Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án điện gió dồn về miền núi Quảng Trị
Việt Hương - 24/12/2020 08:30
 
Trong hơn nửa tháng, trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã cấp mới 9 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Cánh đồng điện gió 30 ha tại Quảng Trị. Ảnh: V.H
Cánh đồng điện gió 30 ha tại Quảng Trị. Ảnh: V.H

Liên tiếp cấp chủ trương đầu tư dự án điện gió

Từ ngày 27/11 đến 15/12, UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn, với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Đó đều là những dự án nằm trong diện được quy hoạch của Bộ Công thương.

Mới đây nhất, ngày 15/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng đã ký Quyết định số 3588/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Tân Hợp có tổng vốn đầu tư 1.696 tỷ đồng. Dự án được triển khai xây dựng tại xã Tân Hợp và xã Húc (huyện Hướng Hóa), với diện tích đất đề xuất sử dụng là 24,0 ha, sản lượng điện hàng năm dự kiến 150 triệu kWh, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định này.

Trước đó, Dự án Nhà máy Điện gió TNC Quảng Trị 1 có mức đầu tư hơn 1.805 tỷ đồng và Dự án Nhà máy điện gió TNC Quảng Trị 2 có mức đầu tư gần 1.167 tỷ đồng cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hai dự án này đều được triển khai trên địa phận xã Tân Thành và Tân Long, thuộc Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị; tiến độ hoàn thành 14 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư, thời hạn hoạt động là 50 năm.

Cụ thể, Dự án Nhà máy Điện gió TNC Quảng Trị 1 do Công ty cổ phần Điện gió TNC Quảng Trị 1 thực hiện, có công suất 50 MW, diện tích sử dụng đất dự kiến 22,37 ha. Dự án Nhà máy Điện gió TNC Quảng Trị 2 được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Điện gió TNC Quảng Trị 2 thực hiện, công suất 50 MW, diện tích sử dụng đất dự kiến 22,37 ha.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ký các quyết định cấp chủ trương đầu tư 6 dự án điện gió khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa là LIG Hướng Hóa 1, LIG Hướng Hóa 2, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8, Hoàng Hải và Amaccao Quảng Trị 1. Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện này còn có 6 dự án điện gió khác có công suất 30 đến 50 MW đã được Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung vào quy hoạch điện theo đề xuất của Bộ Công thương và “chờ” chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa còn có nhiều dự án nhà máy điện gió khác đang triển khai là: Hướng Phùng 1 (thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng) công suất 30 MW; Hướng Phùng 2 (thôn Doa Cũ, xã Hướng Phùng) công suất 20 MW; Hướng Linh 1 (thôn Xa Bai, xã Hướng Linh) và Hướng Linh 2 (thôn Hoong Cóc, xã Hướng Linh) với cùng công suất 30 MW…

“Thủ phủ” năng lượng tại miền Trung

Chưa bao giờ Quảng Trị lại có chương trình phát triển năng lượng lớn như hiện nay. Ngoài thủy điện, địa phương đã khởi công và tiến tới hoàn thành hàng chục công trình nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời, với công suất từ hàng chục đến hàng ngàn MW, vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng…

Việc phát triển điện năng, đặc biệt là năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới của Quảng Trị để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm điện lực của miền Trung.

- Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Tại một cuộc khảo sát về nhu cầu đầu tư điện gió vào Quảng Trị, ông Hoàng Giang, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Pacifico Energy (thành viên của Tập đoàn Năng lượng tái tạo Pacifico Energy - Hoa Kỳ) chia sẻ mong muốn của Tập đoàn là tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Quảng Trị.

“Chúng tôi đề xuất đầu tư các dự án điện gió, mỗi dự án tối đa 50 MW tại các xã Hướng Linh, Tân Lập, Tân Liên và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) và dự án điện mặt trời tại các xã Triệu Sơn, Triệu Trạch (huyện Triệu Phong)”, ông Hoàng Giang nói.

Với mục tiêu phát triển khoảng 1.000 MW điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025, Tập đoàn Pacifico Energy đã xây dựng và đưa vào vận hành Dự án Điện mặt trời Mũi Né (Bình Thuận) từ tháng 9/2020; đang đầu tư 2 dự án mặt trời khác tại tỉnh Bình Thuận, một dự án điện gió tại tỉnh Bến Tre và mong muốn sẽ có những dự án tiềm năng tại Quảng Trị.

Năm 2020, ngoài 17 dự án về điện gió đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 608 MW, tỉnh Quảng Trị còn trình bổ sung vào quy hoạch 50 dự án điện gió với tổng công suất 2.522,15 MW.

Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về công tác cung ứng điện và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện EVN, các đơn vị thành viên của Tập đoàn đang gấp rút đầu tư các công trình lưới điện phục vụ truyền tải các nguồn điện khu vực phía Tây Quảng Trị. Tuy nhiên, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được bổ sung tại khu vực này là khoảng 1.300 MW, vượt quá khả năng truyền tải các công trình hiện hữu.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn nhận thấy nhu cầu phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất lớn. Vì vậy, EVN đã nghiên cứu và kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối, giải tỏa hết công suất cho các nguồn điện mới được bổ sung quy hoạch.

Không để điện gió phát triển theo phong trào hoặc tạo ra hệ lụy xấu
Bộ Công thương chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể quy hoạch, triển khai các dự án điện gió đảm bảo mục tiêu chung; tuyệt đối tránh xảy ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư