Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Dư địa tăng giá cổ phiếu CSM không lớn
Hải bằng - 18/08/2013 19:34
 
Một số nhà phân tích thị trường nhận định, trong thời gian tới, tiềm năng tăng giá cổ phiếu CSM của Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina) vẫn còn, nhưng không lớn.

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá cổ phiếu CSM đã tăng khá. Cụ thể, nếu vào đầu tháng 5/2013, giá cổ phiếu CSM mới chỉ ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu, thì đến phiên gần đây, giá đã dao động ở mức quanh 36.000 đồng/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh quý II/2013 của Casumina khá khả quan
đã phần nào hỗ trợ cho cổ phiếu CSM

Kết quả kinh doanh quý II/2013 của Casumina khá khả quan đã phần nào hỗ trợ cho cổ phiếu CSM. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý II/2013 của Casumina đạt 100 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo, với đà này, lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 của Casumina có thể đạt 308 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm ngoái. Cơ sở đưa ra dự báo này dựa trên đánh giá khả năng doanh thu năm 2013 của Casumina có thể đạt 3.252 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm ngoái. Như vậy, EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) năm 2013 của CSM dự kiến sẽ ở mức 4.577 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, chi phí tài chính ròng của CSM có thể sẽ giảm một nửa so với năm ngoái, do xu hướng giảm lãi suất thời gian qua.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Nam, Phó giám đốc Khối phân tích và đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, lãi suất giảm đã tác động khác nhau tới từng nhóm doanh nghiệp, trong đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất thường tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay. Casumina cũng nằm trong nhóm các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ xu hướng giảm lãi suất từ cuối năm 2012 đến nay.

Dự kiến, trong năm 2014, Casumina có thể đưa giai đoạn I của Dự án Nhà máy sản xuất săm lốp radial toàn thép với công suất 350.000 sản phẩm/năm vào hoạt động. Vốn đầu tư giai đoạn I của Dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo thiết kế, Dự án Nhà máy lốp radial toàn thép của Casumina có công suất 1 triệu lốp xe/năm, với tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD).

Thời gian thực hiện Dự án qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I có công suất sản xuất 350.000 lốp xe/năm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; giai đoạn II nâng công suất lên 600.000 lốp xe/năm; giai đoạn III nâng công suất sản xuất lên 1 triệu lốp xe/năm. Hiện Casumina đang nắm 33% thị phần săm lốp tại Việt Nam; tiếp theo là Công ty Cao su Đà Nẵng nắm 25% và Công ty Cao su Sao Vàng chiếm 10% thị phần. Hiện Casumina có khoảng 200 đại lý phân phối cấp 1, so với 119 đại lý của Cao su Đà Nẵng và 83 đại lý của Cao su Sao Vàng.

Dự kiến, trong năm 2014, lợi nhuận của Casumina có thể sẽ không còn tăng mạnh như 2013, bởi những yếu tố khách quan “đẩy” lợi nhuận tăng nhanh không còn.

Thời gian qua, các doanh nghiệp săm lốp được hưởng lợi nhờ sự sụt giảm mạnh của giá cao su tự nhiên, nguyên liệu chính trong sản xuất săm lốp. Tuy nhiên, giá cao su thời gian tới cũng sẽ khó tiếp tục giảm mạnh, do giá cao su tự nhiên đã giảm gần 57%, kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2011.

Tương tự, mặt bằng lãi suất hiện cũng đã giảm khá thấp, nên cũng khó có thể tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.

Với những diễn biến như hiện nay, trong thời gian tới, tiềm năng tăng giá cổ phiếu CSM có thể sẽ không lớn do thị giá công ty này đã tăng khá mạnh trong thời gian qua. Mức giá mục tiêu được xác định dựa trên các chỉ số cơ bản của Công ty hiện ở mức trên 39.000 đồng/cổ phiếu, chỉ cao hơn chút ít so với giá cổ phiếu CSM hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư