Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Dự án tỷ USD trở lại
Nguyên Đức - 17/04/2013 09:08
 
Công ty TNHH BUSCENTER MET (Nga) đầu tư Dự án sản xuất, lắp ráp xe buýt có vốn 1 tỷ USD ở Bình Định, quy mô 50ha.
TIN LIÊN QUAN
Dự án DITP của Tập đoàn Rocky Lai & Asscociates, Inc (Hoa Kỳ) kỳ vọng tạo một “Thung lũng Silicon” ở Đà Nẵng

(baodautu.vn) Ông Dương Ngọc Oanh, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định) đã xác nhận thông tin trên.

Ông Oanh cho biết, cuối tuần qua, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, ông Man Ngọc Lý đã ký cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH BUSCENTER MET (Nga) để triển khai xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt, phụ tùng và các loại máy nông nghiệp.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD và dự kiến sẽ được xây dựng trên diện tích 50 ha ở KCN Nhơn Hòa (Bình Định).

“Nhà đầu tư dự kiến khởi công nhà máy sau 45 ngày kể từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, nhưng do thủ tục xây dựng kéo dài, nên có thể chưa triển khai ngay được Dự án như dự kiến. Song, khởi công trong năm nay là khả thi”, ông Oanh nói và cho biết, sau 36 tháng xây dựng, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Như vậy, nếu chỉ tính riêng dự án 1 tỷ USD này, thì thu hút FDI của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã có sự cải thiện đáng kể so với 4 tháng đầu năm ngoái - 3,927 tỷ USD so với 3,09 tỷ USD. Nếu tính thêm các dự án khác, chắc chắn sẽ có thêm những tín hiệu tích cực về thu hút FDI những tháng đầu năm.

Quý I/2013, nhờ có dự án 2 tỷ USD của Samsung ở Thái Nguyên, vốn FDI cả cấp mới và tăng thêm của Việt Nam đã đạt 6,034 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012 - một sự đảo chiều khá ngoạn mục, sau một thời gian khá dài, vốn FDI vào Việt Nam .

Và không chỉ là vốn cấp mới hay tăng thêm, cũng sẽ có một sự chuyển biến đáng chú ý đối với vốn FDI giải ngân trong năm nay, thậm chí ngay trong tháng 4 này. Lý do là vì, dự án 2 tỷ USD của Samsung, ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư 1 tuần, cũng đã chính thức được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay.

Trong khi đó, chỉ cách đây 2 ngày (ngày 15/4), Panasonic Eco Solutions Việt Nam cũng đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị dây dẫn và cầu dao điện tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương), với tổng vốn đầu tư 1,42 tỷ yên. Dự án này cũng mới chỉ được cấp chứng nhận đầu tư vào nửa cuối tháng 3 vừa qua, với quy mô sản xuất 27 triệu sản phẩm thiết bị dây dẫn và 12 triệu sản phẩm cầu dao điện trong năm sản xuất đầu tiên. Quy mô sản xuất được kỳ vọng sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2018.

“Việt Nam là một thị trường mới nổi với tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Đất nước này đang phát triển với tốc độ nhanh và cơ sở hạ tầng về điện đang dần được cải thiện. Panasonic Eco Solutions Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển sản phẩm thiết bị điện để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế đang tăng trưởng này”, ông Takashi Ogasawara, Chủ tịch Công ty Panasonic Eco Solutions Việt Nam phát biểu và cho biết, đây là nhà máy đầu tư nước ngoài đầu tiên sản xuất thiết bị dây dẫn và cầu dao điện cung cấp cho thị trường nội địa.

“Nhà máy này được coi như một bàn đạp để mở rộng thị trường kinh doanh của Tập đoàn Panasonic tại Việt Nam”, ông Ogasawara nhấn mạnh.

Hiện Panasonic có 7 công ty ở Việt Nam, trong đó có 5 công ty chuyên sản xuất. Panasonic Eco Solutions vừa được thành lập vào tháng 1/2013. Và theo kế hoạch, tháng 4/2014, nhà máy của Panasonic Eco Solutions sẽ bắt đầu đi vào sản xuất.

Trong khi đó, đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Rocky Lai & Asscociates, Inc (Hoa Kỳ) cũng đã chính thức khởi công Dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP), với tổng vốn đầu tư tương đương 278 triệu USD. Dự án này, theo kế hoạch, sẽ được thực hiện trong vòng 10 năm và sau đó, khi cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ…, với khoảng 100 doanh nghiệp, tạo ra khoảng 25.000 cơ hội việc làm, doanh thu ước đạt 3 tỷ USD/năm.

DITP, thậm chí còn được kỳ vọng sẽ tạo nên một “Thung lũng Silicon” ở Đà Nẵng. Có lẽ cũng chính vì vậy, mà khi phát biểu tại Lễ khởi công Dự án, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã đặt rất nhiều hy vọng vào dự án này. “Đây là dự án đầu tiên, hiện thực hóa việc lấy công nghệ cao và công nghệ thông tin làm mũi nhọn đột phá”, ông Chiến nói.

Đây cũng là xu hướng đầu tư của nhiều dự án FDI vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Và như vậy, không chỉ lượng, mà ngay cả về chất, của dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng đã được cải thiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư