Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước
Huy Tự - Lê Ngân - 14/10/2020 11:01
 
Bạc Liêu đang triển khai xây dựng Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đưa tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Trung tâm Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Thu Đông
Trung tâm Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Thu Đông

Hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn với liên kết vùng

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, về đường bộ, hiện có 3 tuyến quốc lộ: Quốc lộ 1, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu. Đặc biệt, đường cao tốc Bạc Liêu - Hậu Giang - Hà Tiên nối cửa khẩu Xà Xía qua Campuchia đã được quy hoạch sẽ mở rộng giao thương biên giới với các nước Đông Nam Á.

Song song đó, hệ thống giao thông thủy gồm 23 tuyến kênh, liên kết bằng các tuyến dọc, tuyến ngang, đảm bảo ghe tàu trên dưới 500 tấn có thể đi lại thuận tiện. Các trục đường thủy quốc gia quan trọng như tuyến kênh dọc Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh Gành Hào - Hộ Phòng thông ra biển Đông và các tuyến kênh ngang của địa phương như Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí... góp phần quan trọng để Bạc Liêu lưu thông hàng hóa đi cả nước và quốc tế.

Với những ưu điểm như chở hàng hóa khối lượng lớn, chuyên chở cự ly dài..., giao thông đường biển đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển. Ngoài ra, hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới điện, các công trình cấp thoát nước khá đồng bộ là những điều kiện tốt để các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Về cảng biển, Thủ tướng Chính phủ đã đưa cảng Gành Hào vào Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cảng tổng hợp (loại II) với bến chính là bến cảng Gành Hào cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn. Nghiên cứu khả năng hình thành khu bến ngoài cửa Gành Hào - Bạc Liêu cho tàu trọng tải từ 30.000 - 50.000 tấn để làm hàng xuất nhập khẩu cho bán đảo Cà Mau (theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018), ưu tiên xây dựng tuyến đường cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Gía - Bạc Liêu dài khoảng 230 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Theo phương án sơ bộ, tuyến đường này sẽ cắt ngang Quốc lộ 1A tại khu vực Cầu Dần Xây, sau đó đi tiếp ra hướng biển và có điểm cuối kết thúc tại cảng Bạc Liêu.

Theo quy hoạch, cảng Bạc Liêu là cảng nước sâu tổng hợp cấp I của Vùng (toàn vùng quy hoạch 3 cảng cấp I: cảng Cần Thơ, cảng Hòn Khoai, cảng Bạc Liêu), có khả năng đáp ứng tàu trọng tải 30.000 - 100.000 DWT; vị trí cảng cách bờ biển khoảng 17 - 20 km, dự kiến đến sau năm 2030 sẽ hình thành cảng Bạc Liêu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước

Ngành nông nghiệp hiện đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế của Bạc Liêu, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, Bạc Liêu có lợi thế đường bờ biển dài, thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản xuất khẩu (tôm sú, thẻ), tạo nguồn lực kinh tế - xã hội dồi dào cho địa phương. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có diện tích canh tác thủy sản 136.632 ha, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 365.000 tấn.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên từng sản phẩm, nhất là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, kết hợp chăn nuôi theo hướng trang trại, hiệu quả, vùng sản xuất giống lúa, vùng rau an toàn, chất lượng cao, đảm bảo ổn định trồng trọt và chăn nuôi. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5% trở lên.

Chủ trương hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản gắn với chú trọng và xây dựng thương hiệu “Tôm Bạc Liêu” đã đem lại nhiều hiệu quả rất tích cực, góp phần tích cực vào lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tiếp tục phát triển.

Trong đó, nuôi trồng thủy sản luôn được quan tâm, công tác quản lý giống, thức ăn, thuốc thú y và việc hướng dẫn kỹ thuật, lịch thời vụ nuôi tôm và các loại thủy sản khác được tăng cường. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được áp dụng như: mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP và ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm - lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Bạc Liêu đang triển khai xây dựng Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, với quy mô 418,91 ha.

Đây là điều kiện rất thuận lợi để đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển ngành tôm của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đột phá phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Tỉnh Bạc Liêu rất giàu tiềm năng trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời, dựa trên 3 lợi thế chủ yếu: có bờ biển dài hơn 56 km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7 m/s; thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm; địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần...

Có thể nói, Bạc Liêu là tỉnh đi đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nói không với nhiệt điện gây ảnh hưởng môi trường sinh thái. Theo Quy hoạch Phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016, tổng công suất tiềm năng về điện gió của tỉnh lên đến hơn 2.500 MW. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, với quy mô công suất  99,2 MW, gồm 62 trụ turbine, công suất mỗi trụ 1,6 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, đã phát điện lên lưới quốc gia hơn 1,1 triệu kWh

Từ năm 2019 đến ngày 15/10/2020, đã có 9 dự án nhà máy điện gió được khởi công trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất 562 MW và tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1 tỷ USD, đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cùng với hơn 27 dự án điện gió khác, với tổng công suất hơn 5.000 MW đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII của quốc gia, Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.

Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII của quốc gia và tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư; hiện nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án để khởi công vào dịp 30/4/2021.

Tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột chính

Trong năm 2015-2019, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 50 dự án (gồm 46 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 8.589,08 tỷ đồng; 4 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 404,33 triệu USD). Riêng từ đầu năm 2020 đến ngày 5/10/2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án (23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 17.670,94 tỷ đồng, 1 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD).

Chủ trương hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản gắn với chú trọng và xây dựng thương hiệu “Tôm Bạc Liêu” đã đem lại nhiều hiệu quả rất tích cực, góp phần tích cực vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và khai thác, chế biến thủy sản tiếp tục phát triển.

Đặc biệt, đầu năm 2020, tỉnh đã thu hút và trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu. Đây là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay. Tính chung đến nay, trên địa bàn tỉnh có 155 dự án (140 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 46.106,39 tỷ đồng; 15 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,491 tỷ USD).

Với mục tiêu đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, đất đai và hạ tầng cơ sở để doanh nghiệp an tâm đầu tư lâu dài, Bạc Liêu sẽ dành những chính sách ưu đãi cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, trong quá trình đầu tư vào tỉnh, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ tốt nhất (thực hiện theo chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư được quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ).

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột chính: phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế.

Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030; có mức GRDP/người thuộc nhóm cao của vùng; quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020; phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới; trong đó có 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... Mục tiêu này thể hiện rõ khát vọng cao và quyết tâm lớn trong nhiệm kỳ 5 năm tới của tỉnh.

Sớm đàm phán Hợp đồng mua bán điện của LNG Bạc Liêu
Bộ Công thương được giao chỉ đạo EVN và nhà đầu tư sớm triển khai đàm phán hợp đồng mua bán điện trong tháng 8/2020 và ký kết vào cuối năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư