Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch - linh hồn của đô thị Thừa Thiên Huế
Sơn Thắng - 15/06/2013 08:56
 
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nhấn mạnh quy hoạch phát triển đô thị gắn liền với Cố đô Huế và lấy du lịch làm ngành công nghiệp mũi nhọn. Để thực hiện điều đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định sớm quy hoạch phát triển ngành du lịch hiện đại, kết hợp với phát huy truyền thống và giá trị vốn có của địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Khám phá nét đặc trưng xứ Huế

Tọa lạc bên bờ Bắc của dòng Hương xanh biếc là Đại Nội, nơi ngự triều và sinh hoạt của 13 đời vua nhà Nguyễn.

Qua cổng chính Ngọ Môn là đến Điện Thái Hoà nguy nga, tráng lệ, với những chạm khắc hình Rồng. Tiếp đến là Tử cấm thành, với những những cung điện vàng son một thuở. Phía Tây là nơi thờ tự 10 vị vua triều Nguyễn.

Không những được thiết kế như một hệ thống công trình liên thủ chặt chẽ với nhau, mà Kinh thành Huế còn có những nét kiến trúc nghệ thuật quyến rũ, kết hợp hài hoà giữa mỹ thuật cung đình với mỹ thuật dân gian, tạo nên giá trị văn hoá trường tồn qua bao đời.

Ngược dòng Hương Giang về phía Tây là hệ thống lăng tẩm của các vị hoàng đế, từ Gia Long đến Khải Định. Đẹp nhất có lẽ là Lăng Tự Đức. Vì được xây trong lúc vẫn còn tại vị, nên vua Tự Đức không những tự xây nơi an nghỉ cho mình, mà còn như một hoàng cung thứ hai để nghỉ ngơi.

Nhỏ nhưng không kém phần ấn tượng là Lăng Khải Định. Công trình chính trong Lăng là Cung Thiên Định, được chạm khảm bằng sành sứ tuyệt đẹp và tinh xảo.

Không nguy nga như cung điện hay u tịch như lăng tẩm, nhưng nhà vườn Huế lại chứa đựng những nét văn hoá rất riêng chỉ có ở Huế. Hiện còn không ít nhà vườn vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống đậm chất Huế, như Lạc Tịnh Viên, An Hiên, chuỗi nhà vườn Kim Long - Phú Mộng.

Quy hoạch ngành du lịch

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2013 - 2025. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất thuê Công ty Akitek Tenggara (Singapore) là đơn vị tư vấn, giúp tỉnh quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2025.

Với quy hoạch này, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu mở ra một tầm nhìn mới, một tư duy mới, tạo bước đột phá căn bản trong phát triển du lịch. Quy hoạch còn hướng đến việc phát huy lợi thế về tiềm năng tự nhiên, xã hội và nhân văn, phù hợp với những mô hình phát triển du lịch bền vững theo xu hướng tăng trưởng xanh, trên tinh thần kế thừa và vận dụng đúng di sản thiên nhiên và di sản văn hóa.

Công ty Akitek Tenggara và tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất cao trong việc quy hoạch, tập trung xây dựng 14 dự án trọng điểm, trong đó có 5 dự án được đề nghị ưu tiên triển khai và kêu gọi đầu tư nhằm tạo bước đột phá cho du lịch Huế. Trong đó, nổi bật là dự án nông thị, mở hướng phát triển du lịch làng quê như một mô hình sống động của nền kinh tế xanh.

Bốn dự án còn lại gồm: du thuyền trên sông Hương, khai thác cồn Hến, thành phố xanh Chân Mây - Lăng Cô và công nghiệp du thuyền liên quan đến mở hướng phát triển trên không gian nước.

Ngoài ra, hai bên còn tập trung khai thác chiến lược phát triển thương hiệu "du lịch Huế", xác định các giải pháp triển khai quy hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.

Phát triển làng nghề truyền thống

Những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những nét văn hóa Huế. Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, hình thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Theo thống kê, Thừa Thiên Huế có hơn 200 làng nghề thủ công truyền thống. Đây là địa phương hiện còn lưu giữ khá nhiều làng nghề truyền thống, với 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề thủ công. Những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những nét văn hóa Huế.

Với vị thế là một trung tâm du lịch của quốc gia, là "thành phố Festival", sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có một vị trí quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch đến Huế. Chính hệ thống làng nghề khá phong phú rất thích hợp để khai thác và phát triển du lịch.

Phát triển du lịch làng nghề được xem là một hướng đi hiệu quả để gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương. Khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, mà còn mong muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm. Đây cũng là hướng đi mới để triển khai lồng ghép các tour, tuyến du lịch gắn với các làng nghề để tạo ra dòng sản phẩm gắn với cộng đồng.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án Khôi phục và Phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, có 5 nhóm nghề và làng nghề truyền thống được ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển, gồm: đúc đồng; sản xuất đồ gỗ cao cấp, mỹ nghệ; thêu; chế biến thực phẩm truyền thống; nghề may áo dài. Theo Đề án, mỗi năm, tỉnh đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các làng nghề, thiết kế mẫu, cung cấp thông tin thị trường, xử lý môi trường cho các làng nghề...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư