Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Dự án nhà máy xử lý chất thải hút 370 triệu USD từ hình thức PPP
Trang Nguyễn - 20/10/2015 09:53
 
Dù không mang sứ mệnh tiên phong trong việc xã hội hóa các dự án công, nhưng đề xuất xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại xã Bắc Sơn được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn tư nhân tham gia theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Nhà máy Xử lý và Chế biến rác Phương Đình là Dự án mà Hà Nội đã gọi được vốn tư nhân
Nhà máy Xử lý và Chế biến rác Phương Đình là dự án mà Hà Nội đã gọi được vốn tư nhân

PPP lan tới dự án hàng trăm triệu đô

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã trình UBND Thành phố báo cáo đề xuất xây dựng Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao theo hình thức PPP tại xã Bắc Sơn thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Với tổng mức đầu tư lên tới 7.898 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD), công suất dự kiến 4.000 tấn/ngày đêm, Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô.

Theo thống kê, Hà Nội đang thu gom và xử lý 7.135 tấn rác/ngày đêm, chủ yếu tại 6 khu chôn lấp và nhà máy xử lý, trong đó riêng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đang xử lý khoảng 4.100 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận và xử lý rác thải tại đây sẽ trở nên quá tải trong khoảng 5 năm nữa.

Để đảm bảo xử lý toàn bộ chất thải của Hà Nội đến năm 2030, việc xây dựng dự án nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ cao là rất cần thiết. Do đó, Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn đã được đưa vào Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 631/QD-TTg ngày 29/4/2014.

Về quy mô đầu tư, Dự án dự kiến bao gồm 5 hợp phần: dây chuyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn y tế, dây chuyền sản xuất phân compost, dây chuyền tái chế chất thải, nhà máy xử lý chất thải bằng phương pháp đốt và các công trình phụ trợ.

“Với việc lựa chọn các loại rác thải đầu vào ‘thập cẩm’ như trong đề xuất bao gồm: rác thải y tế, rác thải sinh hoạt, phân bùn bể phốt, rác thải công nghiệp, chất thải gây hại, nguy hại..., thì e rằng, không có nhà đầu tư nào dám nhận dự án này”, ông Phạm Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lo ngại.

Trước báo cáo của Sở Xây dựng về việc áp dụng công nghệ phân loại rác tái chế và chôn tại nhà máy, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, công nghệ xử lý rác tiên tiến nhất hiện nay mà Chính phủ đang khuyến khích là đốt phát điện. Vì vậy, nhà đầu tư cần có cách làm phù hợp, hiệu quả, tránh rập khuôn những phương pháp lạc hậu.

Cơ chế đã thông thoáng

Trước đó, ngày 12/2/2015, UBND TP. Hà Nội đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư Danh mục Các dự án thực hiện theo hình thức PPP, bao gồm Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, xét về tổng thể, Dự án được đầu tư theo hình thức PPP không những mang lại hiệu quả về tài chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ công, huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân, góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương.

Đặc biệt, với tình trạng phần lớn rác của Hà Nội đang được xử lý theo công nghệ chôn lấp, thì việc đầu tư theo hình thức PPP sẽ tận dụng được lợi thế về công nghệ theo xu hướng quốc tế, đảm bảo vệ sinh và môi trường trong sạch cho Thành phố.

Ngoài ra, Dự án cũng được Sở Xây dựng đề xuất thực hiện theo mô hình xây dựng - cho thuê - chuyển giao (BLT). Cụ thể, sau khi hoàn thành xây dựng công trình bằng 100% vốn của mình, nhà đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, kinh doanh dịch vụ của nhà máy trong một thời gian nhất định (20 năm). Sau đó, Hà Nội sẽ ký kết hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt với nhà đầu tư và sẽ trả phí cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể thu phí dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp, y tế và kinh doanh các sản phẩm tái chế, phân compost, điện năng. Đến khi hết thời gian cho thuê dịch vụ theo quy định, nhà đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý.

Thời gian qua, Hà Nội đã kêu gọi vốn tư nhân vào nhiều lĩnh vực công, trong đó có các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, điển hình là Nhà máy Xử lý và Chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng) do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư, đã vận hành từ cuối tháng 8/2015.

Có thể thấy, chủ trương thu hút vốn tư nhân xây dựng các dự án xử lý rác thải theo hình thức PPP của Hà Nội đang nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp tư nhân. Với cơ chế này, Hà Nội đang kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn tư nhân đối với Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn.

Đà Nẵng vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 200 tấn rác/ngày
Trong thời gian tới, phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp truyền thống sẽ không còn được áp dụng tại TP Đà Nẵng sau khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư