Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án dầu khí khổ vì mâu thuẫn giữa Luật Dầu khí và các luật chi phối hoạt động dầu khí
Hoàng Minh - 16/08/2022 15:32
 
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tiếp tục được các chuyên gia đóng góp những kiến nghị thực tế với kỳ vọng tạo ra bước đột phá về thể chế, thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí.

Những khoảng trống cần lấp đầy

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội, Luật Dầu khí là luật chuyên ngành khó, muốn đi sâu cần phải có sự nghiên cứu kỹ, đặc biệt là có ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý trực tiếp, những doanh nghiệp trong ngành Dầu khí. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương, các cơ quan hữu quan tiếp tục tiếp thu, lấy ý kiến, đặc biệt là của các chuyên gia, viện nghiên cứu,… để giải quyết ổn thỏa tất cả các vướng mắc, khẩn trương hoàn hiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Để Luật Dầu khí khi ban hành đi vào thực tế, giải quyết được các vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí; dựa trên thực tiễn hoạt động dầu khí, cũng như thông lệ quốc tế, hiện vẫn còn một số điều mà các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư mong muốn Dự thảo Luật sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để khi ban hành Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng những kỳ vọng đặt ra.

Cụ thể như, quy định về cơ quan được phân công làm đầu mối tổ chức khai thác, sử dụng các sản phẩm của các đề án điều tra cơ bản, do vậy, có thể dẫn tới những khó khăn trong quá trình triển khai, khai thác và sử dụng các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu.

Dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ có quy định phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Do Luật Đấu thầu không có quy định điều chỉnh về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí nên cần thiết phải bổ sung quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí để đảm bảo không có khoảng trống pháp lý giữa các Luật.

Về vấn đề “Lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí”, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, theo dự thảo Luật sửa đổi dễ xảy ra xung đột với Luật Đấu thầu.

Cụ thể như, dầu khí có đặc thù là có một số lô nằm trong vùng đặc biệt không được phép đấu thầu quốc tế, mà chỉ đấu thầu hạn chế trong nước; hay việc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo thông lệ quốc tế;...

Do đó, cần thiết điều chỉnh việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí thực hiện theo quy định Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí, đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả và Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí.

Có hai hệ thống pháp luật với dự án dầu khí

Ngoài ra, rất nhiều các ý kiến góp ý về tháo gỡ những xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các văn bản luật khác.

Ví như, xung đột với Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong quy định về chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của Nhà thầu trong hợp đồng dầu khí; hay như nội dung thẩm định các báo cáo ODP, EDP, EDP phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, khó tránh khỏi có vướng mắc trong quá trình thực hiện do có sự chồng chéo/mâu thuẫn giữa hai hệ thống pháp luật khác nhau;…

Thực tế, những mâu thuẫn/chồng chéo giữa Luật Dầu khí và các văn bản luật khác diễn ra khá phổ biến trong thực tiễn.

Đơn cử tại chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh. Theo ông Vương Minh Đức - Giám đốc Kỹ thuật và An toàn sức khỏe môi trường Công ty ExxonMobil Vietnam, đây là dự án thượng nguồn, nhưng có những hoạt động, công trình dầu khí nằm ngoài diện tích hợp đồng dầu khí, đặc biệt là có những hạng mục trên bờ. Quá trình triển khai dự án đã gặp rất nhiều vấn đề do mâu thuẫn giữa Luật Dầu khí hiện hành với Luật Đất đai và Luật Xây dựng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án.

“Mặc dù có chủ trương của Chính phủ về cấp đất cho dự án sau khi phê duyệt FDP, tuy nhiên do mâu thuẫn với Luật Đất đai, dẫn đến chậm trễ trong giao đất cho dự án. Hy vọng những vấn đề chồng chéo như vậy có thể được xử lý qua Dự thảo Luật mới này”, ông Đức bày tỏ.

TS. Ngô Thường San, nguyên Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, với những phát hiện khí trữ lượng cực lớn gần đây là cơ sở để xem “khí thiên nhiên” là tài nguyên hydrocarbon tiềm năng, năng lượng sạch của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, yếu tố đặc biệt quan trọng đảm bảo cho sự thành công và hiệu quả để phát triển các mỏ khí là tính đồng bộ về thời gian, kế hoạch, trình tự hoàn thành các khâu. Hiệu quả toàn dự án là hiệu quả chuỗi. Sự chậm trễ và tính không đồng bộ, thiếu sự chỉ đạo quyết đoán từ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm mất yếu tố thời cơ, thiệt hại không đáng có.

Hiện có nhiều quy định trong các luật chi phối hoạt động dầu khí như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng cơ bản xung đột với Luật Dầu khí, thông lệ trong hoạt động dầu khí quốc tế, không phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, biến động của kinh tế chính trị - dầu khí thế giới, khu vực, hiện trạng tài nguyên dầu khí và vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, cần được giải quyết thì mới có thể thúc đẩy được hoạt động dầu khí.

Có thể thấy rằng, bên cạnh việc đề xuất bổ sung thêm các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí cho phù hợp với tình hình mới, hiện trạng tài nguyên và cạnh tranh so với khu vực thì mong muốn lớn nhất của những doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực dầu khí là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa các luật với Luật Dầu khí như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật thật sự sẽ rất khó khăn trong quá trình áp dụng, làm chậm quá trình triển khai các dự án, gây ra những thiệt hại, lãng phí không đáng có.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, vấn đề chuỗi rất đặc thù ngành dầu khí, dự án đầu tư không giống thông thường, cần có quy định, kết nối như thế nào để xử lý được các mối quan hệ, làm sao đạt được mục tiêu cuối cùng là để hợp đồng dầu khí có logic, có mạch để triển khai theo đúng tiến độ.

Còn TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, ra đời từ năm 1993 đến nay đã gần 30 năm, Luật Dầu khí hiện hành từ lần sửa đổi mới nhất năm 2008 đến nay thì hệ thống pháp luật thay đổi rất nhiều, hàng loạt các luật mới ra đời, tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn, cũng như có những khoảng trống, gây khó khăn, tắc nghẽn trong quá trình thực hiện. Bởi không có hành lang pháp lý thì không thể hoạt động được.

Cùng với đó, thực tiễn quốc tế nói chung và với ngành dầu khí thế giới cũng thay đổi rất nhiều; cộng với những đặc thù ngành dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, cần phải thể chế hóa để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư.

TS. Phan Đức Hiếu cũng chỉ ra những nhóm nội dung chính trong sửa đổi Luật Dầu khí là: Bổ sung thêm khung thể chế cho hoạt động dầu khí, cụ thể là tạo cơ chế cho các hoạt động đã diễn ra trong thực tế nhưng luật hiện hành chưa có quy định; đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định khác của pháp luật; chính sách về ưu đãi đầu tư trong điều kiện mới; chính sách kế toán, kiểm toán, quyết toán; cơ chế tài chính; phân cấp, phân quyền…

Sửa Luật Dầu khí: Cấp bách nhưng không thể sơ sài, mờ nhạt
Đồng ý trình Quốc hội Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hoàn thiện các chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư