Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Du lịch trước cơ hội lấy lại những gì đã mất
Hồ Hạ - 06/04/2023 09:16
 
Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để lấy lại những gì đã mất trong thời gian Covid-19, khi thị trường khách quốc tế đã rộng cửa và Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua một loạt chính sách về visa, xuất nhập cảnh…
Du khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh trở lại 	Ảnh: Đức Thanh
Du khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh trở lại      Ảnh: Đức Thanh

Cơ hội phục hồi chưa từng có

Quý I/2023, Việt Nam đón xấp xỉ 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Tuy mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng mức phục hồi này đã giúp doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 3 tháng đầu năm đạt 161.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước, như Đà Nẵng tăng 73,5%, Quảng Ninh tăng 43,1%, Cần Thơ tăng 42,4%, TP.HCM tăng 37,2%, Hà Nội tăng 12,5%...

Doanh thu du lịch lữ hành quý I đạt 6.800 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương.

Với những con số trên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, năm 2023 có nhiều tín hiệu vui cho ngành du lịch, như có thêm những nguồn lực mới là khách Trung Quốc bắt đầu vào Việt Nam. Đặc biệt, thời gian tới, những đề xuất của Chính phủ như cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Nếu các đề xuất này được Quốc hội thông qua trong tháng 5/2023 thì sẽ tạo cú hích cho ngành kinh tế xanh.

Tính đến cuối tháng 3/2023, Hội chợ VITM Hà Nội 2023 đã có trên 50 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia, với 450 gian hàng và 600 đơn vị tổ chức gian hàng. Có trên 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi được chào bán. Dự kiến, Hội chợ sẽ thu hút hàng ngàn người mua và khoảng 2.500 doanh nghiệp đến tham quan, làm việc và đón hơn 60.000 lượt khách tới tham quan.

“Đây được xem là chính sách thị thực mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Nếu được thông qua, chắc chắn lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ vượt qua mốc 8 triệu lượt như kế hoạch”, ông Bình dự đoán.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, cạnh tranh để phát triển du lịch của các nước trong khu vực rất khắc nghiệt. Do vậy, việc Chính phủ mạnh dạn đề xuất với Quốc hội nâng thời gian lưu trú và tăng thêm các nước miễn thị thực, nhất là thị thực điện tử, là cơ hội cho chúng ta cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, để du khách quốc tế sẵn sàng đến với chúng ta hoặc đến với nước khác rồi chọn ghé Việt Nam trên hành trình.

“Đây cũng là mong muốn của các nhà kinh doanh du lịch. Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và đón mùa vàng khách quốc tế trong năm nay và lâu dài về sau”, ông Thuỷ nói.

Sức hút từ du lịch văn hóa

Cùng với nỗ lực cải thiện chính sách visa, thủ tục nhập cảnh, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay với kỳ nghỉ dài ngày được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch Việt Nam sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam vừa được chuyên trang du lịch Travel Off Path (Mỹ) giới thiệu là một trong những đất nước thu hút nhất trong mùa hè này, bên cạnh Nhật Bản, New Zealand, Pháp và Italy.

Theo Travel Off Path, tỷ lệ tìm kiếm và đặt phòng tại thành phố biển Đà Nẵng tăng tới 439%, Thủ đô Hà Nội với mức tăng 298%, TP.HCM tăng 219%…, cho thấy du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn những điểm đến mới lạ cho chuyến đi của mình so với thời điểm trước khi dịch bệnh nổ ra.

Trong khi đó, theo số liệu từ nền tảng đặt phòng Expedia, tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng khiến các hoạt động du lịch trở nên nhộn nhịp. Chỉ chưa hết tháng 3, nhưng lượng tìm kiếm về các điểm đến đã tăng 50% so với năm trước. Sau Nhật Bản, quốc gia châu Á thứ hai nhận được sự mến mộ của nhiều du khách người Mỹ chính là Việt Nam.

Sức hút của du lịch Việt Nam năm 2023 còn được minh chứng khi Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) công bố cuối năm 2022, “đất nước hình chữ S” được xướng tên ở 16 hạng mục giải thưởng.

Để kích cầu thị trường du lịch quốc tế, ngay trong tháng 4 này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023. Với chủ đề “Du lịch văn hóa”, Ban Tổ chức hy vọng, Hội chợ VITM Hà Nội 2023 sẽ góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời đưa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới”, ông Bình chia sẻ.

Còn theo ông Phạm Văn Thủy, văn hóa đi đến đâu thì quốc gia, dân tộc đi đến đó. Do vậy, phát triển văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. “Chúng ta đã lưu giữ được các di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên việc khai thác các di sản văn hóa trở thành hàng hóa, công nghiệp văn hóa để phát triển du lịch là đặc biệt quan trọng”, ông Thủy khẳng định.

Đón đầu sự tăng trưởng của ngành du lịch trong thời gian tới trước những cơ hội phục hồi chưa từng có, ông Thủy cho biết, ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch nói riêng sẽ truyền thông các chính sách đến với tất cả các doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đưa khách đến với Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách đến khám phá.

Hơn 29.000 tỷ đồng "rót" vào Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh
Tổng vốn đầu tư đăng ký của 10 dự án tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là gần 29.400 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư