Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Đột phá hạ tầng giúp Đồng Nai tạo “cú hích” phát triển
Thu Hà - 15/10/2020 08:33
 
Hàng trăm tỷ đồng đã được Đồng Nai huy động đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, giúp địa phương tạo “cú hích” phát triển kinh tế - xã hội.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 4 từ phải sang) và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bấm nút khởi công Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 4 từ phải sang) và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Hạ tầng đi trước

Tháng 4/2018, tỉnh Đồng Nai chính thức thực hiện lễ thông xe hầm chui Tân Phong trên đường Đồng Khởi, TP. Biên Hòa.

Hầm chui Tân Phong là một hạng mục thuộc Dự án nút giao Tân Phong, được thiết kế bằng bê tông cốt thép dọc theo đường Đồng Khởi với phần hầm kín dài 50 m, hầm hở dài 380 m và đường dẫn 2 đầu hầm dài 220 m. Mặt cắt hầm kín gồm 2 chiều xe chạy với 4 làn xe, chiều rộng 15 m. Mặt cắt ngang hầm hở gồm 2 chiều xe chạy với 4 làn xe, chiều rộng 14 m. Vận tốc thiết kế hướng chính 60 km/h và đường gom 2 bên hầm 40 km/h. Tổng vốn đầu tư 259 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh.

Nút giao Tân Phong kết nối 4 phường có mật độ phương tiện giao thông lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cho nội ô TP. Biên Hòa.

Tại huyện Nhơn Trạch, địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất của tỉnh Đồng Nai, vào tháng 6 vừa qua, tuyến đường nối vào cảng Phước An (đoạn từ đường ĐT 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) cũng được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Lê Thành Mỹ, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch cho rằng, việc hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường nối vào cảng Phước An có ý nghĩa rất lớn về kết nối giao thông, giúp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuyến đường này cũng sẽ giúp khai thông thế bế tắc về kết nối giao thông đối với các KCN trên địa bàn.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tạo kết nối giữa Đồng Nai với TP.HCM.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tạo kết nối giữa Đồng Nai với TP.HCM.

Trong tương lai, khi dự án đường ĐT 319 hoàn thành thi công, một trục giao thông từ cảng Phước An nối thẳng đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương luôn xác định việc đầu tư hạ tầng là đầu tư cho phát triển, do đó, trong 5 năm qua, Đồng Nai đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

“Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng thông tin truyền thông... được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho tỉnh và làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hàng loạt dự án chờ “bấm nút” khởi động

Đồng Nai nằm ở vị trí cửa ngõ TP.HCM, đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bởi vậy, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho địa phương. Không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đấy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chiều dài 99 km, trong đó đoạn đi qua Đồng Nai có chiều dài hơn 51 km. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo dự kiến, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động sau 2 năm thi công.

Chỉ sau đó 2 ngày, tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến Hương lộ 2 thuộc xã Long Hưng, TP. Biên Hòa. Dự án cầu Vàm Cái Sứt có tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ) dự kiến hoàn thành xây dựng sau 18 tháng thi công.

Cầu Vàm Cái Sứt là hạng mục quan trọng trong dự án xây dựng đường Hương lộ 2 của tỉnh Đồng Nai, nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án sẽ được tỉnh khởi công trong tháng 10 này.

Theo ông Cao Tiến Dũng, khi hoàn thành xây dựng đường Hương lộ 2 sẽ kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua đó kết nối trung tâm hành chính TP. Biên Hòa với TP.HCM. “Các phương tiện giao thông có thể lưu thông theo tuyến đường này để đi từ Đồng Nai đến TP.HCM, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tỉnh Đồng Nai xác định, trong 5 năm tới, việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu đó, hàng loạt dự án hạ tầng đã sẵn sàng bấm nút để triển khai thực hiện. Một trong những dự án đó chính là dự án xây dựng siêu sân bay Long Thành.

Theo quy hoạch, khi hoàn thành, Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất của cả nước với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua (2015-2020), Đồng Nai đã huy động các nguồn lực được hơn 440.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện nay đơn vị đang đàm phán với các tổ chức quốc tế để vay vốn cho dự án xây dựng sân bay Long Thành. Về tiến độ, việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I sẽ thực hiện trong năm 2021. “Sẽ không lùi tiến độ cuối cùng của dự án sân bay Long Thành là đưa giai đoạn I vào hoạt động trong năm 2025”, ông Phiệt khẳng định.

Để đảm bảo tiến độ khởi công dự án sân bay Long Thành, gần 2  năm qua, Đồng Nai đã tập trung tối đa nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Cam kết với Chính phủ về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, ông Cao Tiến Dũng cho biết, trong tháng 10, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực ưu tiên hơn 1.800 ha để phục vụ khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I. Trong quý II/2021, Đồng Nai sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án hơn 5.000 ha cho chủ đầu tư.

Ngoài siêu dự án sân bay Long Thành, còn các dự án đường cao tốc mang tính kết nối liên vùng đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai như: Biên Hòa- Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, cùng các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 cũng sẽ được triển khai.

Ở góc độ địa phương, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện trong những năm tới như xây dựng cầu Thống Nhất, đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đường ven sông Cái… với số vốn thực hiện lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Với các dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai như là một đại công trường của cả nước.

Tạo động lực tăng trưởng mới

Việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng được Đồng Nai kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho địa phương.

Đơn cử, dự án sân bay Long Thành, sau khi hoàn thành xây dựng không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông, mà còn tạo điều kiện để phát triển mô hình thành phố sân bay.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với mô hình phát triển thành phố sân bay, sân bay Long Thành có vai trò quan trọng trong kết nối và là động lực để phát triển. “Đồng Nai phải hoàn thành quy hoạch quanh khu vực này gồm hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực. Tỉnh cũng phải đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu vực này. Xây dựng kế hoạch đầu tư công, trong đó ưu tiên tập trung cho giao thông kết nối nội tỉnh, nội vùng, liên vùng. Cần tính toán một cách bài bản cho giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tương tự, các dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và nút giao thông ngã tư Dầu Giây khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ giúp giảm tải về áp lực giao thông cho Quốc lộ 1 hiện tại. Việc hình thành các trục giao thông kết nối mới, giảm thời gian lưu thông chính là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các dự án hạ tầng, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Do đó, thời gian qua, Đồng Nai cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án.

Đồng Nai xây cầu Vàm Cái Sứt
Ngày 2/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến Hương lộ 2, thuộc xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư