp, mà chính là vì nhu cầu phải sống, phải phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Tác động tiêu cực và quá lớn, khó dự báo của các “cơn gió ngược” từ thị trường, cả quốc tế và trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp liêu xiêu, đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính lúc này, chỉ cần có những quyết định “vì nhu cầu phải sống” của doanh nghiệp, tình thế sẽ xoay chuyển rất nhanh.

Gần một năm qua, các doanh nghiệp thép không gỉ đã gửi nhiều đơn kiến nghị, nhưng chưa nhận được phản hồi nào

Bài 2: Những bức bách từ nhu cầu phải sống

Việc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không chỉ vì đòi hỏi của một vài người dân, doanh nghiệp, mà chính là vì nhu cầu phải sống, phải phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Nhu cầu “phải sống”...

“Nhiều nhà máy của chúng tôi đã giảm tới 50% công suất, 20% doanh thu. Lương cho công nhân có tay nghề chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu giờ chúng tôi buông xuôi, thì còn mất cả thị trường”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ (inox)  trăn trở khi được hỏi tại sao ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong tình thế “chông chênh” không kém các doanh nghiệp hội viên Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM với quy định về tăng cường vi chất muối hay bộ mỳ, nhóm các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh inox đã đeo đuổi kiến nghị thay đổi quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN) từ năm 2019 đến nay. Tình hình đang rất bức bách khi quy chuẩn này đã có hiệu lực trở lại vào đầu năm nay, sau 2 lần được tạm dừng hiệu lực để nghiên cứu, xem xét theo kiến nghị của doanh nghiệp.

Theo đó, các mặt hàng thép không gỉ thuộc series 200, cụ thể là 2 sản phẩm GD1 và GD2 - là sản phẩm chủ lực của nhiều doanh nghiệp trong nước đã bị cấm lưu hành, đẩy không ít doanh nghiệp vào thế hết cửa sống, chạm ngưỡng phá sản. Nhưng đây cũng là nguồn phôi để sản xuất, gia công nhiều mặt hàng gia dụng, đồ nội thất..., nghĩa là cũng đang có hàng trăm nhà máy đứt nguồn cung nguyên liệu.

Đáng nói là, QCVN 20:2019/BKHCN không cấm nhập các sản phẩm hoàn thiện sử dụng loại nguyên liệu này, nghĩa là thị trường trong nước gần như đang được trao cho các nhà sản xuất ngoại, chủ yếu là từ Trung Quốc. “Công lao của nhiều doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng, phát triển công nghệ, sản xuất và thương hiệu có nguy cơ… đổ sông, đổ biển”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên ấm ức.

Cũng phải nhắc lại, các doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều lần về tình trạng này, cũng như báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ rằng, trên thế giới, chưa quốc gia nào ban hành quy chuẩn cho sản phẩm này. Thậm chí, các doanh nghiệp đã góp công, góp của để kiến nghị Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam căn cứ trên các văn bản liên quan tiến hành nghiên cứu, đánh giá sản phẩm này có phải là thép không gỉ như quy định của các tổ chức quốc tế hay không.

“Tháng 8/2022, chúng tôi đã nhận được kết quả, xác định sản phẩm đó có tính chất của thép không gỉ và phù hơp với các quy định trên thế giới”, đại diện doanh nghiệp giải trình chi tiết. Ông cũng nói, việc xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm thép không gỉ đã được Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam hoàn tất, với sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp...

Nhưng gần 1 năm qua, gửi nhiều đơn kiến nghị, đề xuất với các kết quả nghiên cứu khoa học được thực hiện đúng quy trình, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Đây là lý do của lá đơn gửi người đứng đầu Chính phủ vào đầu tháng 6 vừa qua của 27 doanh nghiệp sản xuất inox. Kiến nghị của các doanh nghiệp rất rõ, hủy bỏ QCVN20:2019/BKHCN để nguồn phôi thép không gỉ được phép lưu thông hoặc ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm thép này trong thời gian nhanh nhất.

Rất có thể, đây chưa phải là lá đơn cuối cùng, với cả doanh nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp ngành inox hay các ngành khác, nếu các kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải đáp thỏa đáng, phù hợp với thực tiễn.

...Không chỉ của doanh nghiệp

Không khó để nhìn ra mối tương quan giữa sự phát triển của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, của từng địa phương. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, mối tương quan này trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê về tốc độ tăng trưởng GRDP của 63 tỉnh, thành phố, có sự không đồng đều về tốc độ tăng trưởng ở các trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp. Trong khi Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước, thì địa phương lân cận là Bắc Ninh lại “đội sổ”, với mức giảm 12,59%; Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nằm trong nhóm 4 địa phương suy giảm, Vĩnh Phúc đứng thứ 8 từ dưới lên...

“Khi làm việc với lãnh đạo nhiều địa phương, dường như tôi đã tìm được một phần câu trả lời cho câu hỏi tại sao có sự phân hóa này khi bối cảnh khó khăn là... của chung. Nhiều vị lãnh đạo như ngồi trên đống lửa khi doanh nghiệp đình trệ, ách tắc, đôn đáo tìm cách tháo gỡ, kể cả các đề xuất chính phân cấp mạnh hơn để địa phương làm và chịu trách nhiệm”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.

Có thể thấy rõ điểm rất mới này khi nhìn vào các ý kiến phản hồi văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp cuối tháng 5/2023, để nhận diện các bất cập, khó khăn của môi trường kinh doanh. Tính đến cuối tháng 6/2023, có 38 địa phương phản hồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) - người trực tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến, trước đây, các ý kiến phản hồi về khó khăn của môi trường kinh doanh thường chỉ từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Nhưng lần này, các địa phương có rất nhiều ý kiến đồng nhất với thực tiễn từ doanh nghiệp, đó là mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên - môi trường, xây dựng, các phát sinh trong tuân thủ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Động thái này có vẻ ngược với xu hướng có phần sao nhãng, nhiều khi là né tránh trong cải cách thể chế và môi trường kinh doanh của một số bộ, ngành gần đây. Kết quả rà soát ban đầu ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện tiếp tục ghi nhận sự ra đời của nhiều văn bản, quy định mới nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, đẻ thêm quy trình, thủ tục thiếu minh bạch, công khai thông tin, đẩy chi phí tuân thủ lên cao.

Thậm chí, có ngành nghề không có trong Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng cơ quan quản lý nhà nước liên quan vẫn ban hành điều kiện kinh doanh... “Có thể những rào cản trong môi trường kinh doanh không chỉ gây khó cho doanh nghiệp, mà đang gây khó cho cả cơ quan quản lý, các cấp thực thi ở địa phương, cản trở không nhỏ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của các cấp chính quyền”, bà Thảo nhận định.

Trong bối cảnh khó khăn tiếp tục cộng gộp từ tác động tiêu cực của Covid-19, tình hình địa chính trị thế giới phức tạp, thì việc ban hành và áp dụng các quy định thiếu khoa học và thực tiễn, không hợp lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã bồi thêm thương tích cho cả doanh nghiệp, kinh tế các địa phương và nền kinh tế.

Nhiều thách thức mới xuất hiện

Trong khi đơn hàng, tiếp cận vốn tiếp tục là những khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp, thì các yếu tố đang trì hoãn, làm khó sản xuất - kinh doanh kế tiếp được nhắc đến là hàng loạt vướng mắc mà doanh nghiệp đã kiến nghị suốt thời gian dài, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Có thể nhắc lại quy định phòng cháy, chữa cháy; thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thuế giá trị gia tăng; các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp, làm gia tăng chi phí và rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu đã nhìn thấy, vòng vây khó khăn của doanh nghiệp đang thêm “nhiều lớp”. Đặc biệt, những thách thức mới từ những thay đổi nhanh chưa từng có trong chính sách thương mại toàn cầu, như cơ chế đánh thuế CO2, các tiêu chí xanh, giảm phát thải đối với hàng xuất khẩu...

“Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự dồi dào đơn hàng dệt may của Bangladesh do nhanh chân xanh hóa chuỗi cung ứng, sự chững lại trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong tăng trưởng của một số trung tâm sản xuất công nghiệp để thấy áp lực cạnh tranh cả trước mắt và dài hạn của doanh nghiệp, của các trung tâm sản xuất công nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam trước xu thế mới. Lúc này, doanh nghiệp không chỉ cần hỗ trợ gỡ khó cũ, mà cần có cơ chế hỗ trợ thúc đẩy chuyển dịch theo yêu cầu mới”, ông Hiếu phân tích.

Các bài toán cần giải là định nghĩa nhất quán về thương mại xanh, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để đáp ứng các yêu cầu về tiêu dùng mới đã và đang có mặt trong các đơn hàng xuất khẩu tới EU, Mỹ, Nhật ngay trong năm tới. Việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cũng không thể chậm trễ khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên liên tục kết nạp thành viên mới, ưu thế của người đi trước dần mờ đi trong khi các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng.

Nhưng giải quyết dứt điểm và đồng thời các thách thức mới - cũ đan xen này không dễ dàng, càng không thể bằng cách vận dụng cách thức, tư duy theo thói quen...

            (Còn tiếp)

Tìm lại động lực cải cách cho đội ngũ thực thi
Môi trường kinh doanh Việt Nam đang trông vào sự trở lại năng động của lãnh đạo và chính quyền địa phương, các bộ, ngành, để thúc đẩy sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư