Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Không để điện gió phát triển theo phong trào hoặc tạo ra hệ lụy xấu
Thanh Hương - 10/12/2020 13:59
 
Bộ Công thương chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể quy hoạch, triển khai các dự án điện gió đảm bảo mục tiêu chung; tuyệt đối tránh xảy ra tình trạng phát triển điện gió theo phong trào.

Đây là yêu cầu được Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhắc tới trong kết luận số 384/TB-VPCP liên quan đến cuộc họp ngày 4/11/2020 về báo cáo, kiến nghị của Bộ Công thương về danh mục các dự án điện gió rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công thương tập trung xây dựng, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chất lượng cao nhất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2020 để xem xét, phê duyệt theo quy định.

Dự án điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận
Dự án điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận
Dữ liệu của Báo Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 78 Dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.800 MW được bổ sung quy hoạch; 11 Dự án (tổng công suất 377 MW) đã vận hành phát điện; 31 Dự án (tổng công suất 1.62 MW) đã ký hợp đồng mua bán điện dự kiến đi vào vận hành năm 2020 - 2021.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã có 3 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện.
Đề nghị này đã được Thủ tướng đồng ý bổ sung quy hoạch tại văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020, văn bản số 911/TTg-CN ngày 15/7/2020.
Nghĩa là tổng công suất quy hoạch điện gió năm 2025 là 11.800 MW.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 693/TTg-CN ngày 9/6/2020 về việc rà soát các dự án điện gió theo chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến của Ban kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ngày 25/9/2020, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản 7201/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát 74 dự án điện gió với tổng quy mô công suất khoảng 6.400 MW.
Bộ Công thương cũng cho biết, cơ quan này trong thời gian qua liên tục nhận được đề nghị của nhiều địa phương muốn làm điện gió với tổng công suất lên tới gần 50.000 MW.
Do thời gian thẩm định riêng lẻ các dự án điện gió đến khi trình Quy hoạch điện VIII không còn nhiều, ngày 5/10/2020, Bộ Công Thương cũng thông báo với các địa phương việc tạm dừng xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh).

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các nội dung cơ bản, quan trọng của Quy hoạch điện VIII (Thông báo 308/TB-VPCP, ngày 24/8/2020), trong đó yêu cầu lựa chọn được các kịch bản tối ưu về tổng quy mô công suất nguồn điện trong từng giai đoạn quy hoạch, xác định rõ cơ cấu các nguồn điện đảm bảo phù hợp với khả năng cung cấp của nguồn năng lượng sơ cấp, nhằm tăng cường tính tự chủ về năng lượng của đất nước; đồng thời đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả cho hệ thống và bảo về môi trường; lưu ý bám sát chủ trương, định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Nghị quyết 55/NQ-TW, để có đề án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp theo các giai đoạn quy hoạch.

Do đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Quy hoạch điện VIII, trong đó có các nội dung về phát triển các dạng năng lượng tái tạo hợp lý từng giai đoạn, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy mô các dự án điện gió đã được quy hoạch đến nay là khá lớn, khoảng 11.600 MW, trong khi đó thời gian áp dụng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam theo Quyết định 39/2028/QĐ-TTg không còn nhiều. do đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể quy hoạch và triển khai các dự án điện gió,  đảm bảo mục tiêu phát triển chung; tuyệt đối tránh để xẩy ra tình trạng phát triển điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác theo phong trào hoặc tạo ra những hệ lụy xấu do phát triển ồ ạt, không phù hợp.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của đại diện các bộ, ngành về việc đưa danh mục điện gió đề xuất tại các văn bản 7201/BBT-ĐL (ngày 25/9/2020) và số 7408/BCT-ĐL (ngày 2/10/2020) vào quy hoạch nào và tiến độ thực hiện các dự án.

Tại văn bản 9764/VPCP-CN, ngày 22/11/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận chấp thuận cho Bộ Công thương lùi thời hạn trình Thủ tướng đối với Đề án Quy hoạch Điện VIII đến cuối tháng 12/2020.
Đồng thời yêu cầu Bộ này khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định tại Luật Quy hoạch để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Quy hoạch Điện VIII bảo đảm đúng quy định, không muộn hơn thời hạn nêu trên.
Đâu là giới hạn với điện gió ngoài khơi?
Đã có 157 dự án điện gió ngoài khơi với quy mô công suất hơn 61.000 MW được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung vào quy hoạch toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư