Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tìm lại động lực cải cách cho đội ngũ thực thi
Môi trường kinh doanh Việt Nam đang trông vào sự trở lại năng động của lãnh đạo và chính quyền địa phương, các bộ, ngành, để thúc đẩy sự sáng tạo của giới kinh doanh.
Đồ họa: Thanh Huyền

1.

Đã có bao giờ chúng ta hỏi, tại sao các doanh nghiệp, người dân và thậm chí, cả công chức thực thi cứ phải chờ thông tư hướng dẫn rồi mới thực hiện các quy định của pháp luật không?

Với tôi, theo dõi, phân tích, đánh giá những chuyển động của môi trường kinh doanh đã trở thành thói quen thường ngày trong hơn 30 năm qua, kể từ khi nhận nhiệm vụ tham gia thiết kế các văn bản luật đầu tiên liên quan đến doanh nghiệp.

Nhưng, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được sự căn vặn từ nhiều doanh nghiệp rằng, phải chăng, có những cái bẫy trong quy định, khiến nhiều dự án có thể đang từ khả thi trở thành kém hiệu quả, thậm chí khiến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp có thể bị giảm, bị thu hẹp lại so với tinh thần của luật.

Một số doanh nghiệp hỏi tôi đã đọc Nghị định 49/2021/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội chưa, có phải là cố tình làm khó doanh nghiệp không?

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha, thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội; hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội; hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Nhưng khi Nghị định 49/2021/NĐ-CP được ban hành, thì chỉ có dự án có quy mô nhỏ hơn 2 ha (thay vì trước đây dưới 10 ha) mới được phép nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Hệ quả là, ngoài việc thu hẹp chọn lựa áp dụng hình thức thực hiện nghĩa vụ dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, thu hẹp cơ hội đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, thì các dự án có sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha, đang trong quá trình chuẩn bị sẽ phải điều chỉnh lại toàn bộ phương án kinh doanh và trở lại làm thủ tục từ đầu như một dự án mới.

Các doanh nghiệp hỏi tôi, 2 ha hay 10 ha ở các quy định trên là tính toán thế nào? Sau này, rất có thể, một con số khác được sử dụng để lựa chọn cách thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội và doanh nghiệp làm sao để dự liệu được? Tôi không trả lời được.

2.

Việc doanh nghiệp, người dân đợi bằng được các thông tư hướng dẫn của các bộ ban hành mới bắt tay vào thực thi luật không phải là vấn đề mới. Nguyên nhân cũng được chỉ ra nhiều lần. Đó là cách doanh nghiệp, người dân ứng xử để giảm thiểu rủi ro trong tuân thủ pháp luật khi tình trạng chồng chéo, trùng lặp, hay thay đổi… về nội dung cũng như số lượng quy định diễn ra quá nhiều.

Song, chính vì ít được bàn luận, trao đổi trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách, nên thực trạng và tác động bất lợi của nó đối với môi trường kinh doanh nói chung và hoạt động đầu tư, kinh doanh nói riêng chưa có nhận thức đầy đủ.

Hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm các loại văn bản là luật và nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của các bộ, trong đó có thông tư liên bộ.

Những nỗ lực đảo ngược xu thế thụ động, tìm kiếm sự an toàn cho cá nhân, hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương của một số không nhỏ lãnh đạo và chính quyền địa phương là việc cấp bách cần làm ngay.

Như vậy, người dân và doanh nghiệp trong hoạt động hàng ngày phải tuân thủ không chỉ luật, mà cả nghị định và thông tư hướng dẫn có liên quan. Ví dụ, Luật Xây dựng có 11 nghị định và 44 thông tư hướng dẫn thi hành; Luật Giao thông đường bộ có 16 nghị định và 18 thông tư hướng dẫn thi hành; Luật Đất đai 2013 có 13 nghị định và 12 thông tư (còn hiệu lực) hướng dẫn thi hành; Luật Thuế thu nhập cá nhân có 2 nghị định và 13 quyết định, thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành... Cá biệt, có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trong cơ cấu hệ thống pháp luật nói trên, thì luật chỉ có hiệu lực đầy đủ khi ban hành đầy đủ tất cả nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Nhưng, thực tế phổ biến là nghị định hướng dẫn thi hành thường được ban hành sau vài tháng, thậm chí hàng năm; thông tư hướng dẫn thi hành nghị định còn chậm hơn nữa.

Đối với trường hợp luật bổ sung, sửa đổi, khi nghị định, thông tư mới chưa được ban hành, thì các nghị định, thông tư hướng dẫn luật (đã bị thay thế) vẫn có hiệu lực thi hành. Có trường hợp, luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực thi hành, nhưng nhiều năm sau, các văn bản hướng dẫn luật đó vẫn được thi hành, cơ quan nhà nưóc có thẩm quyền vẫn không tuyên hết hiệu lực đối với văn bản đó, như trường hợp Pháp lệnh Bưu chính đã được thay thế bởi Luật Bưu chính…

Đặc biệt, có sự tuỳ nghi và thiếu nhất quán trong hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị định; sửa đổi lần sau thường thắt lại, làm giảm, thu hẹp, thậm chí làm mất cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Hiện trạng này không chỉ cho thấy độ trễ của chính sách, pháp luật hiện nay khá dài, làm giảm đáng kể hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật, mà đáng nói hơn, chúng là nguyên nhân làm tăng thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, tạo ra rủi ro pháp lý cho cả người thực thi và tuân thủ pháp luật.

Càng nhiều văn bản, nhất là thông tư, hướng dẫn, thì càng xa “thần linh” pháp quyền. Pháp luật được thực thi bởi hành chính dẫn dắt hơn là bởi ý chí của người dân và các chủ thể pháp lý khác. Nguy cơ vô tình không tuân thủ đúng luật pháp là khá lớn, ngay cả đối với những người có ý thức đầy đủ về tuân thủ pháp luật.

3.

Phải nói rõ, tuân thủ pháp luật được coi là tiêu chí hàng đầu của liêm chính và đạo đức kinh doanh của giới doanh nghiệp, cũng là cơ sở để công chức đảm bảo sự minh bạch, công bằng và thuận lợi trong giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Khi việc tuân thủ trở nên quá khó khăn, thậm chí là quá rủi ro, thì động lực sáng tạo và dấn thân để tìm kiếm cơ hội phát triển của cả khu vực doanh nghiệp và công chức đều giảm.

Thử hỏi, với quy định của Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế rằng, giá thiết bị y tế (tức là giá muốn mua của thiết bị) không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại (nếu giá cao hơn, phải giải trình nguyên nhân), thì việc tuân thủ sẽ thực hiện thế nào ở cả góc độ doanh nghiệp và đơn vị khám chữa bệnh?

Vì trên thực tế, cùng một loại thiết bị có rất nhiều mặt hàng, nhiều nhà phân phối và tại các thời điểm khác nhau, thì giá cả không giống nhau. Đơn vị khám chữa bệnh không biết lấy giá nào cho phù hợp. Nếu lấy giá thấp, thì không bên nào tham gia đấu thầu, mà lấy giá cao hơn thì làm trái quy định của pháp luật.

Điều phi lý ở chỗ, nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng đổ lại, thì mặc nhiên, giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước. Đến một thời điểm nào đó, giá của hàng hóa sẽ về số 0, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận (!?)…

Những vấn đề nổi lên như trình bày trên đây trong môi trường kinh doanh Việt Nam không phải là mới. Tình trạng “luật ống”, “luật khung” đã tồn tại hàng thập kỷ, nhưng chưa có giải pháp khắc phục một cách cơ bản.

Lực lượng kháng cự lại cải cách nói chung, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng luôn song hành cùng xu thế cải cách sẽ nổi lên một cách mạnh mẽ một khi quyết tâm chính trị và nỗ lực cải cách không được duy trì đủ mạnh và bền vững. Chính quyền địa phương mất đi những cách làm sáng tạo, linh hoạt; mất động lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề chưa từng có trước đây và thực sự rất đáng lo ngại. Bởi vì, lịch sử cho thấy, một phần đáng kể các sáng kiến cải cách kinh tế ở Việt Nam đã xuất phát từ những thực tiễn tốt và sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và chính quyền địa phương. Mà phát triển kinh tế địa phương là động lực chính cho phát triển kinh tế quốc gia.

Vì vậy, những nỗ lực đảo ngược xu thế thụ động, tìm kiếm sự an toàn cho cá nhân, hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương của một số không nhỏ lãnh đạo và chính quyền địa phương là việc cấp bách cần làm ngay.

Một vài bộ, ngành không thể cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ phải đi vào thực chất, hỗ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư