Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Dư địa nào cho kinh tế TP.HCM 6 tháng cuối năm
Trọng Tín - 29/06/2023 15:57
 
Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng kinh tế Thành phố đang song hành giữa cơ hội và thách thức, song ông cũng chỉ ra thách thức nhiều hơn cơ hội.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, do UBND TP.HCM tổ chức vào chiều 29/6, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố (HIDS) đã đưa ra nhận định tình hình kinh tế Thành phố trong 6 tháng cuối năm.

Theo ông Phạm Bình An, bắt đầu từ tháng 4/2023, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Đến nay, các động lực tăng trưởng kinh tế này vẫn tiếp tục giữ được đà phục hồi, đồng thời một số động lực khác đã bắt đầu khởi sắc tốt hơn như đầu tư công, cầu tiêu dùng.

Trong quý II/2023, Thành phố đã lấy lại đà tăng trưởng, dù chưa phải mức cao kỳ vọng nhưng đã mang lại nhiều triển vọng tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2023. Kết quả là 6 tháng đầu năm 2023 của Thành phố ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Chuyên gia của HIDS cũng nêu một số thách thức và cơ hội của kinh tế Thành phố trong thời gian tới.

Về cơ hội, Thành phố cũng còn một số dư địa để bứt phá như sự nỗ lực và quyết tâm cao, có những ứng phó và triển khai giải pháp kịp thời để ngăn chặn những nguy cơ trên. Trong đó, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đã được Quốc hội thông qua và Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Dù vậy, Nghị quyết này sẽ tác động trong dài hạn.

a
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn được đánh giá là “cú hích” cho tăng trưởng

Còn về thách thức, ông Phạm Bình An cho rằng, kinh tế thế giới, đặc biệt đối với 3 nền kinh tế lớn (cũng là những đối tác thương mại quốc tế lớn của Thành phố) chưa có tín hiệu phục hồi là những nguy cơ đó có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng các quý II, III và cả năm 2023 của Thành phố.

Đầu tiên là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ suy giảm và thực tế đã diễn ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại của thành phố âm và cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.

Nguy cơ này có thể sẽ tiếp tục, thâm chí gặp khó khăn hơn trong thời gian tới do 3 nền kinh tế lớn trên thế giới  với các dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện từ đầu tháng 5/2023 và đến nay vẫn chưa có chiều hướng giảm. Thêm vào đó, sự khác biệt trong phản ứng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang gây ra biến động tỷ giá giữa các loại tiền tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Về tình hình trong nước, HIDS cũng cho rằng tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố chưa có tín hiệu khởi sắc, vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đây cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thành phố.

Chưa kể, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đảm. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực hơn sẽ nguy cơ ảnh hưởng đến các ngành có liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế có phần suy giảm. Thể hiện qua, doanh nghiệp thành lập mới giảm về vốn so với cùng kỳ năm trước. Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm các tiêu dùng không thiết yếu. 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước giảm 4,6% so với cùng kỳ.

Chỉ số lao động việc làm tháng 6 và 6 tháng năm 2023 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều cần lưu ý, nguy cơ đơn hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục có chiều hướng giảm nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục suy giảm như những dấu hiệu cảnh báo ở trên, khả năng việc cắt giảm lao động sẽ có nguy cơ tăng.

a
Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Ngô Tùng

Với những khó khăn này, chuyên gia của HIDS đánh giá khả năng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 – 8% như đã đề ra.

Do đó, cơ quan này kiến nghị Thành phố nhanh chóng chuẩn bị các nội dung cần thể chế hóa Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp HĐND giữa năm vào tháng 7, kỳ họp HĐND chuyên đề vào tháng 9 và kỳ họp HĐND cuối năm vào tháng 12.

Thành phố cũng cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhanh chóng hoàn thành các dự án trọng điểm của thành phố, giải quyết các vướng mắc của các dự án. Đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu công.

Để phục hồi hoạt động xuất khẩu, HIDS kiến nghị cần tập trung khai thác hiệp định FTA với Israel và các Hiệp định với các đối tác khác (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa mà thành phố có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các báo cáo phân tích xu hướng kinh doanh, ưu đãi phát triển, rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin khi xuất khẩu sang thị trường tiềm năng.

Trước mắt, khi thị trường xuất khẩu vẫn còn gặp khó, HIDS cho rằng cần tập trung khai thác thị trường nội địa. Các giải pháp cần tập trung để thúc đẩy phát triển thị trường nội địa. Trong đó, cần kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá. Đồng thời liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững.

Cơ quan này cũng khuyến nghị nên chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động trong trường hợp lao động bị cắt giảm nhiều khi đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ giảm.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, kinh tế của thành phố tuy còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách (giảm 6,8%), nhưng nhiều hoạt động khác chuyển biến tích cực.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 36,2%. Đặc biệt chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 90,4%, nhiều dự án được khởi công. Cùng với đó, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế.

Tính chung, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý II/2023 tăng 5,87% (gấp hơn 8 lần quý I, quý I tăng trưởng 0,7%). Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng quý II đạt 5,87% như dự báo, TP.HCM có nửa đầu năm tích cực dần lên
Khách du lịch quốc tế tăng mạnh, góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư