Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Dự án metro số 2 TP. Hà Nội: 20 năm, liệu có xong?
Anh Minh - 25/08/2023 10:17
 
Ngay cả khi đạt được mốc tiến độ đang được đề xuất điều chỉnh, UBND TP. Hà Nội vẫn mất 20 năm để có thể kết thúc việc xây dựng Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Phối cảnh Dự án metro số 2 TP. Hà Nội.

Tổng mức đầu tư tăng 82%

UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 301/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án metro số 2 TP. Hà Nội).

Mặc dù Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008, nhưng việc điều chỉnh dự án dẫn đến phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí về dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công, nên thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro số 2 TP. Hà Nội thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Trước đó, Dự án metro số 2 TP. Hà Nội đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, hoàn thành công tác thẩm định nội bộ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo phương án ga C9 điều chỉnh; có được cam kết tài trợ vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Tháng 7/2023, HĐND TP. Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP. Hà Nội, trong đó có Dự án metro số 2 TP. Hà Nội.

Được biết, có 3 nội dung quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro số 2 TP. Hà Nội mà UBND TP. Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Tờ trình số 301/TTr-UBND.

Đầu tiên là quy mô xây dựng chủ yếu của Dự án sẽ có ít nhất 2 thay đổi quan trọng. Cụ thể, dù tổng chiều dài tuyến được giữ nguyên (11,5 km), nhưng chiều dài đoạn tuyến đi ngầm được đề xuất tăng thêm 0,4 km (từ 8,5 lên 8,9 km) và giảm chiều dài đoạn tuyến đi trên cao từ 2 km xuống còn 2,6 km. Bên cạnh đó, tổng số đoàn tàu của Dự án từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.

Thay đổi lớn thứ hai là tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200,744 tỷ yên, tương đương 1.504,97 tỷ USD), tăng khoảng 82% tổng mức đầu tư được phê duyệt. Trong đó, các khoản chi phí tăng nhiều nhất là chi phí xây dựng (tăng 6.676 tỷ đồng), chi phí thiết bị (tăng 2.754 tỷ đồng) và chi phí dự phòng (tăng 3.008 tỷ đồng).

Dự kiến, trong tổng mức đầu tư được đề nghị điều chỉnh, vốn vay JICA là 29.672 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội là 5.916 tỷ đồng. Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, phần lớn các khoản kinh phí phát sinh là do cập nhật các đơn giá, định mức áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị sau gần 15 năm Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, tại thời điểm Dự án được nghiên cứu (giai đoạn 2007 - 2008), do Việt Nam chưa có đầy đủ hệ thống đơn giá định mức đường sắt đô thị, nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn dựa trên các công trình tương tự được thực hiện tại một số quốc gia trong khu vực châu Á. Tính toán này chỉ mang tính chất bình quân, chưa xem xét đầy đủ đến các yêu cầu an toàn cao; chưa tính toán đủ chi phí tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…

Nhiều yếu tố khó lường

Một thay đổi quan trọng khác tại Dự án metro số 2 TP. Hà Nội là thời gian thực hiện công trình. Theo Quyết định số 2054/QĐ-UBND, thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2009 đến năm 2015, chưa bao gồm thời gian đào tạo vận hành, bảo dưỡng, bảo hành là 5 năm. Tại Tờ trình số 301/TTr-UBND, UBND TP. Hà Nội kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2009 đến 2029, nâng tổng số thời gian thực hiện công trình này lên tới 20 năm.

Cần phải nói thêm, mốc thời gian hoàn thành Dự án vẫn là một ẩn số do được giả định trong điều kiện Dự án metro số 2 TP. Hà Nội không phát sinh những khó khăn tương tự như quá trình triển khai Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội với 7 lần lùi tiến độ, 2 lần đội vốn.

Dự án metro số 2 TP. Hà Nội có tổng chiều dài tuyến 11,5 km

Tại điểm đầu - Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), tuyến đi theo trục đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Công trình bao gồm 10 ga, trong đó có 3 ga trên cao và 7 ga ngầm. Vị trí Depot đặt tại xã Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm).

Được biết, Dự án metro số 2 TP. Hà Nội gồm 6 gói thầu xây dựng chính sử dụng vốn ODA. Đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu tư vấn thiết kế, dự toán gói thầu xây dựng đoạn trên cao và xây dựng depot. Các gói thầu còn lại chưa lựa chọn được nhà thầu.

Trong quá trình kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội từng đề xuất thời gian thực hiện Dự án metro số 2 TP. Hà Nội từ năm 2009 đến năm 2032, trong đó hoàn thành công trình vào năm 2027; thực hiện đào tạo vận hành, bảo dưỡng trong 5 năm kế tiếp.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, kinh nghiệm triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng, hoàn thành dự án này trong năm 2027 là khó khả thi. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát cụ thể mốc tiến độ triển khai đảm bảo phù hợp.

Bên cạnh đó, với quy mô và tổng mức đầu tư Dự án metro số 2 TP. Hà Nội rất lớn, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới, hiện đại, việc đề xuât có thời gian đào tạo vận hành là cần thiết. Tuy nhiên, tại thời điểm hoàn thành Dự án, trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM đã có một số tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, kinh nghiệm về vận hành khai thác đường sắt đô thị ở trong nước đã có những cải thiện nhất định.

Vì vậy, Bộ GTVT khuyến nghị UBND TP. Hà Nội xem xét rút ngắn thời gian đào tạo vận hành nhằm giảm chi phí đầu tư của Dự án (nội dung này cũng được Tư vấn thẩm tra đánh giá là quá dài và đề xuất chỉ thực hiện trong vòng 2 năm).

Về nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ đến ga C10 theo phương án ga C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) điều chỉnh - một trong những nút thắt ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai Dự án metro số 2 TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội cho biết, đã có Văn bản số 3155/UBND-KH&ĐT ngày 26/9/2022 về việc triển khai nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ ga C8 đến ga C10 thuộc Dự án.

Tại văn bản này, UBND TP. Hà Nội giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối của UBND Thành phố, tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của JICA và thay mặt UBND Thành phố ký Biên bản ghi nhớ với đại diện JICA Tokyo về việc nghiên cứu bổ sung. “Tuy nhiên, hiện Đại sứ quán Nhật Bản chỉ đồng ý huy động tư vấn để triển khai nghiên cứu sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết.

Trồi sụt quy mô vốn Dự án metro số 2 Hà Nội
Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang phải chạy lại thủ tục từ đầu với nhiều cấn cá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư