Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Du lịch Hà Nội: Đòn bẩy từ chuỗi điểm đến hấp dẫn
Thanh Nga - 27/05/2018 12:27
 
Kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án du lịch ngay tại các quận, huyện trên địa bàn và tạo điều kiện để các địa phương phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn đang được Hà Nội xem là "đòn bẩy" thúc đẩy ngành du lịch.

Hình thành chuỗi điểm đến hấp dẫn trên địa bàn

Tại buổi làm việc tại huyện Ba Vì vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Du lịch phối hợp với huyện khẩn trương lên kế hoạch chi tiết xây dựng du lịch thành kinh tế mũi nhọn để khai thác thế mạnh của địa phương với những điểm du lịch hấp dẫn như núi Ba Vì, Ao Vua, Suối Hai, tắm nước nóng….

Hà Nội chú trọng xây dựng các điểm đến du lịch đặc trưng, độc đáo (Ảnh: Minh họa)
Hà Nội đang chú trọng xây dựng các điểm đến du lịch đặc trưng, độc đáo. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, việc đặt ra mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Ba Vì và nhiều địa phương khác của Hà Nội nằm trong chủ trương chung của Thành phố trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Những năm qua, Hà Nội đã và đang tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các các sản phẩm điểm đến du lịch đặc trưng, độc đáo, riêng có như: khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Văn miếu Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm… cùng nhiều điểm đến dọc vành đai sông Hồng và các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Hà Đông, Gia Lâm, Sơn Tây… Đồng thời, kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, Bãi giữa sông Hồng, khu vực Nhật Tân – Nội Bài… và tạo điều kiện để các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp chủ động xây dựng, cải tạo cảnh quan tại các điểm đến nhằm tạo sức hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, công tác phát triển du lịch gắn với việc nâng cao đời sống người đân địa phương, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số như ở các xã miền núi tại Sóc Sơn, Ba Vì… một cách bền vững đã được coi trọng. Thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với UBND các quận, huyện và các ngành chức năng khảo sát, xây dựng các mô hình phát triển du lịch hiệu quả, đặc biệt là xây dựng mô hình tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng gắn với khu vực sản xuất nông nghiệp theo hộ hoặc nhóm hộ, từ đó nhân rộng ra theo hướng này. 

Đặc biệt, ngành du lịch Hà Nội sẽ tổ chức đoàn các doanh nghiệp lữ hành khảo sát các điểm du trên địa bàn để kết nối thành tour du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách, bổ sung cho các tour du lịch nội đô. Từ đó, Hà Nội sẽ có các chuỗi du lịch văn hóa tập trung vào tham quan di tích lịch sử văn hoá, làng nghề, tham quan phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng. Có chuỗi du lịch sinh thái tập trung vào tham quan, nghiên cứu tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan. Có du lịch vui chơi giải trí tập trung hình thành các khu vui chơi giải trí như Khu vui chơi giải trí tổng hợp Sóc Sơn, Khu vui chơi giải trí khám phá thiên nhiên Ba Vì, Khu vui chơi giải trí Thế giới nước Hồ Tây, Khu Thiên đường Bảo Sơn…

Hà Nội cũng có chuỗi du lịch MICE với các sự kiện chính trị quốc tế, các sự kiện văn hóa thể thao lớn được tổ chức thường xuyên; có chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và có chuỗi du lịch nông nghiệp phát triển ở các vùng ngoại thành, bổ sung hỗ trợ cho các chương trình du lịch nội đô…

Mục tiêu đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn

Theo đại diện ông Hải, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Hà Nội cần có các điểm nổi trội như đóng góp lớn vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều ngành và địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho xã hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần ổn định xã hội... Muốn đạt được những mục tiêu trên, du lịch Thủ đô cần có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại và sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Hà Nội đặt mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách trong năm 2018
Hà Nội đặt mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách trong năm 2018 (Ảnh: Minh họa)

Cụ thể trong năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 76.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ông Hải cho rằng, ngành du lịch thành phố cần khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường quản lý điểm đến bền vững và tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện và đẩy mạnh hợp tác liên ngành, liên vùng.

“Với các tiềm năng du lịch hiện có tại các địa phương trên địa bàn Thành phố, nếu được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch theo chuỗi điểm đến một cách bàn bản, chuyên nghiệp, Hà Nội sẽ càng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam góp ý.

Bàn về giải pháp phát triển du lịch tại các địa phương thuộc địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Cùng với hỗ trợ chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, môi trường, cảnh quan, Hà Nội cần hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình cung cấp các dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho lao động phục vụ du lịch, chuẩn hóa bài thuyết minh tại các điểm du lịch. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng điểm đến với những sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu bản sắc…”.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 – 10%/năm; Tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 – 17%/năm; Công suất phòng đạt 60 – 65%; Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.
Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu thu gần 76.000 tỷ đồng trong năm 2018
Phấn đấu đón 25,4 triệu lượt khách, đạt tổng thu 75.783 ngàn tỷ đồng, tăng cường công tác quảng bá - xúc tiến và quản lý chất lượng sản...
Bình luận bài viết này
  • Nguyễn Cách Mạnh 19:15 | 30-05-2019
    Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì điều trước tiên cần phải thay đổi tư duy, nhất là các cấp lãnh đạo. Nói ít bàn ít, mà cần hành động.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư