Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Dự án điện hạt nhân tăng tốc
Thanh Hương - 16/01/2025 08:53
 
Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, đòi hỏi các công việc liên quan phải khẩn trương.
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành công tác đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm (ảnh minh họa)

Sớm chốt chủ đầu tư

Nhằm đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các công việc liên quan, mới đây Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, xem xét, tiếp tục giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng thời cho phép EVN chỉ định tư vấn để rà soát, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, bao gồm cả đề xuất các cơ chế đặc thù thực hiện dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Tại Báo cáo triển khai kế hoạch năm 2025, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn tiếp tục đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trước đó, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy được xây dựng tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), đều thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tổng công suất của 2 nhà máy khoảng 4.000 MW.

Năm 2010, trong kế hoạch tổng thể thực hiện dự án, EVN cũng được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư cả 2 dự án này.

Đồng thời, EVN cũng được giao là chủ đầu tư Dự án Hạ tầng phục vụ thi công các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh thuận, Dự án Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân, còn Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân thì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

UBND tỉnh Ninh Thuận được giao làm chủ đầu tư Dự án di dân tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân.

Cho tới thời điểm dừng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội vào cuối năm 2016, EVN đã triển khai được khá nhiều công việc như lập hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1; hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và FS cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đồng thời đã ứng 95 tỷ đồng cho UBND tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án di dân tái định cư.

Tổng chi phí đầu tư chuẩn bị cho dự án mà EVN đã thực hiện vào khoảng 1.500 tỷ đồng.

Bộn bề công việc

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị 01/CT-TTg là triển khai, hoàn thành công tác đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, có rất nhiều công việc được đặt ra và cần phải tăng tốc triển khai.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Ban Chỉ đạo) gồm hơn 20 thành viên để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo quy chế, Ban Chỉ đạo sẽ họp định kỳ 3 tháng/lần và họp bất thường theo quyết định của Trưởng ban. Nội dung cuộc họp định kỳ tập trung đánh giá tình hình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đề xuất, xử lý các vấn đề khó, vướng mắc trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện. Báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.

Bộ Công thương đã đưa ra danh mục các công việc thực hiện trong năm 2025. Trong số này, việc bổ sung Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch Điện VIII để đầy đủ pháp lý cũng rất quan trọng. Hiện tại, việc điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công thương tiến hành với mục tiêu là sẽ xong trong quý I/2025.

Bên cạnh đó, đang có thông tin cho thấy, không chỉ có một doanh nghiệp nhà nước ngành năng lượng là EVN mong muốn được đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, nên việc giao chính xác chủ đầu tư sẽ giúp cho doanh nghiệp có cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo.

Các công việc được Bộ Công thương đề ra mục tiêu phải hoàn thành trong tháng 1/2025 còn có báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán, ký kết điều chỉnh Hiệp định, thỏa thuận với các quốc gia đối tác thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và Ninh Thuận 1, trọng tâm là lựa chọn công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và vốn.

Xa hơn, nhưng cũng phải hoàn thành trong năm 2025, còn có các công việc về rà soát/lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; đề xuất cơ chế đặc thù để đầu tư, xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm cả nguồn tài chính và cơ chế huy động vốn cho dự án trên cơ sở đàm phán với các đối tác nước ngoài có liên quan.

Bên cạnh việc di dân tái định cư sẽ do UBND tỉnh Ninh Thuận đảm nhiệm, các bộ, ngành liên quan cũng sẽ có nhiều công việc phải làm trong năm 2025.

Cụ thể là Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn và khung khổ luật pháp, pháp quy về hạt nhân, đầu mối hợp tác với các tổ chức quốc tế về năng lượng nguyên tử phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; đàm phán các hiệp định liên quan với các quốc gia đối tác về công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực hay cấp vốn; khả năng nội địa hóa các công đoạn, thành phần của dự án; thông tin truyền thông để nâng cao sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội và người dân…

Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân vừa ký Quyết định số 04/QĐ-BCĐĐHN ngày 10/1/2025...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư