Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Dự án Khai Sơn Hill thi công không phép: Chính quyền… bó tay
Nhất Nam - 13/04/2018 07:55
 
Mặc dù sai phạm đã rõ ràng, nhưng cấp chính quyền sở tại không chấp pháp một cách nghiêm chỉnh theo quy định hiện hành, thậm chí còn thiếu hợp tác với báo chí, khiến dư luận hoài nghi, đâu đó đã xuất hiện sự bao che cho sai phạm.

Phớt lờ Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ

Thời gian qua, Báo Đầu tư có bài phản ánh về việc 26 căn biệt thự, trong đó mỗi căn đều có diện tích sàn trên 500 m2 tại Dự án Khai Sơn Hill (tại quận Long Biên, TP. Hà Nội) được thi công hoàn thiện khi chưa có giấy phép xây dựng. Nhưng điều đáng nói là, cấp chính quyền sở tại chỉ phát hiện ra sai phạm khi chủ đầu tư đã xây xong phần thô. Hơn thế, sau khi phát hiện được sai phạm, cho đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa phân định được rõ ai phải chịu trách nhiệm trước sai phạm này.

 Các căn biệt thự tại Dự án Khai Sơn Hill (quận Long Biên, Hà Nội) được thi công khi chưa có giấy phép xây dựng.
Các căn biệt thự tại Dự án Khai Sơn Hill (quận Long Biên, Hà Nội) được thi công khi chưa có giấy phép xây dựng.

Khi đó, dư luận đặt câu hỏi rằng, quy định, luật pháp đã rõ, nhưng các cơ quan hữu quan TP. Hà Nội lại có vẻ như “nới tay” cho doanh nghiệp và tỏ ra “bối rối” khi phải “xin ý kiến chỉ đạo Bộ Xây dựng”. Rõ ràng, đây là một hành động rất khó hiểu.

Cụ thể, theo Nghị định 139/2017/NĐ - CP (chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2018), các công trình đang xây dựng thực hiện sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ bị tháo dỡ ngay. Quy định cho phép 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) để chủ nhà, chủ đầu tư làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép.

Theo đó, nếu như trước đây, quy định cho phép các công trình xây dựng sai phép, không phép được nộp phạt để tồn tại, thì tại điểm b, c, Điều 15, Nghị định 139 quy định rất rõ, chủ dự án có 60 ngày để điều chỉnh hoặc xin cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép. Đặc biệt, đối với công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ bị tháo dỡ ngay. Trong trường hợp đối với công trình đang triển khai xây dựng và không vi phạm các yếu tố trên, sẽ có 60 ngày để bổ sung thủ tục, nếu quá thời hạn trên, không có đầy đủ hồ sơ sẽ bị tháo dỡ những phần xây dựng sai phạm.

Nghị định 139 cũng quy định, công trình xây dựng sai phép, không phép sẽ bị ngưng cung cấp điện, nước, song song trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng để tăng cường xử lý hiệu quả.

Mặt khác, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, tình trạng xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn Hà Nội ngày càng diễn biến phức tạp. Không những nhiều công trình nhà ở của các hộ dân xây sai phép, mà còn có không ít công trình thương mại, chung cư... của các doanh nghiệp lớn, trong đó điển hình là trường hợp 26 căn biệt thự có diện tích trên 500 m2 tại Khu nhà ở thấp tầng TT1 - Biệt thự Khai Sơn Hill đã hoàn thiện khi không có giấy phép xây dựng.

Các quy định tại Nghị định 139 về biện pháp xử lý sai phạm được thể hiện rất rõ ràng, nhưng điều đáng nói là cơ quan hữu quan sở tại lại không thực hiện, mà bày vẽ đi xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Thậm chí, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với sai phạm này (Quyết định số 192/QĐ - XPVPHC ngày 14/11/2017), UBND quận Long Biên cũng đã nêu rõ: Các công trình xây dựng không phép sẽ bị cưỡng chế phá dỡ nếu sau 60 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng. Tức là, chính quyền địa phương, nơi có công trình xây dựng sai phép đã hiểu rất rõ nội dung của Nghị định 139, tuy nhiên, từ ban hành quyết định đến thực hiện quyết định vẫn còn một khoảng cách quá lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: “Xử lý sai phạm của Dự án Khai Sơn Hill, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có công văn thông báo đang chờ để giải quyết. Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản gửi UBND Thành phố và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Xây dựng hướng giải quyết. Vì theo Nghị định 139, các công trình sai phạm bị cưỡng chế tháo dỡ, nhưng dự án này được xây dựng đúng quy hoạch 1/500, nên chúng tôi không thể đề ra được phương án xử lý”.

Thiếu hợp tác với báo chí

Để có được những thông tin khách quan, đa chiều, chúng tôi liên hệ làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội và được đơn vị này giao cho đầu mối làm việc là Thanh tra Xây dựng. Tuy nhiên, cách làm việc theo kiểu “nửa vời” có phần bưng bít thông tin, hồ sơ của đại diện Thanh tra xây dựng Hà Nội, khiến phóng viên khó khăn trong quá trình tiếp cận thông tin một cách chính xác, đúng luật.

Cụ thể, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Thành Long, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Thanh tra xây dựng Hà Nội) cho biết: “Sai phạm tại Dự án Khai Sơn đã được UBND quận Long Biên lập hồ sơ xử phạt, đối với hành vi này và yêu cầu sau 60 ngày phải có giấy phép xây dựng”.

Về việc đã quá hạn mà sai phạm vẫn chưa được xử lý, ông Long nói: “Nếu xử lý cưỡng chế tháo dỡ sau 60 ngày thì cơ quan nhà nước, ở đây UBND quận Long Biên phải là người ra quyết định cưỡng chế vi phạm. Luật chỉ quy định sau 60 ngày thì sẽ tiến hành cưỡng chế, còn thời gian thực hiện cưỡng chế thì không có quy định”.

Chưa rõ thông tin từ cách trả lời của ông Long, chúng tôi đề nghị được tiếp cận các hồ sơ xử lý cũng như các kiến nghị, báo cáo cấp trên về sai phạm này để có cách nhìn khách quan nhất và trả lời cho sự hoài nghi của bạn đọc về việc có hay không sự bao che từ các cơ quan chức năng đối với sai phạm này, ông Long khẳng định “quan điểm làm việc” bằng câu nói: “Tôi chỉ cung cấp thông tin, còn hồ sơ, trừ khi Báo có văn bản yêu cầu, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng, chúng tôi mới cung cấp”.

Ngay trước khi kết thúc buổi làm việc, ông Long tiếp tục khẳng định: “Ở đây, chúng ta đang làm việc với vai trò cá nhân với nhau chứ không phải hai cơ quan”.

Cố giải thích cho ông Long hiểu rằng, chúng tôi đã đặt lịch làm việc trực tiếp từ Sở Xây dựng Hà Nội (bên Sở Xây dựng cũng có văn bản yêu cầu Thanh tra xây dựng làm việc với Báo - phóng viên) nhưng vị Phó trưởng phòng vẫn cương quyết: “Đặt lịch làm việc là chuyện khác, chúng tôi chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không có chuyện mang tất cả hồ sơ, tài liệu cho báo chí như cơ quan điều tra được”.

Nhằm có thêm thông tin một cách khách quan nhất, chúng tôi tìm gặp ông Ngô Quyết Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Thanh tra Xây dựng Hà Nội), nhưng ông Thắng cũng cho hay: “Hồ sơ thì anh em xem thoải mái, nhưng thông cảm mình không gửi, cũng không chụp ảnh được. Các anh phải ghi chép, chứ cung cấp phải xin ý kiến lãnh đạo Sở”.

“Đối chiếu với quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ - CP, thì đã quá thời hạn 60 ngày để bổ sung giấy phép xây dựng, nếu không sẽ cưỡng chế, phá dỡ. Tuy nhiên, trên thưc tế trong vòng 60 ngày thì không thể hoàn thiện được hồ sơ dự án. Không chỉ mình dự án này, mà Thành phố còn có rất nhiều dự án tương tự. Nhà dân thì dễ chứ dự án rất khó. Hơn nữa, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi thấy chủ đầu tư xây dựng theo đúng thiết kế quy hoạch cơ sở được phê duyệt, sai thì đã sai rồi. Thực ra, dự án này chủ đầu tư chỉ thiếu mỗi giấy phép xây dựng, hồ sơ họ đã đủ hết. Nên Sở Xây dựng phải xin ý kiến Bộ Xây dựng. Việc bắt buộc phải dỡ bỏ mới cấp phép, hoặc phù hợp để có thể cấp phép, Sở sẽ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo”, ông Thắng cho hay.

Khi được hỏi về vai trò của các cơ quan quản lý để xảy ra sai phạm, ông Thắng nói: “Lỗi do quận Long Biên, trách nhiệm của Thanh tra Xây dựng là kiểm tra phát hiện lập biên bản đề nghị xử lý. Nhưng chính quyền người ta không làm, thì chúng tôi cũng đành chịu”.

Trao đổi qua điện thoại để phản ánh sự bất hợp tác của Thanh tra Xây dựng Hà Nội đến đầu mối liên hệ công việc Sở Xây dựng Hà Nội, chúng tôi được ông Toàn, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Không phải xin ý kiến bên Sở, Giám đốc đã giao Thanh tra làm việc với phóng viên, thì nhiệm vụ của thanh tra là chuẩn bị tài liệu cho phóng viên, chứ không phải xin ý kiến giám đốc nữa. Để tôi sẽ gọi lại thanh tra”.

Không biết ông Toàn có “chỉ đạo” gì phía Thanh tra xây dựng không, nhưng phía cơ quan Thanh tra Xây dựng vẫn… kiên trì thái độ bất hợp tác với cơ quan báo chí.

Trong khi đó, Dự án Khai Sơn Hill đang được mở bán và quảng bá việc mở bán rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ai sẽ trở thành người không may nếu mua phải những căn biệt thực sai phạm nói trên?

Yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình "khủng" không phép ở Tràng An
Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc tháo dỡ công trình liệu có trả lại được nguyên trạng vùng lõi Di sản Tràng An, ông Phúc cho biết, trong quá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư