Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đồng ý trình Quốc hội thí điểm đấu giá biển số xe ô tô
Nguyễn Lê - 22/09/2022 16:48
 
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 22/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nội dung của dự thảo Nghị quyết theo đề nghị của Chính phủ có 4 chính sách khác với quy định của luật.

Cụ thể, chính sách về đấu giá biển số ô tô khác với quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Chính sách về đấu giá được thực hiện trong trường hợp có một người duy nhất đăng ký tham gia và trúng đấu giá khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 .

Chính sách về quyền sở hữu biển số xe hạn chế một số quyền cụ thể của người trúng đấu giá biển số so với nội hàm của quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Chính sách về sử dụng nguồn thu từ đấu giá theo hướng phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương khác với quy định của Luật Ngân sách nhà Như vậy, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp, Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm.

Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất 5 chính sách để thí điểm, trong đó biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký, nhưng được dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm (tuỳ thuộc vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để địa phương quy định thời gian đấu giá).

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.

Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá được xác định là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.

Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển sổ được bán cho người đó.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, dự thảo thiết kế theo hướng xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm.

Theo đó, người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển số ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Nguồn thu từ đấu giá, theo dự thảo Nghị quyết, sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Về cơ bản, các chính sách trên đều nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Pháp luật. Với chính sách về nguồn thu, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình lý giải rõ hơn sự cần thiết, mục đích của việc phân bổ cho ngân sách địa phương 30% số thu từ đấu giá biển số, bởi việc cấp quyền sử dụng và thống nhất quản lý kho số thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và cơ bản việc đấu giá do các cơ quan thuộc Bộ Công an thực hiện.

Đồng thời, ngân sách địa phương theo phân cấp đã bố trí kinh phí chi thường xuyên cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long xin rút lại quy định tại chính sách thứ 5, toàn bộ nguồn thu tập trung ở ngân sách trung ương.

100% uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022)

100% uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022). 

Chính phủ muốn thí điểm đấu giá biển số ô tô, khởi điểm 40 triệu đồng ở Vùng 1
Mức giá khởi điểm ở Vùng 1, gồm Hà Nội, TP.HCM được dự kiến là 40 triệu đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư