Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Du lịch Việt với hành trình giảm “dấu chân” carbon
Linh Nguyễn - 02/11/2024 14:30
 
Ngành du lịch vốn được coi là “không khói”, nhưng thực tế, các hoạt động di chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi… vẫn để lại lượng phát thải không nhỏ. Bởi vậy, du lịch Việt đang nỗ lực giảm dấu chân carbon để hướng tới bền vững.
Du khách nước ngoài trải nghiệm tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh) (Ảnh: AEEC)
Du khách nước ngoài trải nghiệm tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh). (Ảnh: AEEC)

Hành trình xanh từ mỗi bước chân

Theo Tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Vì vậy, để xây dựng môi trường du lịch bền vững, cần đẩy mạnh các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên, giảm phát thải khí carbon, song song với những hoạt động tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Chua me đất (Oxalis) - doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm - cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam phát thải 900 triệu tấn CO2, trong khi những cánh rừng trên cả nước chỉ hấp thụ được khoảng 110 triệu tấn.

“Oxalis giới hạn đón 1.000 khách tham gia tour khám phá hang Sơn Đoòng một năm, nhưng hoạt động này cũng phát thải 1.009 tấn CO2, dù chỉ là đi bộ. Điều đáng nói là, lượng khí thải phát sinh trong rừng chỉ chiếm khoảng 20,8 kg; còn các hoạt động bên ngoài, từ nhà cung cấp, đối tác chiếm phần lớn lượng phát thải, với hơn 600 kg”, ông Nguyễn Châu Á dẫn chứng.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis nhấn mạnh, để đạt được Net Zero, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc đo lường chính xác mức độ phát thải, sau đó đưa ra các biện pháp giảm phát thải trong nội tại doanh nghiệp, rồi tiến hành làm việc với các đối tác, nhà cung ứng để có giải pháp giảm thiểu lượng khí thải. Việc này không chỉ nhằm đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050), mà còn góp phần tạo sức hút cho các sản phẩm du lịch bền vững.

Vietravel Holdings - một trong những công ty du lịch hàng đầu tại Việt Nam - cũng đã triển khai chương trình Go Green từ năm 2013. Bên cạnh những hành động thiết thực như phát túi linon tự hủy cho khách, dọn vệ sinh tại các điểm du lịch, Vietravel còn tiến hành đo dấu chân carbon của mỗi du khách trong các chuyến đi, từ việc di chuyển, lưu trú đến các hoạt động vui chơi.

Mới đây, tại tỉnh Bến Tre, 15 cuốn “hộ chiếu xanh” đã được trao cho du khách tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch “Net Zero Tours Bến Tre”. Ý tưởng được triển khai và thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, đưa xứ dừa Việt Nam trở thành điểm đến duy nhất trên thế giới “khai sinh” cuốn hộ chiếu đặc biệt này.

Trong suốt chuyến đi, du khách sẽ được phát một quyển sổ nhỏ và một cây bút chì để ghi chép thông tin về các sản phẩm mình đã sử dụng ở từng chặng. Họ sẽ biết rõ sản phẩm nào góp phần làm tăng lượng phát thải carbon, sản phẩm nào giúp giảm phát thải, từ đó có thể bù đắp ngay trong hành trình hoặc lựa chọn phương án bù đắp tối ưu sau chuyến đi. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trò chơi nhìn hình và sắp xếp các sản phẩm theo thứ tự giảm dần lượng phát thải carbon. Ví dụ, so sánh việc ăn một trái dừa với một trái sầu riêng, hay giữa sầu riêng và mít, trái nào khi tiêu thụ sẽ gây phát thải nhiều hơn?

“Khách đi du lịch không chỉ là hưởng thụ, mà còn san sẻ với địa phương mình đến, đó là điểm xuất phát, cũng là đích đến của hành trình giảm dấu chân carbon”, đại diện đơn vị tổ chức tour chia sẻ.

Không chỉ Bến Tre, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu triển khai một số “tour xanh”, như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tour khám phá chùm đảo hoang sơ “tứ Bình” tại Khánh Hòa, tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai…

Các điểm du lịch khác như vườn quốc gia Cát Bà, vịnh Hạ Long cũng triển khai những chương trình giảm thiểu phát thải. Các tour du lịch sinh thái tại Trà Vinh hay tour “tắm rừng” tại Đồng Nai là những ví dụ điển hình về việc kết hợp bảo tồn thiên nhiên với phát triển du lịch.

Vận tải du lịch không nằm ngoài “cuộc đua”

Các hoạt động dịch vụ du lịch đã chuyển mình theo hướng thân thiện với môi trường. Lĩnh vực vận tải du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng này khi đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững.

Ngành hàng không có lượng phát thải carbon cao cũng đã bắt đầu thực hiện những bước chuyển đổi xanh trong du lịch. Năm 2023, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Vietjet Air cũng đang tiến tới sử dụng các dòng máy bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải. Máy bay Airbus A321neo ACF của Vietjet giúp giảm phát thải tới 50% và giảm tiếng ồn đến 75%.

Ngành đường sắt Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng cách đầu tư vào các phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh. Bộ Giao thông - Vận tải đã và đang nghiên cứu thí điểm các tuyến đường sắt điện khí hóa, nhằm tạo ra những chuyến đi bền vững hơn cho du khách.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng đã nghiên cứu, phát triển các phương tiện chạy bằng điện hoặc sử dụng năng lượng tái tạo bằng việc ứng dụng xe buýt điện tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Điển hình như VinBus, một dự án của Tập đoàn Vingroup, đã triển khai hệ thống xe buýt điện hiện đại và tiện nghi, mang đến giải pháp di chuyển xanh cho các thành phố đông đúc.

Bên cạnh đó, các dự án xe điện, xe đạp điện, thậm chí cả thuyền du lịch sử dụng năng lượng mặt trời đã dần đi vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại những trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Việt Nam đang nỗ lực trên hành trình giảm phát thải ở hầu hết các lĩnh vực. Các giải pháp như đầu tư vào công nghệ xanh, nâng cấp hạ tầng giao thông và triển khai các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ là chìa khóa để ngành vận tải du lịch góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh của đất nước.

Vingroup và Vietravel hợp tác thúc đẩy du lịch xanh - di chuyển xanh
Ngày 25/10/2024, Tập đoàn Vietravel và Tập đoàn Vingroup ký thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi xanh trong kinh doanh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư