Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dữ liệu là vàng, giúp doanh nghiệp bán hàng và xử lý khủng hoảng
Tú Ân - 09/10/2020 15:05
 
Big Data phân tích được nhu cầu hàng hóa, thị hiếu khách hàng, từ đó cung cấp hàng hóa phù hợp, tung ra chiến dịch quảng cáo nhắm đúng đối tượng, tiết kiệm chi phí

Trong thời đại kỹ thuật số, với sự bùng nổ của dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật đang được kết nối với nhau, tạo nên một bức tranh thông tin khổng lồ. Đặc biệt, với sự bùng nổ của mạng xã hội (social) trong những năm gần đây, dữ liệu người dùng đang ngày một nhiều lên.

Đây cũng chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà các doanh nghiệp có thể tận dụng vào việc tìm hiểu thị trường, nhu cầu của khách hàng để có hướng phát triển cho sản phẩm và thương hiệu. Nhưng việc tận dụng nguồn tài nguyên ấy như thế nào cho thực sự hiệu quả lại là bài toán khiến không ít các doanh nghiệp đau đầu. 

Ông Lê Công Thành
Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chọn lọc thông tin (InfoRe) chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Làm chủ social data – Phát triển thương hiệu bằng dữ liệu lớn”.

Tại Hội thảo “Làm chủ social data – Phát triển thương hiệu bằng dữ liệu lớn”, ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chọn lọc thông tin (InfoRe) đã lấy ví dụ về gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ Amazon, với việc tiếp nhận, xử lý hàng triệu đơn hàng cũng là cơ hội tiếp cận được với lượng dữ liệu lớn về khách hàng, những thông tin trực tiếp đến người dùng sẽ được ghi nhận. Nhờ đó, Amazon cũng có thể nắm bắt được nhu cầu của các khách hàng ở mỗi một khu vực, địa phương là như thế nào, chủ động chuẩn bị các mặt hàng, sản phẩm cũng như hệ thống vận chuyển, kho bãi phù hợp.

Hay như các hoạt động chính trị như bầu cử Tổng thống Mỹ, ngay từ cách đây 4 năm họ đã thu thập dữ liệu để phục vụ cho các mục đích của hoạt động bầu cử được hiệu quả hơn.

"Tại Việt Nam nhu cầu làm giàu dữ liệu, khai thác dữ liệu như một dạng tài nguyên quí giá, góp phần vào việc phát triển kinh doanh sẽ ngày càng lớn. Hiện nay đa số doanh nghiệp lại không có nhiều dữ liệu, chưa tính chuyện thu thập. Phần lớn doanh nghiệp chưa nghĩ đến việc này và vẫn mất nhiều tiền cho việc chạy quảng cáo thông thường”, ông Thành chia sẻ.

Thời gian gần đây, các thông tin về Big Data được truyền thông nhắc tới nhiều hơn khi nền kinh tế số phát triển, giúp doanh nghiệp có thể dự báo được nhu cầu về hàng hóa trong tương lai gần, nắm bắt thị hiếu của từng thị trường, phân khúc khách hàng, từ đó cung cấp hàng hóa phù hợp, tung ra chiến dịch quảng cáo nhắm đúng đối tượng, tiết kiệm chi phí. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này và việc sử dụng công cụ nào cho việc thu thập, khai thác dữ liệu và từ đó triển khai hành động vẫn luôn là một bài toán khó.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần cMetric (doanh nghiệp làm trong lĩnh vực Social Listening, chuyên thu thập, phân tích dữ liệu) cho hay: Các doanh nghiệp hiện có quá nhiều nguồn thông tin, tuy nhiên lại khó tiếp cận khó xử lý thông tin kịp thời, biến thành dữ liệu hữu ích để tiếp cận nhanh chóng thông tin liên quan đến khách hàng, thị trường.

Thực tế cho thấy, tại nước ngoài, các doanh nghiệp như cMetric đang được các doanh nghiệp, thương hiệu tìm đến để nhờ cậy biến nguồn dữ liệu lớn, phức tạp thành các dữ liệu tinh gọn, có lợi, phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.

cMetric sáp nhập vào hệ sinh thái của Clever Group vào tháng 9/2020. Clever Group giao dịch tại sàn UpCOM với mã ADG vào ngày 26/12/2019 và dự kiến chuyển sàn HOSE trong tháng 11/2020.

Cụ thể, các doanh nghiệp này thực hiện thu thập, tổng hợp và phân tích các thảo luận công khai trên các kênh như mạng xã hội, diễn đàn, báo chí, trang tin điện tử… Từ đó có thể đưa ra những tư vấn, góc nhìn cần thiết về thị trường, đối thủ, khách hàng, chiến dịch…, từ đó giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán kinh doanh của mình như quản trị thương hiệu, phát triển sản phẩm, thực thi chiến dịch và cảnh báo khủng hoảng truyền thông.

Ví dụ, chỉ cần “quét” thương hiệu Viettel ở thời điểm tháng 5/2020 sẽ nhanh chóng cho ra 154.000 đề cập về doanh nghiệp này, qua lớp phân tích thông tin doanh nghiệp có thể biết được khách hàng đang mong muốn gì về thương hiệu của họ, có vấn đề gì cần phải giải quyết kịp thời để phục vụ khách hàng…

Tương tự, với các từ khóa ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, BIDV… cũng sẽ cho ra hàng trăm nghìn kết quả, từ đó có thể đánh giá được khách hàng quan tâm vấn đề gì, biết được thông tin nào xấu để xử lý khủng hoảng truyền thông…

“Việt Nam gần đây mới đẩy mạnh vấn đề chuyển đổi số, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm hơn đến xử lý Big Data. Tuy muộn sau nhiều quốc gia nhưng tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội”, ông Thành chia sẻ.

Big Data: Hiểu đúng để áp dụng
Trong thời đại công nghệ thông tin và thế giới phẳng, câu hỏi đánh giá năng lực sẽ không còn là “Bạn biết gì?” nữa, mà sẽ là “Bạn sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư