Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đưa Việt Nam thành mắt xích của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Hữu Tuấn - 11/02/2024 09:09
 
TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ về Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Nguyễn Thiện Nghĩa phát biểu tại một hội thảo về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

THAM GIA CHUỖI BÁN DẪN THEO “CÁCH VIỆT NAM”

Thực trạng và điều kiện để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu hiện nay ra sao, thưa ông?

Đặc điểm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là tất cả các công đoạn trong các khâu sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng.

Điều này có nghĩa là, mỗi công đoạn trong các khâu sản xuất do một số ít tập đoàn, hoặc nói đúng hơn là một số ít quốc gia nắm công nghệ hàng đầu thực hiện. Việc gia nhập chuỗi sản xuất này đòi hỏi phải có thị trường, có sự đầu tư rất lớn về công nghệ và cả quan hệ địa chính trị.

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đang chủ yếu được đánh giá ở tiềm năng phát triển, hơn là có vai trò chủ đạo. Hiện nay, tại Việt Nam có Intel thực hiện công đoạn đóng gói - công đoạn cuối cùng trong sản xuất chip. Đồng thời, Samsung và Amkor cũng đang triển khai đầu tư một số dự án.

Xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời, việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc và tham gia sâu hơn các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.

Theo nhận định của các hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến việc tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi.

Thưa ông, là quốc gia đi sau trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần có cách tiếp cận riêng. Vậy lối đi riêng đó là gì?

Tôi cho rằng, Việt Nam cần có lối đi phù hợp với năng lực hiện tại và nhu cầu của chuỗi bán dẫn toàn cầu. Chưa có quốc gia nào có ngành công nghiệp bán dẫn nếu không tham gia chuỗi toàn cầu.

Việt Nam có thể cân nhắc đi theo hướng phát triển chip chuyên biệt, thay vì chạy đua theo những dòng chip phổ thông. Trong bối cảnh định luật Moore đang gặp giới hạn, tức khả năng nâng cao hiệu năng của chip theo chu kỳ 2 năm sẽ ngày càng khó, thị trường sẽ cần đến những dòng chip chuyên biệt cho từng ứng dụng. Với sự bùng nổ Internet vạn vật (IoT) hiện nay, nhu cầu về chip chuyên biệt phục vụ IoT sẽ ngày càng lớn.

Việt Nam, trước tiên, có thể tham gia hệ sinh thái của các công ty lớn, cung cấp sản phẩm dưới dạng IP, từ đó hiểu nhu cầu và quy mô của lĩnh vực, phát triển đội ngũ, năng lực. Đó là tiền đề để xác định sản phẩm cạnh tranh.

Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Soạn thảo đang tổ chức đánh giá thực trạng tại Việt Nam và thế giới, phân tích tiềm năng, phân tích xu hướng phát triển để có những đề xuất phù hợp cho công nghiệp vi mạch Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ tầm nhìn, định hướng, mục tiêu, lộ trình của Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Việt Nam đề ra mục tiêu dài hạn là trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần tập trung phát triển 4 trụ cột, gồm cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, các chính sách ưu đãi và hệ sinh thái khởi nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

Về định hướng, Việt Nam sẽ phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trong một hệ sinh thái với một số quốc gia trên cơ sở kết hợp, bổ trợ, phát huy tiềm năng hiện có và vị trí địa chính trị của Việt Nam. Phát triển song hành hệ sinh thái doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hệ sinh thái doanh nghiệp vi mạch trong nước. Thu hút đầu tư nước ngoài một cách có điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài là cầu nối với hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu.

CẦN XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI BÁN DẪN

Như ông chia sẻ, muốn tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần có hệ sinh thái bán dẫn. Vấn đề này được đề cập như thế nào trong Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

Trước hết, tôi có thể khẳng định, không quốc gia nào trên thế giới có một hệ sinh thái đầy đủ tất cả các thành phần của công nghiệp bán dẫn. Mỹ mạnh về mảng thiết kế, Hàn Quốc mạnh về mảng chip nhớ, Nhật Bản mạnh về mảng nguyên liệu và thiết bị…

Tôi cho rằng, Việt Nam có thể tập trung vào 2 việc: phát huy tốt hơn những hoạt động vi mạch đang diễn ra trong nước và xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch.

Thực tế, Việt Nam đã tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu, nhưng ở quy mô chưa lớn. Ở phân khúc đóng gói kiểm thử hiện có 3 công ty, ở phân khúc thiết kế có khoảng 50 công ty. Việt Nam cần thêm các chính sách thúc đẩy các công ty này mở rộng quy mô, hoạt động.

Trong khi đó, việc tạo ra một sản phẩm vi mạch tiên tiến bởi một công ty khởi nghiệp hiện nay không quá khó. Cách đây 40 năm, muốn cung cấp được chip vi mạch, đòi hỏi phải làm cả 2 công đoạn là thiết kế và sản xuất. Nhưng với sự chuyên môn hóa ngày càng cao trong từng công đoạn, với sự xuất hiện của những “lò” sản xuất như TSMC, UMC, chỉ chuyên tập trung cho sản xuất theo đơn đặt hàng, thì việc tạo ra chip vi mạch trở nên phổ biến hơn rất nhiều.

Ông có thể nói rõ hơn về một mô hình thành công đi lên từ thiết kế chip?

Ví dụ thành công điển hình của mô hình này là Công ty Nvidia, chuyên cung cấp chip AI, hiện được định giá hơn 1.000 tỷ USD. Công ty này được thành lập năm 1993, với 3 kỹ sư, vốn 40.000 USD, không có bất kỳ xưởng sản xuất nào.

Một trong những nguyên nhân thành công của Nvidia là thiết kế được chip, chọn đúng phân khúc thị trường và có thể đặt hàng sản xuất tại bên thứ ba.

Đến nay, Nvidia cũng không có nhà máy sản xuất riêng, hơn 90% sản phẩm được sản xuất tại TSMC.

Theo khảo sát của Hiệp hội quốc tế về Thiết bị và Vật liệu bán dẫn (SEMI), đến năm 2026, sẽ có 91 nhà máy sản xuất được xây dựng, nâng tổng số nhà máy sản xuất trên thế giới lên con số hơn 400. Do đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có thể tập trung vào thiết kế và liên kết với các nhà máy trong khu vực để đặt hàng sản xuất.

Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp vi mạch hiệu quả, cần có những trung tâm đào tạo quy mô lớn, tập trung vào đào tạo thực hành; cần có các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp…

Nếu xây dựng tốt hệ sinh thái khởi nghiệp vi mạch, tôi tin là sẽ có những tài năng tại Việt Nam hoặc quốc tế thành lập công ty khởi nghiệp.

ÔNG LỚN BÁN DẪN QUAN TÂM GÌ KHI ĐẦU TƯ?

Theo ông, để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ cần có chính sách đặc biệt gì?

Ba nội dung mà các công ty bán dẫn toàn cầu quan tâm khi đầu tư nhà máy sản xuất gồm hạ tầng (điện, nước, logistics); nhân lực và hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, các hoạt động sản xuất điện tử nói chung và vi mạch nói riêng ở Việt Nam chủ yếu ở hoạt động lắp ráp, chỉ hình thành được một số ít công ty cung cấp dịch vụ, linh kiện hỗ trợ.

Đồng thời, cũng phải kể đến yếu tố hỗ trợ tài chính mà các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức… cam kết đối với nhà đầu tư sản xuất.

Tôi nghĩ, thời gian sắp tới, nếu Việt Nam cải thiện tốt hơn các yếu tố trên thì sẽ thuận lợi hơn trong thu hút nhà đầu tư.

Riêng về yếu tố nhân lực, ông từng chia sẻ, đây là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

Một trong những thách thức lớn nhất khi phát triển ngành công nghiệp chip tại Việt Nam là nhân lực. Bên cạnh Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030, Việt Nam cần có cách tiếp cận riêng như nâng cao trình độ nhân lực hiện tại, biến những kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử thành kỹ sư chuyên về chip bán dẫn.

Nếu cứ đào tạo tuần tự 4 năm có một lứa kỹ sư thì sẽ khó đáp ứng được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, Việt Nam có đội ngũ 350.000 kỹ sư công nghệ thông tin và điện tử. Tại sao chúng ta không đào tạo đội ngũ này để phát triển thêm các năng lực, kỹ năng có thể trở thành lực lượng lành nghề trong thiết kế chip?

Ngoài ra, cần triển khai xây dựng các trung tâm đào tạo thực hành chuyên sâu, nhằm trang bị các kiến thức nền tảng trong tất cả công đoạn sản xuất chip. Đây là một biện pháp hữu hiệu để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo trong trường đại học và thực tế công nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian đào tạo ban đầu, nên đỡ ngần ngại hơn trong việc mở rộng quy mô hoạt động.

“Bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn
Việt Nam đang trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, với cơ hội thu hút nguồn lực không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư