Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Du lịch Việt Nam - Trung Quốc hứa hẹn tăng nhanh
Hạnh Phúc - 22/08/2024 08:48
 
Với sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp hai nước, cùng những chính sách quảng bá, xúc tiến đồng điệu, nhịp nhàng, trao đổi khách hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã phục hồi toàn diện và hứa hẹn tăng nhanh hơn.
Trong 7 tháng đầu năm, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 	(Ảnh: P.H)
Trong 7 tháng đầu năm, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: P.H)

Phát triển thị trường du lịch xuyên biên giới

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 2,1 triệu lượt, chỉ sau Hàn Quốc. Đáng chú ý, con số này tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2023.

TS. Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, hậu Covid-19, hoạt động trao đổi khách giữa Việt Nam và Trung Quốc gặt hái nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, hiện tại, quan hệ hữu nghị, hợp tác là yếu tố thuận lợi thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

“Cùng với đó, công tác xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc được đẩy mạnh. Việt Nam đang triển khai rất nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến tại Trung Quốc. Sắp tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức 2 đoàn giới thiệu du lịch Việt Nam tại Tứ Xuyên - Trùng Khánh, Bắc Kinh - Thượng Hải, tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ Du lịch Trung Quốc - ASEAN…”, ông Siêu cho hay.

Ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc liên tục ban hành những chính sách hấp dẫn về xuất nhập cảnh, cải thiện dịch vụ du lịch, đa dạng hóa phương thức thanh toán và liên tục xúc tiến tại Việt Nam những điểm đến đặc sắc như Nam Ninh, Trương Gia Giới, Hải Nam…

Chẳng hạn, trong tháng 8/2024, TP. Trương Gia Giới và TP. Nam Ninh (Trung Quốc) tổ chức 2 hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện quảng bá du lịch Trương Gia Giới tại Hà Nội ngày 16/8, ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, Trương Gia Giới đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách Việt Nam. Chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, thành phố này đón 42.200 lượt khách từ Việt Nam”.

Trong khi đó, với lợi thế nằm tiếp giáp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh (Việt Nam), TP. Nam Ninh (Trung Quốc) là điểm đến được nhiều du khách Việt Nam chọn khám phá bằng các tuyến đường bộ như Hà Nội - Móng Cái - Thái Bình cổ trấn - Nam Ninh, Hà Nội - Hữu Nghị - Nam Ninh - Quế Lâm - Dương Sóc, Móng Cái - Đông Hưng - Bắc Hải, Bằng Tường - Thái Bình cổ trấn - Nam Ninh - công viên Khủng Long - Y Lĩnh Nham - Thanh Tú Sơn...

Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch Nam Ninh ngày 13/8, Phó cục trưởng Cục Văn hóa, phát thanh, truyền hình và du lịch Nam Ninh Trương Chấn Vũ cho biết: “Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước, ngành du lịch Nam Ninh đã tối ưu hóa sản phẩm, xây dựng các điểm dịch vụ du lịch nhập cảnh một cửa. Nửa đầu năm nay, Nam Ninh đón 300 đoàn du lịch Việt Nam, với hơn 19.000 lượt khách”.

Trước đó, ngay khi Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế, châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã phối hợp với các Sở Du lịch Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng (Việt Nam) tổ chức Hội nghị Xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam (gồm Côn Minh, Hồng Hà, Sapa, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long) tại Hà Nội. Sự kiện này đã tạo nền tảng tốt để Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác du lịch xuyên biên giới trên phạm vi rộng lớn ngay khi Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế. Đến nay, tuyến du lịch vàng này đã trở thành chương trình du lịch kiểu mẫu của doanh nghiệp hai bên.

Hướng đến nhóm khách tinh hoa

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các tuyến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động. Tháng 6/2024, đường bay charter từ Hải Phòng (Việt Nam) đến Lệ Giang (Trung Quốc) đã được khởi động, tiếp đó là mở đường bay Hà Nội - Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) và gần đây nhất, Hãng hàng không West Air khai thác đường bay mới Hà Nội - Trùng Khánh (Trung Quốc), với tần suất 3 chuyến/tuần. Những đường bay này giúp các hãng lữ hành 2 nước khai thác nguồn khách rộng lớn hơn.

Cùng với đó, doanh nghiệp lữ hành 2 nước tích cực phối hợp, tập trung khai thác thị trường gần trong khu vực, đặc biệt là các điểm đến có thể đi bằng đường bộ hoặc bay ngắn dưới 3 giờ. Nhờ đó, phát triển du lịch 2 chiều có sự bùng nổ trong thời gian gần đây.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội dự báo: “Sự phục hồi nguồn khách từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam cất cánh trong năm nay. Tuy nhiên, các điểm đến tại Việt Nam khi thu hút khách Trung Quốc cần hướng tới thị trường tốt hơn, bền vững hơn và có mức chi trả cao hơn”.

Đồng tình, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, các tour du lịch biển đảo của Việt Nam luôn hấp dẫn khách Trung Quốc. Mặt khác, sau dịch, khách Trung Quốc thường ưu tiên chọn các điểm đến quốc tế an toàn cao và gần để tiết kiệm chi phí. “Việt Nam hội đủ những yếu tố này. Vì thế, thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam nên tập trung khai thác thị trường khách Trung Quốc nhà giàu, đến từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và đến bằng đường hàng không để hướng tới tệp khách chi tiêu vài ngàn tệ trở lên cho một chuyến đi”, ông Đạt nhấn mạnh.

Mặt khác, Viện Du lịch Trung Quốc dự báo, số lượng du khách cao tuổi Trung Quốc sẽ vượt 100 triệu người vào năm 2025. Khi đó thị trường “du lịch tóc bạc” trong nước sẽ đạt 1.000 tỷ nhân dân tệ (139,9 tỷ USD)/năm. Còn Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Trung Quốc ước tính “du lịch tóc bạc” sẽ chiếm 50% du lịch trong nước vào năm 2040. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, đây cũng là nhóm khách Trung Quốc có thu nhập cao và nhiều thời gian, nên cần sớm có những chính sách hấp dẫn để thu hút.

Để mời gọi tệp khách nhà giàu Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, ngành kinh tế xanh Việt Nam cần định vị lại thương hiệu là điểm đến sang trọng, thay vì giá rẻ. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, các sản phẩm giải trí giúp khách ở lâu - chi nhiều, Việt Nam cần chú trọng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu cao của nhóm khách tinh hoa.

Nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam – Hàn Quốc
Hàn Quốc muốn mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa cho doanh nghiệp du lịch 2 bên. Từ đó tạo ra được nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư