Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Sớm đàm phán Hợp đồng mua bán điện của LNG Bạc Liêu
Thanh Hương - 27/08/2020 14:17
 
Bộ Công thương được giao chỉ đạo EVN và nhà đầu tư sớm triển khai đàm phán hợp đồng mua bán điện trong tháng 8/2020 và ký kết vào cuối năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nhắc UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án đúng cam  kết về tiến độ và giá bán điện tốt nhất (cạnh tranh nhất).

Đồng thời Bộ Công thương cũng được giao chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhà đầu tư sớm triển khai đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) ngay trong tháng 8/2020 và ký kết PPA vào cuối năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, để đảm bảo thực hiện theo tiến độ quy hoạch, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Bạc Liêu kịp thời báo cáo Thủ tướng giải quyết tháo gỡ các khó khăn vượt thẩm quyền (nếu có), không để xẩy ra chậm trễ, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.

Đoàn Ban chỉ đạo phát triển điện quốc gia làm việc tại Dự án LNG Bạc Liêu
Đoàn Ban chỉ đạo phát triển điện quốc gia làm việc tại Dự án LNG Bạc Liêu

Theo quy định hiện hành về trình tự đàm phán hợp đồng mua bán điện tại Thông tư 56/2014/TT-BCT và Thông tư 13/2017/TT-BCT thì chủ đầu tư dự án nhà máy điện có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đàm phán PPA gửi Bên mua để đàm phán và thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt để ký PPA trước Ngày khởi công xây dựng công trình hoặc trước khi nhà máy điện thực hiện thí nghiệm phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

Các chuyên gia về đàm phán PPA cũng cho hay, việc đàm phán PPA với các mấu chốt là giá và các nội dung kỹ thuật phải dựa cơ bản trên  Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), còn các điểm khác có thể lấy theo hợp đồng mẫu.

“Từ  Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tính ra được chi phí đầu tư, dòng tiền vào - ra, lợi nhuận nhất định, tỷ lệ chiết khấu… sẽ ra giá mua điện. Ra bao nhiêu mua bấy nhiêu nhưng không được vượt quá giá trần được Bộ Công thương hay Thủ tướng phê duyệt”, một chuyên gia đàm phán cho hay.

Trước đó khi đề xuất dự án này, các nhà đầu tư cũng nhắc tới việc giá bán điện chỉ khoảng 7 UScent/kWh và đây được xem là điểm cộng để nhà đầu tư này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại dự án có quy mô vốn hơn 4 tỷ USD. 

Được biết, trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng hồi đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo hồi tháng 6/2020, ở phần liên quan đến Dự án LNG Bạc Liêu cũng nêu rõ, “đề nghị Chủ đầu tư giữ cam kết giá điện của Dự án khoảng 7 UScents/kWh để tiết kiệm thời gian đàm phán Hợp đồng mua bán điện”.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, nhà phát triển của dự án này là  Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. (đăng ký tại Singapore) đã có ít nhất 1 phiên làm việc online và 1 làm việc trực tiếp với EVN về các vấn đề liên quan tới PPA.

Tuy nhiên, hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được nhà phát triển dự án thuê Viện Năng lượng Việt Nam lập vẫn chưa xong.

Các nhà đầu tư khác cũng cho rằng, do Chính phủ khẳng định không cấp bảo lãnh nào, nên chuyện làm nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực bởi Dự án cần vài tỷ USD mà tỷ lệ vay tới 80-85% và chủ yếu là vay nước ngoài mà không có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ thì không dễ thuyết phục các tổ chức tài chính xuống tiền.

Thủ tướng có ý kiến về Dự án LNG Bạc Liêu
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp, đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư