Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Động lực mới từ quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030
Động lực tăng trưởng của Hải Phòng nhìn từ quy hoạch chung
Thanh Sơn - 15/12/2022 19:45
 
Với nhiều tiềm năng, lợi thế và tư duy năng động của lãnh đạo, Hải Phòng đang hướng tới trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng

Nhiều dư địa cho phát triển

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, TP. Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, Hải Phòng đã khẳng định được vai trò là thành phố đầu tàu kinh tế, là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa chính ra biển Đông của khu vực Bắc bộ, kết nối với quốc tế.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, nhất là hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình đường và cầu lớn như cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Rào... và các cầu trên hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh như cầu Dinh, Quang Thanh, Sông Hóa... Các công trình giao thông lớn này không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ, mà còn tăng tính kết nối vùng.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, có thể thấy, kinh tế TP. Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc. Quy mô kinh tế Thành phố không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội; GRDP năm 2021 đạt 315.700 tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2005; tỷ trọng GRDP Hải Phòng trong GDP cả nước tăng từ 3,6% năm 2005 lên 4,4% năm 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, duy trì mức hơn 10%/năm và là mức tăng trưởng dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2005-2021 của Hải Phòng tăng 16,2%/năm.

Về mục tiêu phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, quy hoạch đặt ra các chỉ tiêu: tỷ trọng đóng góp GRDP của Hải Phòng vào tổng sản phẩm của cả nước đến năm 2030 phải đạt 10,9 - 11,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,5 - 14,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt 498 - 543 triệu đồng (giá hiện hành); kinh tế số chiếm 35% GRDP Thành phố; tỷ lệ đô thị hóa đạt 74 - 76%, phát triển không gian đô thị theo mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”...

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có bước phát triển mới, không gian đô thị được mở rộng; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ. Khu vực đô thị trung tâm Thành phố đã được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, như Khu đô thị Vinhomes Imperia, Vinhomes Marina, khu đô thị ven sông Lạch Tray, Trung tâm thương mại AEON Mall. Các ngõ phố, hè đường được chỉnh trang đồng bộ, hình thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại.

Không gian đô thị đã được mở rộng, phát triển về 3 hướng đột phá.

Trong đó, hướng về phía Bắc sông Cấm đã hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ, hạ tầng giao thông kết nối, các công trình lớn như Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên.

Hướng về phía Cát Bà đã hoàn thành Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast, hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại Cát Bà, 2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Hướng về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray, đã hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo Đồ Sơn.

Bên cạnh thành tựu đạt được, Hải Phòng còn một số hạn chế như chưa hoàn thành một số tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương; kế hoạch triển khai các khu đô thị mới và hạ tầng đô thị còn chậm, một số khu vực không thực hiện được theo quy hoạch chung.

Đáng nói, Hải Phòng có nhiều dự án lớn đã, đang đầu tư, vận hành khai thác, tạo động lực phát triển thành phố, nhưng chưa có trong quy hoạch chung số 1448 ngày 16/9/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; hệ thống cáp treo ra đảo Cát Bà, các khu nghỉ dưỡng tại Đồ Sơn, Cát Bà, Khu công nghiệp Tràng Duệ (giai đoạn III)... Nhu cầu thu hút đầu tư vào Hải Phòng rất lớn, nhưng nhiều đồ án quy hoạch ngành của Trung ương và địa phương trên địa bàn không còn phù hợp.

Đến ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch TP. Hải Phòng, làm căn cứ để xây dựng các công cụ quản lý đô thị và là cơ sở pháp lý triển khai các dự án đầu tư xây dựng... Do đó, việc điều chỉnh Đồ án điều chỉnh Quy hoạch TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là thực sự cần thiết. Đây là đồ án quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để định hướng phát triển đô thị thành phố trong tương lai.

Tổ hợp nút giao thông lập thể khác mức Nam Cầu Bính 	ảnh: hồng phong
Tổ hợp nút giao thông lập thể khác mức Nam Cầu Bính         Ảnh: Hồng Phong

Hoàn chỉnh quy hoạch, tạo động lực phát triển mới

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng - cơ quan thường trực giúp UBND TP. Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch - quan điểm phát triển TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030 có 3 điểm chính.

Thứ nhất, chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế độc nhất vô nhị về cảng biển của Thành phố đối với cả miền Bắc, trước hết là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, mở cửa ra bên ngoài, phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.

Thứ hai, thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng, áp dụng những cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển nhanh và hội nhập, làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, mở rộng ra các địa phương khác.

Thứ ba, việc phát triển phải đi thẳng vào một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại được lựa chọn để Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Quy hoạch thành phố là nhiệm vụ quan trọng mà Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm. Đây là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để chính quyền các cấp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố”, ông Tùng khẳng định.

Bên cạnh việc duy trì vị thế cao của lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch hướng Hải Phòng nên tập trung vào 2 khâu đột phá, gồm xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng trên nền tảng dịch vụ hàng hải và logicstics gắn với công nghiệp công nghệ cao trở thành biểu tượng phát triển mới; xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Lan Hạ - Đồ Sơn), liên kết với các tỉnh vùng duyên hải Đông Bắc bộ.

Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Thành phố sẽ có cơ hội phát triển mới, bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

Cụ thể, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích Thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước đóng góp cho ngân sách Trung ương. Chính sách về quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai. Chính sách về quản lý quy hoạch góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của Thành phố trong tương lai...

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, tại Dự thảo Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kịch bản tăng trưởng kinh tế (phương án được lựa chọn) đặt ra mức tăng trưởng bình quân 14%/năm trong suốt 10 năm. Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng phải giải quyết được 3 vấn đề lớn về nguồn lực.

Về huy động vốn, theo tính toán của Sở, nhu cầu vốn cho phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2,9 triệu tỷ đồng và cả thời kỳ 10 năm 2021 - 2030 khoảng 4,1 triệu tỷ đồng (giá hiện hành).

Về phân bổ nguồn lực đất đai, nhu cầu chuyển một phần đất nông nghiệp (hiệu quả kinh tế thấp) sang đất công nghiệp, đất làm kho bãi, bến cảng, giao thông, đất đô thị... (hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần) là rất cần thiết.

Về nguồn nhân lực, Hải Phòng đang có nguy cơ bị thiếu hụt nguồn nhân lực, nên cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Với những cơ chế đặc thù được thông qua và những giải pháp tổng thể, đồng bộ cùng với quy hoạch chung của Thành phố khi được Thủ tướng Chính phủ duyệt trong thời gian tới, TP. Hải Phòng hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng và sẽ rất phát triển.

Năm 2023, Hải Phòng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 12,7% - 13%
Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hải Phòng khóa XVI đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư