Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Thanh Huyền - 28/05/2019 14:19
 
Sáng ngày 28/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa có 6 chương, 101 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, do phạm vi sửa đổi rộng, số lượng điều sửa đổi khá nhiều, dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” đổi tên thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự thảo Luật được sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp.

Giải trình các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là nội dung còn ý kiến khác nhau. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện 2 phương án và căn cứ vào ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉnh lý theo đa số.

Theo đó, phương án 1 quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm: tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách trung ương. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương án 2 quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Phiên họp Quốc hội sáng 28/5
Phiên họp Quốc hội sáng 28/5

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính hợp lý, khả thi. Tuy nhiên do đây cũng là nội dung còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo hai phương án và trên cở sở ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ chỉnh lý  theo theo đa số.

Phương án 1 quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Phương án này sẽ có thuận lợi là việc quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong năm đầu tiên giai đoạn mới sẽ bảo đảm việc quyết định sau khi có Nghị quyết đại hội Đảng về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Quốc hội khóa mới sẽ quyết định mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Quốc hội khóa mới có thẩm quyền quyết định phân bổ nguồn lực đầu tư cho nhiệm kỳ Quốc hội đó.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này sẽ phải sửa đổi quy định tại nhiều văn bản pháp luật về việc lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cùng với đó, năm đầu tiên của giai đoạn mới sẽ chưa có Kế hoạch đầu tư công trung hạn để triển khai thực hiện và nếu thực hiện phương án này sẽ cần thay đổi quy trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch. 

Phương án 2 giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

Quy định theo phương án này thì thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công về quy trình xây dựng Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; bảo đảm tính liên tục giữa các giai đoạn Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Phương án này bảo đảm việc quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau gắn việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn trước.

Tuy nhiên, nếu quy định theo phương án này có hạn chế khi việc quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn diễn ra trước thời điểm Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc về kinh tế - xã hội, chưa có căn cứ để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho 5 năm, chưa xác định được Kế hoạch tài chính 5 năm và số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho 5 năm, là cơ sở cho xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn và trên thực tế, Quốc hội khóa XIV đã quyết định Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, quá trình thực hiện trên thực tế không có vướng mắc.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính  thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ là cần mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công và lấy tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; sửa đổi quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đổi mới quy định quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; đổi mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phù hợp với từng loại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công...

Phát biểu tiếp thu các ý kiến, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đánh giá, những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, sâu sắc, mang tính xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, nguyên nhân sửa luật không phải vấn đề do pháp luật, mà nhằm phân cấp nhiều hơn, đồng thời minh bạch quy trình thực hiện theo hướng đơn giản hơn.

“Chúng tôi mong muốn làm sao thiết kế bộ luật đúng quy định Hiến pháp và các bộ luật liên quan, làm sao cải cách hành chính, phân cấp nhiều hơn”, ông Dũng nói.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình các nội dung các đại biểu còn băn khoăn tại phiên họp; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công
Theo chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội sẽ dành cả phiên họp sáng 28/5/2019 để nghe Báo cáo giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư